Tín dụng vào chứng khoán chưa “nóng”

20:35 | 22/04/2021 Print
(TBTCVN) - Tổng mức cho vay chứng khoán đến hết quý I/2021 ước khoảng 45.300 tỷ đồng, chiếm 0,5% tổng dư nợ tín dụng trong nền kinh tế, đây là tỷ lệ không quá cao.

ngan

Tính đến ngày 16/4/2021, tín dụng tăng 15,02% so với cùng kỳ năm 2020.

Tuy nhiên, do đây là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng kiểm soát chặt chẽ dòng tiền vào lĩnh vực này. Đây là thông tin Ngân hàng Nhà nước cho biết tại cuộc họp báo thông tin về kết quả hoạt động ngân hàng quý I/2021 diễn ra chiều 22/4.

Tín dụng bất động sản chiếm gần 20% tổng dư nợ nền kinh tế

Tại cuộc họp báo, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính đến ngày 16/4/2021, tín dụng tăng 3,34% so với cuối năm 2020, tăng 15,02% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 2,90% so với cuối năm 2020 và tăng 15,66% so với cùng kỳ 2020. Hiện mặt bằng lãi suất huy động và cho vay giảm nhẹ khoảng 0,1% so với cuối năm 2020.

Về tỷ giá, tính đến ngày 16/4, tỷ giá trung tâm ở mức 23.196 VND/USD, tăng 0,28% so với cuối năm 2020; tỷ giá giao dịch bình quân liên ngân hàng quanh mức 23.070 VND/USD, giảm 0,09% so với cuối năm 2020; tỷ giá mua, bán VND/USD niêm yết của VCB ở mức 22.980/23.160 VND/USD, giảm 0,24% so với cuối năm 2020.

Nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát, căn cứ mục tiêu tăng trưởng kinh tế và lạm phát do Quốc hội và Chính phủ đặt ra, NHNN xây dựng chỉ tiêu định hướng tăng trưởng tín dụng toàn ngành khoảng 12%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Báo cáo cụ thể hơn về tình hình tín dụng, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho hay, tín dụng toàn nền kinh tế tính đến 16/4 đạt 9.499.546 tỷ đồng, tăng 3,34% so với cuối năm 2020 (cùng kỳ năm 2020 tăng 0,78%). Cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, hỗ trợ tích cực quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển thủy sản, công nghiệp hỗ trợ, hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Đối với những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, báo cáo của NHNN cho thấy tính đến 28/2/2021, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản đạt 1.835.504 tỷ đồng, tăng 2,13% so với cuối năm 2020 cao hơn tỷ lệ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế cùng thời điểm (0,67%), tỷ lệ nợ xấu là 1,8%. Tỷ trọng tín dụng bất động sản chiếm 19,83% trong tổng dư nợ nền kinh tế.

Trong đó, dư nợ tín dụng đầu tư kinh doanh bất động sản đạt 651.631 tỷ đồng, tăng 2,82% so với 31/12/2020, chiếm tỷ trọng 35,5% dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản và chiếm tỷ trọng 7,04% tổng dư nợ đối với nền kinh tế. Dư nợ tín dụng tiêu dùng/tự sử dụng bất động sản đạt 1.183.873 tỷ đồng, tăng 1,75% so với 31/12/2020, chiếm 64,5% dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản, chiếm tỷ trọng 12,79% tổng dư nợ đối với nền kinh tế.

Cho vay chứng khoán đầu năm 2021 giảm gần 7%

Với lĩnh vực chứng khoán, tính đến 28/2/2021, dư nợ lĩnh vực chứng khoán là 42.590 tỷ đồng, giảm 6,98% so với cuối năm 2020 (cùng kỳ năm 2020 giảm 3,41%), chiếm tỷ trọng 0,46% tổng dư nợ nền kinh tế. Theo thời hạn, dư nợ ngắn hạn chiếm tỷ trọng chủ yếu là 96,21%. Theo nhu cầu vốn, dư nợ đầu tư kinh doanh chứng khoán khác chiếm tỷ trọng cao nhất là 70,54%, dư nợ đầu tư kinh doanh cổ phiếu chiếm tỷ trọng cao thứ 2 với 26,93%. Theo nhóm ngân hàng, dư nợ chứng khoán tập trung chủ yếu ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước, chiếm 43,47%, và nhóm ngân hàng thương mại cổ phần khác chiếm 48,42%.

Về dư nợ với các loại hình kinh tế, NHNN cho biết dư nợ tín dụng doanh nghiệp nhà nước đạt 455.000 tỷ đồng, giảm 0,99% so với cuối năm 2020, chiếm tỷ trọng 4,92% tổng dư nợ nền kinh tế (cuối năm 2020 tăng 3,85%, chiếm tỷ trọng 5%). Dư nợ tín dụng doanh nghiệp tư nhân đạt 4.178.429 tỷ đồng, tăng 1,38%, chiếm tỷ trọng 45,16% tổng dư nợ nền kinh tế (cuối năm 2020 tăng 15,26%, chiếm tỷ trọng 44,84%). Dư nợ tín dụng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 343.521 tỷ đồng, tăng 0,42% so với cuối năm 2020, chiếm tỷ trọng 3,71% tổng dư nợ nền kinh tế. Dư nợ tín dụng đối với hộ kinh doanh, cá nhân đạt 4.171.604 tỷ đồng, tăng 0,19% so với cuối năm 2020, chiếm tỷ trọng 45,08% tổng dư nợ nền kinh tế (cuối năm 2020 tăng 11,1%, chiếm tỷ trọng 45,29%).

Báo cáo thêm về tín dụng với một số lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán, ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết tăng trưởng tín dụng vào bất động sản năm 2019 là 21,53%, năm 2020 là 11,89%, là mức thấp do tác động dịch Covid-19. Quý I năm nay, mức tăng tín dụng ước khoảng 3%, so với các quý đầu năm trước là không tăng đột biến (năm 2019 là hơn 5%). Như vậy, đại diện NHNN cho rằng tín dụng cho bất động sản không tăng đột biến.

Với chứng khoán, ước đến 31/3/2021, dư nợ lĩnh vực này khoảng 45.326 tỷ đồng, giảm khoảng 1% so với cuối năm 2020. Như vậy, với tỷ lệ chiếm khoảng 0,5% tổng dư nợ tín dụng trong nền kinh tế, tín dụng cho chứng khoán không quá cao. Tuy nhiên, ông Nguyễn Tuấn Anh cũng khẳng định bất động sản, chứng khoán là những lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do vậy, thời gian sắp tới NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng kiểm soát chặt chẽ rủi ro trong các lĩnh vực này.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, dư nợ chứng khoán hiện tập trung ở một số tổ chức tín dụng là: VCB chiếm 25,75% tổng dư nợ chứng khoán toàn hệ thống, BIDV chiếm 13,47% tổng dư nợ chứng khoán toàn hệ thống, Techcombank chiếm 12,46% tổng dư nợ chứng khoán toàn hệ thống, TPBank chiếm 8,91% tổng dư nợ chứng khoán toàn hệ thống), VIB chiếm 5,25% tổng dư nợ chứng khoán toàn hệ thống, Vietinbank chiếm 4,25% tổng dư nợ chứng khoán toàn hệ thống, Maritime Bank chiếm 4,16% tổng dư nợ chứng khoán toàn hệ thống.

Hoàng Yến

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam