Quy định về đại lý bảo hiểm: Nên có sự điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với thực tiễn

20:32 | 20/04/2021 Print
(TBTCVN) - Theo các chuyên gia chuyên ngành bảo hiểm, hoạt động đại lý bảo hiểm theo mô hình truyền thống đã dần bộc lộ một số bất cập cần được điều chỉnh, bổ sung phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay.

dai

Hoạt động đại lý bảo hiểm theo mô hình truyền thống hiện không còn phù hợp với thực tế.

Sau khi ký hợp đồng với đại lý, người của đại lý bảo hiểm có thể được doanh nghiệp bảo hiểm ủy quyền giới thiệu, chào bán bảo hiểm; thu xếp việc giao kết hợp đồng bảo hiểm, thu phí bảo hiểm, thu xếp giải quyết bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm; đồng thời thực hiện các hoạt động khác có liên quan đến việc thực hiện hợp đồng bảo hiểm... Tuy nhiên theo các chuyên gia chuyên ngành bảo hiểm, hoạt động đại lý bảo hiểm theo mô hình truyền thống này đã dần bộc lộ một số bất cập cần được điều chỉnh, bổ sung phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay.

Có nguy cơ phát sinh tiêu cực

Điều kiện hoạt động của đại lý bảo hiểm (ĐLBH) tổ chức tại Việt Nam theo điều 86 Luật Kinh doanh bảo hiểm (KDBH) quy định: Là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có chứng chỉ ĐLBH do cơ sở đào tạo được Bộ Tài chính chấp thuận cấp; là tổ chức được thành lập và hoạt động hợp pháp; nhân viên trong tổ chức đại lý trực tiếp thực hiện hoạt động ĐLBH phải có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này.

Các công việc ĐLBH có thể được doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) ủy quyền thực hiện tại điều 85 Luật KDBH quy định rõ: Sau khi ký hợp đồng đại lý thì người của đại lý có thể được DNBH ủy quyền giới thiệu, chào bán bảo hiểm; thu xếp việc giao kết hợp đồng bảo hiểm; thu phí bảo hiểm; thu xếp giải quyết bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm; thực hiện các hoạt động khác có liên quan đến việc thực hiện hợp đồng bảo hiểm.

Theo ông Phan Quốc Tuấn, Viện Phát triển nguồn nhân lực bảo hiểm (HDI), nếu tiếp tục thực hiện theo mô hình này sẽ có nguy cơ cao phát sinh tiêu cực. Một là, đại lý bảo hiểm cá nhân gửi chữ ký mẫu của mình cho các nhân viên kinh doanh trong hệ thống ký giả vào vị trí đáng lẽ ra phải là đại lý ký trong giấy yêu cầu bảo hiểm của khách hàng hoặc đại lý cá nhân cung cấp mã số truy cập hệ thống của DNBH cho nhân viên trong hệ thống của mình tự làm, mà những người này chưa hề được DNBH đào tạo cách sử dụng.

Hai là, những người không đủ tiêu chuẩn làm đại lý do nhiều nguyên nhân, trong đó có cả những đại lý sai phạm bị cấm hành nghề sẽ đăng ký gia nhập đại lý tổ chức với nhiệm vụ là làm nhân viên kinh doanh để hoạt động và hưởng hoa hồng như một đại lý.

Ba là, khi một trong hai bên là DNBH hoặc đại lý tổ chức muốn dừng hợp tác và hai bên chấm dứt thì những đại lý cá nhân làm việc cho đại lý tổ chức có nguy cơ bị DNBH không giải quyết nhanh chóng vấn đề liên quan đến mã số đại lý, để họ có thể cùng đại lý tổ chức của họ tham gia vào hoạt động kinh doanh với đối tác khác. Kèm theo đó là những rủi ro pháp lý mà hoạt động này có thể gặp phải như: Người bán ký thay đại lý, vậy là hợp đồng có thể bị vô hiệu do không đúng đối tượng tham gia giao kết hợp đồng ngay từ đầu. Đến khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, DNBH xác minh không đúng chữ ký của đại lý thì hoàn toàn có thể không giải quyết quyền lợi cho bên mua bảo hiểm. Bởi vì, DNBH chỉ chịu trách nhiệm với những sai phạm trong phạm vi ủy quyền của đại lý, không hề chịu trách nhiệm cho bất cứ sai phạm nào ngoài phạm vi ủy quyền của đại lý.

Theo quy định pháp luật, mọi sai phạm của đại lý trong phạm vi mình ủy quyền, DNBH phải chịu trách nhiệm giải quyết cho khách hàng, sau đó truy đòi đại lý, bồi thường theo Điều 88 của Luật KDBH. “Tuy nhiên, vấn đề ở đây là DNBH hiện có song song hai hợp đồng đại lý với tổ chức và với chính cá nhân làm trong tổ chức đó. Lúc này DNBH đòi ai?” – ông Tuấn bày tỏ.

Nên có quy định về đào tạo kiến thức cho người làm đại lý

Theo các chuyên gia chuyên ngành bảo hiểm, từ thực tiễn nảy sinh những vấn đề bất cập trong hạt động ĐLBH tổ chức thời gian qua, cần có sự điều chỉnh một số quy định khung pháp lý phù hợp hơn trong thời gian tới. Theo đó, việc cấp chứng chỉ đại lý hiện nay do các DNBH thực hiện theo các bước: tuyển dụng nhân sự muốn làm đại lý bảo hiểm, đào tạo, tổ chức kỳ thi có Viện Phát triển bảo hiểm Việt Nam (VIDI) giám sát hoặc đăng ký thi tại VIDI, nếu đạt kết quả thì chính DNBH đó cấp chứng chỉ và yêu cầu ký hợp đồng đại lý làm việc cho mình.

Việc một đại lý cá nhân không được bán sản phẩm cho nhiều DNBH, tức là không thể có mã số đại lý của tất cả các DNBH mà đại lý tổ chức hợp tác…, theo các chuyên gia, không cần quy định người làm đại lý bảo hiểm phải có chứng chỉ đại lý bảo hiểm. Bản chất của việc bắt buộc có chứng chỉ đại lý bảo hiểm là bắt buộc về kiến thức chuyên môn bảo hiểm, vậy nếu một cá nhân có đủ trình độ kiến thức chuyên môn về bảo hiểm và học sản phẩm của DNBH thì có thể ký hợp đồng làm đại lý phân phối sản phẩm của công ty đó.

Các chuyên gia chuyên ngành bảo hiểm cũng đề xuất, nên bỏ quy định tại khoản 2, Điều 83 của Nghị định 73/2016/NĐ-CP; “Tổ chức, cá nhân không được đồng thời làm đại lý cho DNBH, chi nhánh nước ngoài khác nếu không được chấp thuận bằng văn bản của DNBH, chi nhánh nước ngoài mà mình đang làm đại lý”. Một vấn đề nữa đặt ra cần phải thay đổi, bổ sung đó là để thực hiện được hai vấn đề nêu trên thì phải sửa đổi quy định đào tạo đại lý của các cơ sở đào tạo thành quy định về đào tạo kiến thức cơ bản về bảo hiểm dành cho người làm đại lý.

Nhiều dư địa để phát triển đại lý bảo hiểm số


Theo ông Phan Quốc Tuấn, hiện nay rất nhiều doanh nghiệp đã có dữ liệu người dùng rất lớn, ví dụ các công ty công nghệ như Grab Việt Nam, FPT, Thế giới di động, Tiki… Họ có lợi thế là có nền tảng công nghệ phục vụ khách hàng chuẩn, việc tham gia vào kênh phân phối sản phẩm bảo hiểm, đặc biệt là sản phẩm bảo hiểm nhân thọ và các sản phẩm bảo hiểm vi mô là chuyện tương lai gần khi mà giấy chứng nhận điện tử đã có hành lang pháp lý điều chỉnh.

Gia Cư

Gia Cư

© Thời báo Tài chính Việt Nam