Giảm áp lực cho tỷ giá khi Mỹ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách thao túng tiền tệ

13:30 | 20/04/2021 Print
Cuối tuần qua, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ. Mặc dù Việt Nam vẫn nằm trong danh sách 11 nền kinh tế bị giám sát nhưng rủi ro bị Mỹ trừng phạt đã bị đẩy lùi, áp lực với tỷ giá cũng giảm đi.

tỷ giá

Tỷ giá USD/VND niêm yết sẽ vẫn duy trì ổn định trong khi tỷ giá tự do có thể tiếp tục giảm. Ảnh: Duy Dũng.

Tỷ giá USD/VND giảm sâu theo đà suy yếu của USD quốc tế

Báo cáo thị trường tiền tệ tuần của SSI Research cho biết, tuần qua, Mỹ công bố số liệu lạm phát tháng 3 là 0,6% so với tháng trước, chỉ nhỉnh hơn chút ít so với kỳ vọng là 0,5%. Cùng với đó là sự khẳng định khá chắc chắn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) về việc giữ lãi suất điều hành thấp cho đến 2023 đã khiến cho lo ngại lạm phát tạm lắng.

Đồng USD tiếp tục đà giảm, số Dollar-Index (DXY) về mức thấp nhất 3 tuần là 91,6 điểm. Lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ cũng giảm 7 – 8 điểm cơ bản (bps) ở các kỳ hạn 10 - 30 năm. Diễn biến này hỗ trợ vàng có tuần tăng giá mạnh nhất kể từ đầu năm đến nay. Giá vàng đã tăng thêm 1,9% lên mức 1.777 USD/oz. Xu hướng giảm của USD có thể tiếp diễn trong ngắn hạn bởi vậy vàng được kỳ vọng tiếp tục tăng lên trong tuần này.

tỷ giá

Bên cạnh sự suy yếu của USD trên thị trường quốc tế, báo cáo của SSI Research cho biết, cung cầu ngoại tệ ở thị trường Việt Nam cũng đang rất thuận lợi. Theo Tổng cục Hải quan, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam thặng dư 1,2 tỷ USD, gấp 3 lần số liệu ước tính của Tổng cục Thống kê đưa ra trước đó. Tính chung quý I/2021, cán cân thương mại thặng dư 2,75 tỷ USD, chỉ thấp hơn khoảng 1 tỷ USD so với mức thặng dư quý I/2020. Trong tuần, tỷ giá trung tâm giảm 18bps về mức thấp nhất gần 1 tháng qua là 23.196 đồng/USD; tỷ giá niêm yết của các ngân hàng thương mại vẫn ổn định ở mức 22.950/23.160 đồng (mua vào/bán ra); tỷ giá tự do giảm sâu 100 đồng/USD về mức 23.650/23.700 đồng.

Cuối tuần qua, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ sau cáo buộc hồi tháng 12/2020. Các chuyên gia của SSI Research cho rằng, mặc dù Việt Nam vẫn nằm trong danh sách 11 nền kinh tế bị giám sát, nhưng rủi ro bị Mỹ trừng phạt đã bị đẩy lùi, áp lực với tỷ giá cũng giảm đi.

“Trong bối cảnh hiện thuận lợi cả thị trường quốc tế và trong nước, tỷ giá USD/VND niêm yết sẽ vẫn duy trì ổn định trong khi tỷ giá tự do có thể tiếp tục giảm” – SSI Research dự báo.

Tín dụng được kỳ vọng sẽ tăng tốc trong quý II này

Tuần qua, thị trường mở tiếp tục không phát sinh giao dịch, lãi suất trên liên ngân tăng nhẹ 4-9 bps, chốt tuần ở mức 0.44%/năm với kỳ hạn qua đêm và 0.59%/năm với kỳ hạn 1 tuần. So với đầu năm, tăng trưởng tín dụng quý I/2021 ở mức 2,93%, cao hơn mức tăng trưởng 1,31% của quý I/2020.

Ngân hàng Nhà nước dự báo, tín dụng có thể tăng trưởng mạnh mẽ từ quý II/2021, đặc biệt đối với các ngành sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, thương mại… và có thể vượt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% của năm 2021. “Chúng tôi dự báo tăng trưởng tín dụng 2021 sẽ ở mức 13 - 14%” – chuyên gia của SSI Research nhận định.

Cũng theo đơn vị này, hiện tại thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn khá dồi dào và mặt bằng lãi suất tiền gửi, cho vay vẫn ổn định. Tuy nhiên, trong nửa cuối năm 2021, cầu tín dụng và lạm phát có xu hướng tăng cao hơn sẽ khiến lãi suất tiền gửi có thể nhích tăng từ 30 - 50bps./.

Thái Duy

Thái Duy

© Thời báo Tài chính Việt Nam