Hỗ trợ đúng đối tượng, không để chính sách bị lợi dụng

10:55 | 16/04/2021 Print
(TBTCVN) - Thông tư 03/2021/TT-NHNN đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành ngày 2/4, với mục tiêu tiếp tục hỗ trợ tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch bệnh, đồng thời đảm bảo hỗ trợ đúng đối tượng, không để lợi dụng chính sách, gây rủi ro cho hệ thống ngân hàng.

11

Thông tư 03 tiếp tục hỗ trợ tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch bệnh.

Thông tư 03 quyết định theo hướng điều chỉnh kéo dài một số mốc thời gian về giới hạn thời gian khoản nợ phát sinh và giới hạn thời gian phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi của khoản nợ.

Không giãn trích lập dự phòng, một số ngân hàng sẽ thua lỗ

Thông tin tại hội nghị trực tuyến toàn ngành về công tác tín dụng và triển khai Thông tư 03/2021/TT-NHNN, ông Nguyễn Văn Du - quyền Chánh thanh tra, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (NHNN) cho biết định hướng khi xây dựng Thông tư 03 là tiếp tục hỗ trợ tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch bệnh, theo hướng điều chỉnh kéo dài một số mốc thời gian về giới hạn thời gian khoản nợ phát sinh và giới hạn thời gian phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi của khoản nợ so với Thông tư 01.

Đồng thời, Thông tư cũng được xây dựng theo hướng đảm bảo mục tiêu hỗ trợ đúng đối tượng, không để lợi dụng chính sách nhằm trục lợi, gây rủi ro cho hệ thống ngân hàng. Theo đó sửa đổi, bổ sung một số quy định về điều kiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi; quy định về phân loại, giữ nguyên nhóm nợ, trích lập dự phòng rủi ro theo hướng chặt chẽ hơn. “Không để có hiện tượng tranh thủ chính sách hỗ trợ để tái cơ cấu nợ cho cả các doanh nghiệp không bị ảnh hưởng” - ông Nguyễn Văn Du khẳng định.

Tại Thông tư 03, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và miễn, giảm lãi được áp dụng với số dư nợ của khoản nợ phát sinh trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính; số nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày 31/12/2021. Thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ không vượt quá 12 tháng kể từ ngày thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ thực hiện đến ngày 31/12/2021.

Về giữ nguyên nhóm nợ, đối với số dư của khoản nợ phát sinh từ 23/1/2020 đến trước 10/6/2020, ngân hàng giữ nguyên nhóm nợ tại thời điểm gần nhất trước ngày thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu hoặc trước ngày thực hiện miễn, giảm lãi lần đầu hoặc trước ngày khoản nợ bị chuyển quá hạn tùy thuộc vào từng loại số dư nợ.

Sở dĩ thông tư quy định thời hạn 31/12/2021, theo ông Nguyễn Văn Du, là đã tính toán phù hợp với tiến độ mua và triển khai tiêm vắc-xin tại Việt Nam, theo đó, các hoạt động của người dân và doanh nghiệp dần trở lại bình thường.

Về trích lập dự phòng rủi ro, thông tư quy định giãn thời hạn trích lập rủi ro theo lộ trình 3 năm. Theo đó, số chênh lệch giữa dự phòng rủi ro của nợ theo quy định thông thường và nợ đã cơ cấu lại theo Thông tư 03 được chia ra trích lập dần trong 3 năm từ 2021 đến 2023. Sang năm 2024, trích lập dự phòng rủi ro theo quy định thông thường.

Theo ông Nguyễn Văn Du, nếu trích lập dự phòng rủi ro đối với số nợ được cơ cấu, phân loại lại tại Thông tư 03 thì có một số ngân hàng sẽ bị thua lỗ. Do đó NHNN đã tính toán, bàn bạc với các cơ quan liên quan để giãn lộ trình này kéo dài trong 3 năm, vừa đảm bảo hoạt động cho các ngân hàng và đảm bảo nguồn thu cho ngân sách. “Nhiều ngân hàng có thể trích lập ngay nhưng có những ngân hàng không đủ điều kiện trích lập ngay. Ngân hàng nào có khả năng thì vẫn khuyến khích trích lập dự phòng cao hơn” - Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn cho biết thêm.

Có thể xem xét sửa đổi tiếp nếu có diễn biến mới

Để đảm bảo triển khai hiệu quả Thông tư 03 ngay khi có hiệu lực từ ngày 17/5/2021, lãnh đạo NHNN đề nghị các ngân hàng thương mại cần sớm ban hành quy định nội bộ về việc cơ cấu lại, giãn nợ, miễn, giảm lãi suất để thực hiện thống nhất trong toàn hệ thống, tránh xảy ra tình trạng trục lợi, gây rủi ro cho hệ thống.

Góp ý cho việc triển khai thông tư, một đại diện ngân hàng thương mại cho rằng mặc dù nhiều lĩnh vực đang phục hồi khi dịch Covid-19 được kiểm soát, song có những lĩnh vực dự báo khó khăn còn kéo dài như lĩnh vực du lịch, lưu trú do thị trường quốc tế chưa thể mở cửa lại sớm. “Với việc được cơ cấu lại nợ theo

Thông tư 03, dự tính có khoảng 80% khách hàng của chúng tôi trả nợ đúng lịch, còn lại 20%, chủ yếu là dịch vụ lưu trú, khách sạn… vẫn còn khó khăn” - đại diện ngân hàng cho biết. Do đó, đề xuất của ngân hàng là xem xét kéo dài thời hạn được cơ cấu nợ cho một số lĩnh vực khó khăn lên 24 tháng thay vì 12 tháng như quy định hiện nay.

Theo Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn, để ban hành được Thông tư 03, Chính phủ, NHNN và các cơ quan đã phải đặt ra bài toán cân bằng nhiều lợi ích giữa các bên liên quan. Theo đó, vừa đảm bảo có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh, đồng thời phải đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng.

Về thời hạn 12 tháng, lãnh đạo NHNN cho biết đây là mốc thời gian đã được cân nhắc kỹ. Diễn biến của dịch ở Việt Nam hiện vẫn chưa thể lường trước, phụ thuộc nhiều vào tiến độ tiêm vắc-xin cũng như diễn biến dịch bệnh ở các nước. Trong bối cảnh đó, mốc 12 tháng được cho phù hợp. Nếu có diễn biến mới, Thông tư 01, 03 không còn phù hợp nữa thì có thể xem xét để tiếp tục sửa đổi.

Cho vay mới thêm 3 triệu tỷ đồng kể từ khi dịch xảy ra


Tính đến ngày 31/3/2021, tín dụng nền kinh tế đạt trên 9,46 triệu tỷ đồng, tăng 2,93% so với cuối năm 2020. Cũng tính đến cuối tháng 3/2021, các ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho gần
263 nghìn khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với dư nợ hơn 353 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 660 nghìn khách hàng với dư nợ trên 1,27 triệu tỷ đồng. Đặc biệt, các tổ chức tín dụng đã cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đến nay đạt trên 3 triệu tỷ đồng cho trên 452 nghìn khách hàng.

Hoàng Yến

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam