Cấp 4.000 tỷ đồng với lãi suất 0% để hỗ trợ Vietnam Airlines

16:10 | 06/04/2021 Print
Ngân hàng Nhà nước vừa có Thông tư quy định về việc cấp 4.000 tỷ đồng với lãi suất 0% cho các ngân hàng cho Vietnam Airlines vay và việc cơ cấu lại nợ cho hãng hàng không này.

TT

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Thông tư 04/2021/TT-NHNN ngày 5/4/2021 quy định về tái cấp vốn với tổ chức tín dụng sau khi cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (VNA) vay và việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, trích lập dự phòng rủi ro đối với khoản nợ của VNA do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Theo thông tư này, số tiền tái cấp vốn tối đa đối với từng khoản cho vay VNA không vượt quá số tiền cho vay của từng khoản cho vay VNA theo Giấy đề nghị vay tái cấp vốn của tổ chức tín dụng. Tổng số tiền tái cấp vốn đối với các tổ chức tín dụng tối đa là 4.000 tỷ đồng. Lãi suất tái cấp vốn là 0%/năm, áp dụng đối với thời hạn tái cấp vốn và thời hạn gia hạn tái cấp vốn (nếu có). Lãi suất áp dụng đối với nợ gốc tái cấp vốn quá hạn bằng 150% lãi suất tái cấp vốn do NHNN công bố trong từng thời kỳ tại thời điểm khoản tái cấp vốn được chuyển quá hạn. NHNN tái cấp vốn không có tài sản bảo đảm đối với tổ chức tín dụng.

Thời hạn tái cấp vốn theo đề nghị của tổ chức tín dụng, tối đa bằng thời hạn cho vay của khoản cho vay VNA (không bao gồm thời hạn gia hạn của khoản cho vay VNA) và không vượt quá 364 ngày. Khoản tái cấp vốn được gia hạn tự động 2 lần tại thời điểm đến hạn đối với dư nợ gốc tái cấp vốn còn lại; thời hạn gia hạn mỗi lần bằng thời hạn tái cấp vốn; tổng thời gian tái cấp vốn và gia hạn tái cấp vốn tối đa không quá 3 năm.

NHNN giải ngân tái cấp vốn theo đề nghị của tổ chức tín dụng trong phạm vi số tiền tái cấp vốn quy định tại thông tư và đảm bảo số dư gốc khoản tái cấp vốn sau khi giải ngân không vượt quá dư nợ gốc khoản cho vay VNA (theo từng khoản cho vay VNA) tại Giấy đề nghị giải ngân tái cấp vốn.

NHNN dừng giải ngân tái cấp vốn đối với các tổ chức tín dụng khi NHNN giải ngân hết 4.000 tỷ đồng nhưng không muộn hơn ngày 31/12/2021.

Về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ và trích lập dự phòng rủi ro, thông tư quy định trên cơ sở đề nghị của VNA và đánh giá về khả năng trả nợ của VNA sau khi được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khoản nợ của VNA trong thời hạn tối đa không quá 3 năm (bao gồm cả thời gian cho vay và cơ cấu lại thời hạn trả nợ) nhưng không muộn hơn ngày 31/12/2024.

Trong thời hạn cơ cấu lại thời hạn trả nợ nhưng không quá 3 năm kể từ ngày tổ chức tín dụng cho VNA vay, tổ chức tín dụng được giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại theo quy định của NHNN tại thời điểm Quyết định số 450/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành đối với khoản nợ của VNA và thực hiện trích lập dự phòng cụ thể.

Theo đó, các ngân hàng thực hiện trích lập dự phòng cụ thể đối với dư nợ của VNA theo kết quả cơ cấu lại nợ quy định tại hông tư này. Đồng thời, các ngân hàng cũng phải xác định số tiền dự phòng cụ thể phải trích đối với toàn bộ dư nợ của VNA theo kết quả phân loại nợ của NHNN (không áp dụng quy định giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại thông tư).

Trường hợp số trích lập dự phòng theo quy định thông thường (không cơ cấu lại) lớn hơn số dự phòng đã trích (theo quy định về cơ cấu lại nợ tại thông tư này), thì đến thời điểm 31/12/2021, các ngân hàng phải nộp tối thiểu 30% số tiền dự phòng cần bổ sung. Đến thời điểm 31/12/2022, các ngân hàng phải trích lập tối thiểu 60% số tiền dự phòng cụ thể phải bổ sung. Đến thời điểm 31/12/2023, các ngân hàng phải trích lập 100% số tiền dự phòng cần bổ sung.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 5/4/2021.

Dương An

Dương An

© Thời báo Tài chính Việt Nam