Cơ cấu lại nợ bị ảnh hưởng dịch Covid-19 đến ngày 31/12/2021

22:23 | 02/04/2021 Print
Ngày 2/4, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 03/2020/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19.

TT

Như vậy, sau hơn 1 năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành thông tư mới sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN được cho là không còn phù hợp và gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi vay cho khách hàng đến 31/12/2021

Theo quy định tại Thông tư 03, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (ngân hàng) được cơ cấu lại thời hạn trả nợ với số dư nợ của khoản nợ (bao gồm cả các khoản nợ thuộc phạm vi Nghị định 55 về tín dụng ưu tiên cho nông nghiệp, nông thôn) khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện: phát sinh trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính; phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày 31/12/2021.

Số dư nợ của khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ khi thuộc một trong các trường hợp sau: số dư nợ còn trong hạn hoặc quá hạn đến 10 ngày; số dư nợ của khoản nợ phát sinh trước ngày 23/1/2020 và quá hạn trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày 29/3/2020; số dư nợ của khoản nợ phát sinh từ ngày 23/1/2020 và quá hạn trước ngày 17/5/2021. Đồng thời, được ngân hàng đánh giá không có khả năng trả nợ đúng hạn do thu nhập, doanh thu bị giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) phù hợp với mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với khách hàng và không vượt quá 12 tháng kể từ ngày ngân hàng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng thực hiện đến ngày 31/12/2021.

Tương tự, các điều kiện về miễn, giảm lãi, phí đối với các khoản nợ tại Thông tư này cũng được sửa đổi theo hướng mở rộng thời hạn áp dụng cho các khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 phát sinh trước ngày 10/6/2020 và có thời gian trả nợ từ 23/1/2020 đến 31/12/2021. Việc thực hiện miễn, giảm lãi, phí cho khách hàng theo quy định tại Thông tư này thực hiện đến ngày 31/12/2021.

Trước đó, tại Thông tư 01 năm 2020, NHNN quy định thời hạn áp dụng là khoản nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ từ ngày 23/1/2020 đến ngày liền kề sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid.

Trích lập dự phòng rủi ro theo giai đoạn

Thông tư cũng quy định về điều kiện giữ nguyên nhóm nợ tại thời điểm gần nhất trước ngày 23/1/2020 đối với dư nợ của khoản nợ phát sinh trước ngày 23/1/2020 đã được cơ cấu lại, miễn giảm lãi và đối với khoản nợ phát sinh từ ngày 23/1/2020 đến trước ngày 10/6/2020.

Về quy định trích lập dự phòng rủi ro, thông tư quy định các ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro đối với toàn bộ số dư nợ của khách hàng theo kết quả phân loại nợ quy định tại thông tư với phần dư nợ được giữ nguyên nhóm nợ và kết quả phân loại nợ đối với dư nợ còn lại của khách hàng theo quy định của NHNN.

Đồng thời, các ngân hàng cũng phải tính toán, xác định số tiền trích lập dự phòng xác định theo kết quả phân loại nợ theo quy định của NHNN về phân loại nợ trong hoạt động của ngân hàng và không áp dụng theo quy định giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại thông tư.

Nếu số trích lập dự phòng rủi ro theo quy định thông thường (không áp dụng theo quy định giữ nguyên nhóm nợ tại thông tư) lớn hơn số trích lập dự phòng rủi ro đã tính theo quy định giữ nguyên nhóm nợ, thì đến 31/12/2021, các ngân hàng phải thực hiện trích lập bổ sung tối thiểu 30% số dự phòng rủi ro chênh lệch. Đến 31/12/2022, các ngân hàng phải trích bổ sung tối thiểu 60% số tiền dự phòng phải bổ sung và đến thời điểm 31/12/2023, 100% số tiền dự phòng phải được trích bổ sung.

Kể từ ngày 1/1/2024 trở đi, các ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro đối với toàn bộ dư nợ, cam kết ngoại bảng, bao gồm cả số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại thông tư này.

Thông tư 03/2021/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 17/5/2021./.

Hoàng Yến

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam