Ngân hàng Phát triển hoạt động không vì lợi nhuận, không phải nộp thuế

12:59 | 02/04/2021 Print
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 46/2021/NĐ-CP về chế độ quản lý tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam (Ngân hàng Phát triển). Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/6/2021 và áp dụng từ năm tài chính 2021.

Không phải nộp thuế và các khoản nộp ngân sách

Ngân hàng Phát triển (VDB) là ngân hàng chính sách, hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

điện gió bạc liêu.jpg
Dự án Điện gió Bạc Liêu sử dụng nguồn vốn từ VDB. Ảnh: Trần Hải

VDB hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận nhằm thực hiện chính sách tín dụng của Nhà nước và các nhiệm vụ khác theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; được ngân sách nhà nước (NSNN) cấp bù lãi suất và chi phí quản lý theo quy định của pháp luật và nghị định này; được miễn nộp thuế và các khoản nộp NSNN; được Chính phủ đảm bảo khả năng thanh toán; được áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng 0% và không phải tham gia bảo hiểm tiền gửi.

VDB được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho vay tái cấp vốn theo quy định của pháp luật; được tham gia thị trường liên ngân hàng, tham gia thị trường mở, tổ chức thanh toán nội bộ, cung cấp các dịch vụ thanh toán, các dịch vụ ngân hàng khác cho khách hàng, thực hiện hoạt động ngoại hối; được tham gia hệ thống thanh toán trong nước và quốc tế theo quy định của pháp luật.

Đối với hoạt động cho vay khác, NSNN không cấp bù lãi suất và phí quản lý; các khoản thu nhập, chi phí và kết quả hoạt động phát sinh được hòa nhập chung với kết quả hoạt động của VDB theo quy định tại nghị định này.

Bên cạnh đó, nghị định nêu rõ, VDB có trách nhiệm thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn vốn hoạt động gồm: quản lý, sử dụng vốn, tài sản, phân phối kết quả tài chính, thực hiện chế độ quản lý tài chính và chế độ kế toán theo quy định tại nghị định này và các quy định của pháp luật có liên quan; mua bảo hiểm tài sản theo quy định của pháp luật; xử lý tổn thất theo quy định...

Nghị định quy định rõ về vốn, quỹ, tài sản; phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro; cấp bù lãi suất và chi phí quản lý; thu nhập, chi phí và chế độ tiền lương của VDB; kết quả tài chính, trích lập và sử dụng các quỹ; chế độ kế toán, kế hoạch tài chính, chế độ báo cáo và kiểm toán;...

5 tiêu chí đánh giá kết quả hoạt động

Theo nghị định, có 5 tiêu chí đánh giá kết quả hoạt động của VDB. Đó là tín dụng đầu tư nhà nước; tỷ lệ nợ xấu; kết quả tài chính; tình hình chấp hành pháp luật về đầu tư, quản lý và sử dụng vốn nhà nước tại VDB đối với các nghiệp vụ phát sinh trong năm đánh giá; tình hình chấp hành chế độ báo cáo.

Các tiêu chí quy định nêu trên được xác định và tính toán từ số liệu trong báo cáo quyết toán tài chính riêng lẻ đã được kiểm toán, báo cáo thống kê định kỳ theo quy định của pháp luật.

Các tiêu chí đánh giá nêu trên khi tính toán được xem xét, loại trừ các yếu tố tác động: các nguyên nhân khách quan được loại trừ theo quy định về đánh giá hiệu quả hoạt động đối với doanh nghiệp nhà nước.

Các khoản nợ xấu phát sinh do khách hàng vay đang thực hiện sắp xếp theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các khoản nợ xấu cho vay theo quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Yếu tố do Nhà nước thay đổi chính sách làm ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của VDB; các khoản chậm cấp vốn của NSNN ảnh hưởng đến tài chính của VDB cũng được xem xét loại trừ.

Nghị định nêu rõ, việc đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại VDB căn cứ vào báo cáo tài chính riêng lẻ đã được kiểm toán, được thực hiện theo quy định đối với doanh nghiệp nhà nước và nghị định này.

Việc đánh giá kết quả hoạt động của người quản lý theo các tiêu chí: đánh giá kết quả hoạt động của người quản lý doanh nghiệp như đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; kết quả xếp loại VDB./.

Tuấn Hải

Tuấn Hải

© Thời báo Tài chính Việt Nam