HSBC giảm dự báo tăng trưởng của Việt Nam xuống 6,6%

23:26 | 31/03/2021 Print
Khối Nghiên cứu Kinh tế Ngân hàng HSBC vừa công bố báo cáo triển vọng kinh tế châu Á quý II, trong đó điều chỉnh giảm tăng trưởng năm 2021 của Việt Nam xuống còn 6,6%, cho thấy mức độ phục hồi của quý I/2021 kém hơn dự kiến.

VN

Ảnh T.L

GDP quý I tăng phần lớn nhờ xuất khẩu

Theo báo cáo này, các biến động ở châu Á trong quý đầu năm 2021 vẫn trong dự kiến. Năm Tân Sửu, với biểu tượng con trâu, "sẽ thể hiện sự phục hồi mạnh mẽ và đáng tin cậy - chắc chắn đôi khi cũng có những trở ngại cứng đầu, nhưng sẽ không có gì khiến cả quá trình đi chệch hướng", báo cáo viết.

Việc triển khai vaccine mang lại hy vọng phục hồi tuy nhiên cần phải kiên nhẫn vì việc triển khai tiêm chủng mở rộng diễn ra chậm hơn so với những nơi khác. Điều đó có nghĩa là nhiều hạn chế sẽ còn duy trì trong một thời gian khá dài nữa, đặc biệt là việc di chuyển đi lại. Khả năng miễn dịch cộng đồng có thể có đối với một số thị trường trong năm nay, nhưng sẽ phổ biến hơn vào dịp cuối năm. Chi tiêu tiêu dùng, mặc dù đang tăng nhưng cũng không thực sự tăng rõ rệt trong những tháng tới, ít nhất là không tăng nhiều như kỳ vọng, ví dụ, trên khắp Thái Bình Dương. Tăng trưởng của Hoa Kỳ cho thấy triển vọng xuất khẩu khả quan của châu Á sẽ tiếp tục, nhưng sự phục hồi do dịch vụ dẫn dắt có thể không mang lại nhiều lợi thế hơn cho thương mại.

Đối với những xáo trộn hiện tại trên thị trường tài chính, các chuyên gia của HSBC đánh giá sẽ khó có cơn biến động bất thường bởi tại thời điểm này, các yếu tố cơ bản của châu Á đã vững chắc hơn rất nhiều. Lạm phát cũng không còn là yếu tố đáng lo ngại bởi dù chi phí lương thực tăng nhưng thị trường lao động trì trệ sẽ giúp lạm phát cơ bản giảm xuống.

Với Việt Nam, mặc dù có một làn sóng bùng dịch lần thứ ba trước Tết vào tháng 2/2021, nhưng nhìn chung tình hình đã được kiểm soát trong vòng một tháng, giúp Việt Nam bắt đầu năm 2021 một cách ổn định.

GDP quý I/2021 của Việt Nam tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái, phần lớn là nhờ các hoạt động đối ngoại diễn ra khả quan. Xuất khẩu trong quý I tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái do nhu cầu đối với các mặt hàng thiết bị điện tử và máy móc tăng. Đặc biệt, xuất khẩu đã được hưởng lợi từ một chu kỳ công nghệ toàn cầu gia tăng mạnh mẽ và sự quan tâm dành cho các hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài diễn ra khá ổn định. Trong khi đó, các chỉ số thường kỳ cũng chỉ ra rằng lĩnh vực sản xuất truyền thống cũng xuất hiện những dấu hiệu phục hồi mới. Xu hướng đáng khích lệ này sẽ tiếp tục đi song song với việc nhu cầu toàn cầu được cải thiện.

Lạm phát có thể chỉ ở mức 3%

Mặc dù vậy, bất chấp khả năng phục hồi từ bên ngoài, các nhà phân tích của HSBC nhận xét chuyển biến của nhu cầu trong nước vẫn còn khá đình trệ do việc tái áp dụng các biện pháp ngăn cách xã hội nghiêm ngặt bị kéo dài. Trên thực tế, các chỉ số thể hiện việc di chuyển đi lại của người Việt Nam đã giảm xuống, dẫn đến tăng trưởng dịch vụ bị giảm sút. Cùng với những lo ngại liên tục về thị trường lao động yếu kém, dữ liệu thu được nhiều khả năng chỉ ra mức tiêu thụ chậm lại. Tuy nhiên, khi làn sóng bùng phát dịch lần thứ ba đã được kiểm soát, nhu cầu trong nước có khả năng sẽ hồi sinh trong thời gian tới.

Đánh giá chung, Khối Nghiên cứu Kinh tế của Ngân hàng HSBC điều chỉnh giảm tăng trưởng năm 2021 của Việt Nam xuống còn 6,6%, cho thấy mức độ phục hồi của quý I/2021 kém hơn dự kiến. Điều đó cho thấy, với sự gia tăng của chu kỳ công nghệ, dòng vốn FDI ổn định và nhiều Hiệp định Thương mại Tự do (FTA), Việt Nam vẫn tự hào là một trong những nước có triển vọng tăng trưởng sáng giá nhất ở châu Á.

Trong khi đó, áp lực lạm phát tiếp tục giảm nhẹ, chỉ tăng trung bình 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý I/2021, một phần do những tác động cơ bản. Giá thực phẩm đang được điều chỉnh do giá thịt lợn đã quay trở lại mức bình thường, và điều này có khả năng sẽ bù đắp những tác động của giá dầu cao hơn. Ngoài ra, đồng tiền ổn định sẽ làm giảm bớt lo ngại về tỷ giá hối đoái cao chuyển sang chỉ số giá tiêu dùng.

Xem xét tất cả những yếu tố trên, Khối Nghiên cứu Kinh tế cũng dự đoán lạm phát trung bình của Việt Nam trong năm 2021 sẽ ở mức 3%, thấp hơn nhiều so với mức trần 4% do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề ra. Một khi lạm phát không còn là một vấn đề đáng lo ngại thì Ngân hàng Nhà nước có thể linh hoạt hơn để giữ nguyên chính sách tiền tệ của mình trong năm 2021.

Hoàng Yến

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam