Mặt bằng lãi suất: Có thể tăng từ cuối quý II khi cầu tín dụng cao

20:07 | 30/03/2021 Print
(TBTCVN) - Với thanh khoản dồi dào và chủ trương duy trì mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, thì lãi suất tiền gửi và cho vay dự kiến vẫn duy trì tương đối ổn định cho đến đầu quý II tới. Tuy nhiên, từ cuối quý II/2021, nhiều khả năng mặt bằng lãi suất sẽ tăng trở lại…

nh

Lãi suất tiền gửi khách hàng cá nhân đã được một số ngân hàng điều chỉnh tăng nhẹ.

Trên thị trường, một số ngân hàng thương mại đã tăng lãi suất huy động, tuy nhiên mức tăng chưa mạnh và chưa rộng. Với thanh khoản dồi dào và chủ trương duy trì mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, thì lãi suất tiền gửi và cho vay dự kiến vẫn duy trì tương đối ổn định cho đến đầu quý II tới. Tuy nhiên, từ cuối quý II/2021, khi hoạt động kinh tế sôi động hơn khiến cầu tín dụng tăng thì nhiều khả năng mặt bằng lãi suất sẽ tăng trở lại.

Tăng trưởng tín dụng có tích cực hơn

Theo báo cáo mới nhất của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), trên thị trường mở tuần vừa qua, không có hoạt động bơm hút ròng nào được thực hiện khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không phát hành mới và cũng không có lượng tín phiếu nào đáo hạn. NHNN vẫn chưa phải can thiệp bơm/hút ròng vào thị trường mở khi thanh khoản hệ thống ngân hàng tiếp tục ở trạng thái dồi dào.

Cũng theo số liệu từ BVSC, từ ngày 18/3 đến 25/3/2021, lãi suất liên ngân hàng tiếp tục có diễn biến giảm nhẹ ở kỳ hạn qua đêm, với mức giảm 0,02% xuống 0,25% - đây mức thấp nhất trong vòng 2 tháng vừa qua. Ngược lại, các kỳ hạn 1 tuần và 2 tuần tăng trở lại, lần lượt ở mức 0,06% và 0,16% lên 0,53% và 0,55%/năm.

Thanh khoản hệ thống ngân hàng hiện tại vẫn ở trạng thái tương đối dồi dào. Tính tới ngày 19/3/2021, tổng dư nợ tín dụng của toàn ngành ngân hàng ước tính đang ở mức 9,32 triệu tỷ đồng, tăng 1,47% từ đầu năm tới nay (theo Tổng cục Thống kê), ước tăng 12,31% so với cuối tháng 3/2020. Như vậy, mức tăng trưởng tín dụng tính từ đầu năm (YTD) và so với cùng kỳ năm ngoái (YOY) đều đang ở dưới mức trung bình của tháng 3 trong vòng 7 năm trở lại đây (lần lượt ở mức 2,05% và 14,47%). Trong khi đó, tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng 1,49% so với đầu năm (theo Tổng cục Thống kê), lên trên 12 triệu tỷ đồng, cùng tăng 12,31% so với cuối tháng 3/2020.

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), so với đầu năm, tín dụng đã tăng 1,2% (tính đến ngày 17/3) và ước tăng 2% trong quý I/2021 – cao hơn mức tăng trưởng 1,31% của quý I/2020. Tuần qua, NHNN cũng đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2021, trong đó các ngân hàng thương mại nhà nước là từ 6,5 – 7,5% (ngoại trừ VCB là 10,5%), các ngân hàng thương mại cổ phần từ 8 - 12%. Hạn mức tăng trưởng tín dụng 2021 bình quân của các ngân hàng thương mại trong phạm vi nghiên cứu là 9% - thấp hơn mức bình quân 10% trong đợt giao hạn mức đợt đầu của năm 2020.

Bình luận về điều này, các chuyên gia của Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng, thông thường, NHNN sẽ có các đợt điều chỉnh hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại trong năm và mức giao hiện tại là phù hợp với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2021 là 12% - thấp hơn mục tiêu tăng trưởng tín dụng đặt ra đầu năm 2020 là 14%.

Nhiều ngân hàng đã tăng nhẹ lãi suất tiền gửi

Trong báo cáo vĩ mô tháng 2/2021, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho rằng, lãi suất huy động tiếp tục trong xu hướng giảm và sau đó duy trì ở mặt bằng thấp. Áp lực tăng nếu có nhiều khả năng chỉ mang tính chất cục bộ ngắn hạn và ở các kỳ hạn ngắn. Chính vì vậy, VCBS dự báo về các chính sách nới lỏng tiền tệ sẽ được duy trì ít nhất cho tới năm 2022, khi mục tiêu ưu tiên của nhiều ngân hàng trung ương lớn trong giai đoạn này vẫn là hỗ trợ nền kinh tế hồi phục sau dịch bệnh.

“Chúng tôi kỳ vọng NHNN sẽ điều hành theo hướng chủ động, linh hoạt và duy trì thanh khoản hệ thống dồi dào. Mặt bằng lãi suất cho vay sẽ còn dư địa giảm thêm trong bối cảnh lãi suất huy động đã giảm khá trong khoảng 1 năm trở lại đây. Ở thời điểm hiện tại vẫn còn dư địa giảm với cả lãi suất huy động và cho vay” – chuyên gia của VCBS nhận định.

Các chuyên gia của SSI Research cũng cho rằng, hiện tại, thanh khoản các ngân hàng thương mại vẫn rất dồi dào và NHNN nhấn mạnh mục tiêu duy trì mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ doanh nghiệp. Chính vậy, theo SSI Research, lãi suất tiền gửi và cho vay sẽ vẫn ổn định trong quý I và đầu quý II/2021. Tuy nhiên, “lãi suất sẽ có thể nhích tăng từ cuối quý II/2021 khi các hoạt động kinh tế sôi động hơn giúp tăng cầu tín dụng” – SSI Research nhấn mạnh.

Trong một báo cáo mới đây, BVSC cho biết, so với thời điểm cuối năm 2020 thì đến đầu tháng 3 vừa qua, lãi suất tiền gửi các kỳ hạn từ 6 tháng – 12 tháng ở một số ngân hàng thương mại cổ phần quy mô nhỏ có sự nhích lên nhẹ. Theo đó, khoảng trung tuần tháng 3 một số ngân hàng thương mại quy mô vừa như SCB, VPBank, ACB cũng có sự điều chỉnh tăng thêm lãi suất cho một số kỳ hạn tiền gửi online kỳ hạn ngắn. Tuy nhiên, nhóm 10 ngân hàng thương mại có quy mô tiền gửi tiết kiệm cao nhất hệ thống ít có sự thay đổi biểu lãi suất huy động.

Ghi nhận trên thị trường, tại ngân hàng Techcombank, lãi suất tiết kiệm đối với khách hàng thường kỳ hạn 1 tháng tăng từ 2,75%/năm lên 3,1%/năm; kỳ hạn 6 tháng tăng lên 4,4 - 4,7%/năm. Tại ACB, khách hàng gửi tiết kiệm trên 1 tỷ đồng áp dụng lãi suất là 3,3%/năm (kỳ hạn 3 tháng); 4,5%/năm (kỳ hạn 6 tháng); 5,6%/năm (kỳ hạn 12 tháng). Tại BIDV, khách hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn 3 tháng và 6 tháng cũng tăng nhẹ, lần lượt là 3,4%/năm và 4%/năm. Một số ngân hàng nhóm dưới nhỏ hơn, như NamABank, KienLongBank,… cũng tăng lãi suất huy động, với mức tăng khoảng 0,1 – 0,8%/năm, tùy từng kỳ hạn khác nhau.

Trong báo cáo vĩ mô tháng 2/2021, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho rằng, lãi suất huy động tiếp tục trong xu hướng giảm và sau đó duy trì ở mặt bằng thấp. Áp lực tăng nếu có nhiều khả năng chỉ mang tính chất cục bộ ngắn hạn và ở các kỳ hạn ngắn. Chính vì vậy, VCBS dự báo về các chính sách nới lỏng tiền tệ sẽ được duy trì ít nhất cho tới năm 2022, khi mục tiêu ưu tiên của nhiều ngân hàng trung ương lớn trong giai đoạn này vẫn là hỗ trợ nền kinh tế hồi phục sau dịch bệnh.

Duy Thái

Duy Thái

© Thời báo Tài chính Việt Nam