Dự thảo nghị định về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc: Rõ ràng hơn trong xác định mức phí bảo hiểm

19:14 | 23/03/2021 Print
(TBTCVN) - Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 23/2018/NĐ-CP ngày 23/02/2018 của Chính phủ quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.

11

Ảnh: TL minh hoạ

Theo đó, nhiều quy định mới đã được cập nhật, sửa đổi, bổ sung nhằm tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ, ổn định, minh bạch, rõ ràng để tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, doanh nghiệp bảo hiểm và các tổ chức, cá nhân có cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ khi tham gia bảo hiểm cháy nổ bắt buộc.

Thống nhất pháp lý, phù hợp thực tiễn

Theo Bộ Tài chính, ngày 24/11/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 136/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy, hiệu lực thi hành từ ngày 10/1/2021, thay thế Nghị định số 79/2014/NĐ-CP. Theo đó, danh mục cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ được sửa đổi và quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 136/2020/NĐ-CP. Chính vì vậy, đối với lĩnh vực bảo hiểm, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Nghị định số 23/2018/NĐ-CP về mức phí bảo hiểm đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ để phù hợp với quy định pháp lý mới về phòng cháy, chữa cháy.

Cùng với đó, theo quy định, doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) nộp trực tiếp kinh phí đóng góp cho hoạt động phòng cháy chữa cháy từ bảo hiểm cháy nổ bắt buộc vào tài khoản của Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ do Bộ Công an mở tại Kho bạc Nhà nước Trung ương, gửi báo cáo tình hình thu nộp kinh phí tới Bộ Tài chính. Vì thế, để việc rà soát số liệu thống nhất và thuận tiện, cần thiết sửa đổi quy định về việc DNBH gửi báo cáo nộp kinh phí cho Bộ Tài chính theo quy định tại Nghị định số 23 thành DNBH gửi báo cáo nộp kinh phí cho Bộ Công an (Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ).

Theo ban soạn thảo, khi nghị định mới được ban hành sẽ tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ, ổn định, minh bạch, rõ ràng để tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, DNBH và các tổ chức, cá nhân có cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ khi tham gia bảo hiểm cháy nổ bắt buộc. Đồng thời, sẽ mở rộng số lượng các cơ sở tham gia bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, giúp bảo vệ tài chính cho các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ.

Dự thảo nghị định gồm 3 Điều: Điều 1 - Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 23; Điều 2 - Thay thế, bãi bỏ một số phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 23; và Điều 3 - Điều khoản thi hành.

Cụ thể và bổ sung danh mục cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ

Theo ban soạn thảo, do Nghị định 23 chưa có quy định về DNBH cấp giấy chứng nhận bảo hiểm cháy nổ bắt buộc nên dự thảo nghị định mới đã bổ sung khoản 2a sau khoản 2 Điều 3 Nghị định số 23. Cụ thể, dự thảo quy định: “DNBH phải cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc cho bên mua bảo hiểm. Giấy chứng nhận bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc do DNBH chủ động thiết kế và phải bao gồm các nội dung quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo nghị định này”.

Cùng với đó, dự thảo đã bổ sung khoản 4 sau khoản 3 Điều 12 Nghị định số 23. Theo đó, để DNBH và bên mua bảo hiểm thuận lợi trong việc xác định mức phí bảo hiểm của cơ sở sản xuất công nghiệp có hạng nguy hiểm cháy, nổ A, B, C, D, E, dự thảo đã quy định trách nhiệm của Bộ Công an. Cụ thể: “Ghi hạng nguy hiểm cháy, nổ A, B, C, D, E của cơ sở sản xuất công nghiệp tại Biên bản nghiệm thu hoặc Biên bản kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 136...”.

Theo lý giải của ban soạn thảo, việc quy định rõ ràng, cụ thể về danh mục cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ và bổ sung quy định về hạng nguy hiểm cháy, nổ tại Biên bản nghiệm thu hoặc Biên bản kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy, giúp DNBH, bên mua bảo hiểm và các đối tượng có liên quan có cơ sở rõ ràng hơn trong việc xác định mức phí bảo hiểm, tạo sự thống nhất về cách hiểu, đảm bảo sự tương đồng về mức phí bảo hiểm giữa các hợp đồng bảo hiểm, tránh tranh chấp trong quá trình triển khai bảo hiểm cháy nổ bắt buộc.

Bên cạnh đó, để quy định về chế độ báo cáo của DNBH đơn giản, rõ ràng, dễ hiểu, dự thảo nghị định đã quy định cụ thể hơn về chế độ báo cáo của DNBH. Theo đó, dự thảo đã sửa đổi quy định về chế độ báo cáo của DNBH theo hướng: Gửi Bộ Tài chính báo cáo doanh thu, bồi thường theo năm; gửi Bộ Công an (Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ) báo cáo tình hình thu, nộp từ bảo hiểm cháy nổ bắt buộc cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy. Điều này sẽ góp phần hoàn thiện chế độ báo cáo, tạo cơ chế thuận lợi trong hoạt động quản lý của cơ quan nhà nước và đơn giản hóa chế độ báo cáo của DNBH.

Cơ chế báo cáo mới tạo thuận lợi “đa chiều”


Cơ chế báo cáo mới phù hợp sẽ cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết cho việc theo dõi, quản lý số tiền thu từ bảo hiểm cháy nổ bắt buộc của Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, giúp việc lập kế hoạch sử dụng và sử dụng nguồn thu một cách hợp lý. Cùng với đó, nguồn thu từ bảo hiểm cháy nổ bắt buộc rõ ràng, minh bạch, được sử dụng cho nhiều hoạt động, trong đó có hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về bảo hiểm cháy nổ. Đối tượng được hưởng nguồn kinh phí này không chỉ là cảnh sát phòng cháy chữa cháy, mà còn là các doanh nhghiệp bảo hiểm (DNBH) và cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ. Còn về phía doanh nghiệp, việc thống nhất đầu mối nhận báo cáo và nhận số tiền thu từ bảo hiểm cháy nổ bắt buộc giúp các doanh nghiệp thuận tiện trong việc triển khai thực hiện. Việc giảm bớt chế độ báo cáo giúp DNBH tập trung nhiều hơn vào hoạt động kinh doanh.

Duy Thái

Duy Thái

© Thời báo Tài chính Việt Nam