Hàng loạt ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động

17:20 | 23/03/2021 Print
Sau một thời gian dài điều chỉnh giảm lãi suất, mới đây hàng loạt ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) điều chỉnh tăng, thậm chí tăng mạnh thêm đến 0,9%/năm.

ngân hàng

Ảnh minh họa.

Tăng ở các kỳ hạn

Theo nhận định của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), từ đầu tháng 3/2021 đến nay, lãi suất tiền gửi các kỳ hạn từ 6 - 12 tháng ở một số ngân hàng quy mô nhỏ có sự nhích lên nhẹ so với thời điểm cuối năm 2020.

Tại Techcombank, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng đối với khách hàng thường tăng từ 2,75%/năm lên 3,1%/năm; với khách hàng thường trên 50 tuổi tăng từ 2,95%/năm lên 3,2%/năm. Tương tự, lãi suất áp dụng cho khách hàng ưu tiên cũng tăng từ 2,9 - 3,1%/năm lên 3,2 - 3,4%/năm.

Với kỳ hạn 6 tháng, lãi suất tiết kiệm đối với khách hàng thường được ngân hàng này tăng mạnh tới 0,6%, lên 4,4 - 4,7%/năm. Lãi suất áp dụng cho khách hàng ưu tiên cũng tăng từ 4,1 - 4,3%/năm, lên 4,5 - 4,8%/năm. Với kỳ hạn 12 tháng, Techcombank tăng thêm khoảng 0,5%/năm, lên 5,1 - 5,4%/năm đối với khách hàng thường và 5,2 - 5,5%/năm đối với khách ưu tiên.

Biểu suất huy động mới cho khách hàng cá nhân của VPBank cũng được điều chỉnh tăng từ ngày 2/3. Cụ thể, ở kỳ hạn 3 tháng, lãi suất áp dụng cho khách hàng gửi tiết kiệm tại quầy với số tiền dưới 300 triệu đồng là 3,5%/năm, tăng 0,2% so với tháng trước. Còn với khoản tiền gửi từ 3 tỷ đồng trở lên, khách hàng sẽ được hưởng lãi suất 3,7%/năm, tức tăng 0,05 - 0,1% so với trước. Với kỳ hạn 5 tháng, lãi suất tiền gửi của VPBank hiện là 3,5 - 3,7%/năm, tăng 0,05 - 0,2% so với trước đó.

Tại ngân hàng Quân đội (MB) cũng tăng lãi suất tiết kiệm đối với một số kỳ hạn. Theo đó lãi suất kỳ hạn 12 tháng được nâng lên 5,3%/năm và lãi suất kỳ hạn 6 tháng được nâng lên 4,68%/năm.

Nhìn chung, mặt bằng lãi suất của nhiều ngân hàng đều có sự điều chỉnh, trong đó phần lớn các ngân hàng nhỏ có mức lãi suất hấp dẫn ở các kỳ hạn dài từ 18 – 36 tháng với lãi suất trên 7%/năm. Đối với kỳ hạn 6 tháng, các ngân hàng: NCB, CBBank, NamABank, VietABank… đều áp dụng mức lãi suất trên 6%/năm.

Riêng với nhóm ngân hàng lớn như Techcombank, Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank, mức trả lãi thấp hơn và xoay quanh mức từ 2,8 - 4%/năm cho các kỳ hạn dưới 6 tháng.

Tuy nhiên, nếu khách hàng gửi tiết kiệm online, mức lãi suất sẽ cao hơn gửi tại quầy. Điển hình như các ngân hàng NamABank, Kienlongbank, SCB, VietCapitalBank áp dụng lãi suất từ 6,8 - 6,9%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, từ 6,4 - 6,7%/năm cho kỳ hạn 9 tháng và từ 6,2 - 6,5%/năm cho kỳ hạn 6 tháng. Mức lãi suất này lần lượt cao hơn từ 0,1 - 0,8%/năm so với huy động tại quầy các kỳ hạn tương ứng. Với kỳ hạn 12 tháng và 24 tháng gửi online tại Sacombank và SCB lần lượt là 5,9% và 6,5%.; còn ACB, VPBank, TPBank, HDBank là trên 6%/năm.

Lạm phát đẩy lãi suất

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế - tài chính, mặc dù lãi suất huy động có tăng nhẹ, nhưng nhóm 10 ngân hàng thương mại có quy mô tiền gửi tiết kiệm cao nhất hệ thống ít có sự thay đổi biểu lãi suất huy động.Tuy nhiên, dự báo quý II/2021, lãi suất sẽ thiết lập mặt bằng mới.

Chuyên gia Cấn Văn Lực nhận định, nguyên nhân lãi suất tăng là do áp lực lạm phát sẽ tăng. Có thể thấy, ngoài xăng dầu tăng giá thì việc kiểm soát tốt dịch COVID-19 khiến nhu cầu ở nhóm dịch vụ ăn uống, giải trí và đi lại tăng lên. Bên cạnh đó, yếu tố từ ngoài nước cũng đang gây áp lực lên lạm phát. Hiện nhiều ngân hàng Trung ương trên thế giới tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, đưa ra thông điệp sẵn sàng chấp nhận lạm phát có thể tăng. Điển hình là gói cứu trợ 1.900 tỷ USD của Mỹ có thể làm nền kinh tế thế giới bị "quá nhiệt" và làm tăng lạm phát.

Trong bối cảnh kinh tế vẫn chịu tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19, đại diện HSBC cho rằng nhiều ngành hàng sẽ phải mất 1 - 2 năm để phục hồi nên các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, trái phiếu… cũng sẽ gặp rủi ro hơn. Vì vậy, kênh tiết kiệm ngân hàng vẫn sẽ là kênh an toàn đối với người dân. Về lạm phát, điều này không đáng lo ngại vì lạm phát trung bình của Việt Nam trong năm 2021 dự kiến khoảng 3%. Do đó. việc duy trì tỷ lệ lạm phát dưới mức 4% sẽ tạo điều kiện để Ngân hàng Nhà nước giữ vững quan điểm điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt và phù hợp trong suốt năm 2021. Như vậy, mặt bằng lãi suất đầu vào và đầu ra sẽ không có biến động lớn.

Mặt khác, chỉ số CPI bình quân 2 tháng đầu năm 2021 vẫn giảm 0,14% so với cùng kỳ năm 2020. Do vậy, làn sóng tăng lãi suất chưa lan rộng, trong khi thanh khoản thị trường còn khá dồi dào và cầu tín dụng chưa tăng cao. Theo đó, dù các ngân hàng đang bước vào đợt tăng lãi suất, song so với trước đây, mặt bằng lãi suất huy động vẫn ở mức thấp. Mức lãi suất huy động mà các ngân hàng áp dụng toàn thị trường hiện cao nhất chỉ khoảng 6,9%/năm kỳ hạn 12 tháng ở một số ngân hàng quy mô nhỏ.

Tuy nhiên, trước động thái tăng lãi suất huy động của một số ngân hàng, nhiều ý kiến lo ngại lãi suất cho vay cũng sẽ tăng theo. Dù vậy, nhiều ngân hàng cho rằng, việc điều chỉnh lãi suất đầu vào chỉ mang tính cục bộ ở một vài ngân hàng, không phải xu hướng chung của thị trường. Bởi hiện nay, thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang ở trạng thái dồi dào, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục duy trì ở mức thấp. Các ngân hàng đang tiết giảm chi phí đầu vào để giảm được lãi suất cho vay, kích cầu tín dụng.

Theo TTXVN

Theo TTXVN

© Thời báo Tài chính Việt Nam