Lãi suất tiền gửi và cho vay vẫn giữ mức thấp đến đầu quý II/2021

01:58 | 17/03/2021 Print
Theo SSI Research, lãi suất tiền gửi và cho vay sẽ vẫn giữ ở mức thấp như hiện tại trong quý I và đầu quý II/2021 và có thể nhích tăng từ cuối quý II khi các hoạt động kinh tế sôi động hơn giúp tăng cầu tín dụng.

lãi suất

Việc tăng/giảm lãi suất tiền gửi trong những tuần gần đây chỉ là cục bộ. Ảnh: Duy Dũng.

Có yếu tố sẽ hỗ trợ lãi suất liên ngân hàng duy trì thấp

Báo cáo thị trường tiền tệ tuần của SSI Research cho biết, tuần qua, thị trường mở tiếp tục không phát sinh giao dịch, lãi suất trên liên ngân hàng đi ngang ở mức 0,33%/năm với kỳ hạn qua đêm và 0,48%/năm với kỳ hạn 1 tuần.

Trong 2 tháng đầu năm nay, các ngân hàng thương mại đã bán gần 7 tỷ USD kỳ hạn 6 tháng ở tỷ giá 23.125 đồng/USD về Ngân hàng Nhà nước, tương ứng với khoảng 157 nghìn tỷ đồng được bơm ra vào tháng 7 và 8/2021, nếu các hợp đồng này không bị hủy ngang và không có các động thái trung hòa của Ngân hàng Nhà nước như phát hành tín phiếu để hút tiền về. “Đây là yếu tố hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng và giúp lãi suất tiền gửi trên liên ngân hàng tiếp tục duy trì ở mức thấp” – SSI Research cho biết.

lãi suất liên ngân hàng

Trong tuần qua, một số ngân hàng (TCB, VPB) điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi từ 20 – 50 điểm cơ bản (bps) với khách hàng cá nhân nhưng không thay đổi với khách hàng tổ chức. Trước đó, trong tháng 2, một số ngân hàng thương mại (VCB, ACB, SHB…) lại điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi từ 10 – 40 bps.

“Có thể thấy, việc tăng/giảm lãi suất tiền gửi trong những tuần gần đây chỉ mang tính chất cục bộ. Chúng tôi cho rằng, lãi suất tiền gửi và cho vay sẽ vẫn giữ ở mức thấp hiện tại trong quý I, đầu quý II/2021 và có thể nhích tăng từ cuối quý II khi các hoạt động kinh tế sôi động hơn giúp tăng cầu tín dụng” – chuyên gia của SSI Research cho hay.

Tỷ giá vẫn có thể giảm nhẹ trong năm 2021

Trên thị trường ngoại hối quốc tế, báo cáo của SSI Research cho biết, gói kích thích tài khóa trị giá 1.900 tỷ USD của Mỹ đã chính thức được thông qua vào ngày 11/3. Tổ chức OECD cũng đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu 2021 lên 5,6% (từ 4,2%) và 2022 lên 4% (từ 3,8%). Tâm lý lạc quan vào triển vọng phục hồi của nền kinh tế Mỹ và kinh tế toàn cầu lan tỏa khá mạnh khiến lo ngại về lạm phát cũng gia tăng, nhất là khi đón nhận thông tin chỉ số sản xuất Mỹ (PPI) tăng vọt trong tháng 2. PPI của Mỹ đã tăng 0,5% so với tháng 1 (cao hơn mức dự báo là 0,3%) và tăng 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái (mức tăng cao nhất kể từ tháng 10/2018).

Lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ tiếp tục tăng 4 - 8 bps, lên mức 1,625% với kỳ hạn 10 năm – mức cao nhất trong 13 tháng qua; chỉ số Dollar-Index (DXY) dao động trong vùng 91 – 92 điểm; vàng đi ngang ở vùng 1.727 USD/oz; JPY giảm giá thêm 0,7%, tổng cộng đã mất giá tới 5,6% so với USD kể từ đầu năm đến nay.

tỷ giá

Tại Việt Nam, tỷ giá trung tâm tăng thêm 17 đồng/USD lên 23.183 đồng/USD khiến tỷ giá niêm yết của các ngân hàng thương mại tăng thêm 30 đồng/USD chiều mua vào và 10 đồng/USD chiều bán ra, lên 22.930/23.140 đồng (mua vào/bán ra). Tỷ giá tự do giảm 20 đồng/USD chiều mua vào và tăng 10 đồng/USD chiều bán ra, ở mức 23.750/23.830 đồng.

“Diễn biến tỷ giá trong ngắn hạn có thể dao động dưới tác động từ diễn biến của đồng USD trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vẫn chưa thay đổi tốc độ nới lỏng tiền tệ hiện tại, đồng USD vẫn chịu áp lực giảm trong dài hạn và tỷ giá USD/VND vẫn có thể giảm nhẹ trong năm 2021” – các chuyên gia của SSI Research nhận định./.

Hải Băng

Hải Băng

© Thời báo Tài chính Việt Nam