Gia tăng khả năng giảm tiếp mặt bằng lãi suất cho vay

10:54 | 05/03/2021 Print
(TBTCVN) - Cùng với việc giảm lãi suất huy động, từ sau tết, nhiều ngân hàng đã bắt đầu công bố các chương trình giảm lãi suất cho vay. Theo các chuyên gia, đây là thông tin tích cực cho nền kinh tế khi động thái này đang làm tăng kỳ vọng mặt bằng lãi suất cho vay sẽ giảm thêm trong thời gian tới.

nh

Lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt khó khăn.

Theo các chuyên gia, đây là thông tin tích cực cho nền kinh tế khi động thái này đang làm gia tăng kỳ vọng mặt bằng lãi suất cho vay sẽ giảm thêm trong thời gian tới.

Một số ngân hàng đã tiên phong giảm tiếp lãi suất cho vay

Tính từ sau Tết Nguyên đán Tân Sửu, Ngân hàng Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank) đã tiên phong trong việc giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn vì Covid-19. Theo đó, ngày 26/2/2021, tiếp tục chương trình “Chung tay chia sẻ - Vững bền vượt qua”, HDBank ban hành chính sách tự động giảm lãi suất cho vay đến 4,5% cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ mà không cần khách hàng phải đề nghị hỗ trợ hay chứng minh bất kỳ khó khăn nào gặp phải. Hỗ trợ này lập tức có hiệu lực từ nay đến 31/12/2021.

lai

Song song đó, tiên phong trong việc chia sẻ gánh nặng chi phí thuê mặt bằng đang gây khó khăn cho các hộ kinh doanh, doanh nghiệp siêu nhỏ, đồng thời giảm áp lực trả nợ trong thời gian đầu, giúp khách hàng vững tâm kinh doanh cũng như giúp bên cho thuê nhà duy trì ổn định nguồn thu nhập, HDBank dành cho khách hàng là được vay ưu đãi để sản xuất kinh doanh và tiêu dùng lên đến 3 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi chỉ từ 3%/năm, ân hạn vốn gốc 6 tháng.

Tiếp đó, trong tuần trước, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng quyết định giảm đồng loạt lãi suất tiền vay cho toàn bộ dư nợ vay hiện hữu và cho vay mới của khách hàng trong thời gian 3 tháng từ ngày 22/2 - 22/5/2021. Theo đó, đối với khách hàng doanh nghiệp, Vietcombank giảm tới 10% số tiền lãi phải trả ngân hàng cho các khách hàng bị ảnh hưởng tiêu cực mức độ mạnh bởi dịch Covid-19; giảm tới 5% số tiền lãi phải trả ngân hàng cho các khách hàng còn lại bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Với khách hàng cá nhân, Vietcombank giảm lãi suất 0,2%/năm cho các khách hàng cá nhân vay vốn sản xuất kinh doanh trước ảnh hưởng của Covid-19.

Hay gần đây hơn, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng vừa triển khai gói tín dụng ngắn hạn lãi suất ưu đãi với quy mô lên đến 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) kinh doanh xuất nhập khẩu vượt qua khó khăn do Covid-19. Đối với khách hàng cá nhân có nhu cầu mua nhà, xe, tiêu dùng cá nhân, ngân hàng này cũng triển khai gói vay vốn trung dài hạn với quy mô lên tới 50.000 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi từ 7%/năm.

Cơ hội cho lãi suất cho vay giảm thêm?

Sau biến động tăng do yếu tố mùa vụ, dòng tiền đã trở lại hệ thống ngân hàng khiến thanh khoản dồi dào, từ đó giúp lãi suất trên liên ngân hàng tiếp tục giảm về mặt bằng trước đợt sóng trước Tết Nguyên đán.

Theo Báo cáo thị trường tiền tệ tuần của Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research), trên thị trường, một số ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất từ 10 - 40 điểm cơ bản đối với tiền gửi khách hàng cá nhân, nhưng giữ nguyên với lãi suất tiền gửi tổ chức kinh tế, từ đó thu hẹp chênh lệch lãi suất huy động giữa 2 nhóm khách hàng này. Hiện lãi suất tiền gửi từ tổ chức kinh tế vẫn ở mức 2 - 4%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng; 3 – 4,9%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng; và 4,2 – 5,8%/năm với kỳ hạn 12 đến 13 tháng.

Đánh giá về việc một số ngân hàng lớn đã tiên phong giảm suất cho vay, các chuyên gia của SSI Research cho rằng, những động thái trên của các ngân hàng đã gia tăng kỳ vọng mặt bằng lãi suất cho vay sẽ giảm thêm trong thời gian tới.

Trong Báo cáo triển vọng ngành Ngân hàng năm 2021 vừa phát hành, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cho biết thêm, nền kinh tế được kỳ vọng phục hồi là điểm giúp nợ xấu của toàn ngành được cải thiện và được kiểm soát dưới mức 2%. Nhiều ngân hàng đã nâng cấp tiêu chuẩn cho vay và quy trình xét duyệt tín dụng, từ đó giúp việc kiểm soát nợ xấu chặt chẽ hơn. Đồng thời, sau khi áp dụng Thông tư 41/2016/TT-NHNH, nhiều ngân hàng chuyển sang hướng kiểm soát cho vay thông qua tài sản có rủi ro (RWA) của các khoản vay, thay vì hạn mức tín dụng từ xưa, từ đó siết chặt tiêu chuẩn cho vay. Do đó, “chúng tôi cho rằng ngành ngân hàng hoàn toàn có thể kiểm soát tốt được chất lượng tài sản như hiện tại trong năm 2021” – chuyên gia của BSC cho hay.

Hải Băng

Hải Băng

© Thời báo Tài chính Việt Nam