Lãi suất huy động sẽ ở mức thấp trong thời gian dài

18:53 | 02/03/2021 Print
(TBTCVN) - Tiếp tục đà giảm lãi suất từ đầu năm 2021, tới cuối tháng 2, một số ngân hàng lại tiếp tục giảm lãi suất tiết kiệm thêm 0,1 – 0,3 điểm phần trăm.

nh

Năm 2021, định hướng xuyên suốt của Ngân hàng Nhà nước là giảm lãi suất huy động, tạo tiền đề giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ tăng trưởng nền kinh tế.

Theo các chuyên gia, do tác động của dịch bệnh, lãi suất có thể còn giảm thêm và sẽ duy trì ở vùng thấp trong một thời gian dài, sớm nhất là cuối năm 2021 mới có thể tăng trở lại.

Lãi suất huy động giảm, lãi suất cho vay khó giảm

Trong tháng 2 vừa qua, lãi suất huy động của một số ngân hàng tiếp tục xu hướng giảm. Cụ thể, Vietcombank giảm 0,1 điểm phần trăm so với tháng 1/2021. Lãi suất huy động kỳ hạn 1 - 2 tháng của Vietcombank giảm còn 2,9%/năm; kỳ hạn 6 tháng là 3,8%/năm; kỳ hạn từ 24 - 60 tháng giảm còn 5,3%/năm.

Cùng xu hướng, Agribank điều chỉnh giảm 0,1% ở hầu hết kỳ hạn ngắn; lãi suất các kỳ hạn từ 6 - 11 tháng ở mức 4%/năm, còn kỳ hạn từ 12 tháng áp dụng mức lãi suất 5,6%/năm.

Tại ngân hàng ACB, lãi suất huy động giảm từ 0,2 - 0,4 điểm phần trăm. Theo đó, kỳ hạn 1 tháng còn 3%/năm, 3 tháng ở mức 3,3%/năm, 6 tháng 4,4%/năm, 12 tháng ở mức 5,5%/năm Các ngân hàng khác như VPBank, SCB, SHB,... cũng điều chỉnh lãi suất ở các kỳ hạn giảm từ 0,1 - 0,4 điểm phần trăm/năm.

Hiện, tiền gửi các kỳ hạn từ 1 đến 9 tháng tại VPBank được áp dụng lãi suất khoảng 3,25 đến 3,45%/năm tùy giá trị tiền gửi. Lãi suất kỳ hạn tiền gửi 12 tháng hiện ở mức 4,9 đến 5,3%/năm. Mức lãi suất tối đa tại VPBank hiện là 5,5%/năm, áp dụng với các khoản tiền gửi trên 50 tỷ đồng kỳ hạn trên 24 tháng, giảm 1 điểm %. Còn tại SHB, lãi suất kỳ hạn 6 tháng đối với các khoản tiền gửi tiết kiệm dưới 2 tỷ đồng giảm còn 5%/năm; kỳ hạn 12 tháng còn 5,6%/năm và trên 12 tháng còn 6%/năm…

Theo các chuyên gia trong ngành, nhu cầu thanh khoản không còn căng thẳng như trước Tết nguyên đán Tân Sửu giúp lãi suất gửi tiết kiệm giảm dần. Với thanh khoản các ngân hàng đang dồi dào và lạm phát thấp, đây có thể là dư địa để Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất điều hành, qua đó, giúp các ngân hàng giảm chi phí đầu vào giảm lãi suất cho vay, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, một số ý kiến nhận định, khó có chuyện lãi suất cho vay giảm mạnh. Với tình hình nợ xấu của các ngân hàng có xu hướng tăng, biên độ lãi suất huy động và cho vay sẽ khó được thu hẹp do các ngân hàng cần tăng biên lãi ròng để bù đắp trích lập dự phòng rủi ro.

Trong khi đó, chuyên gia tài chính ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng lãi suất huy động có thể tiếp tục giảm trong quý I/2021 và thậm chí sẽ giảm thêm ở quý II. Bởi tuy nhu cầu vay lớn nhưng các ngân hàng đều đang rất thận trọng trước sự tác động của dịch bệnh đến nền kinh tế nói chung. “Nhưng nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt, nhu cầu vay tăng nhanh có khả năng lãi suất lại được điều chỉnh tăng”, TS. Nguyễn Trí Hiếu đánh giá.

Cùng quan điểm này, trong báo cáo phân tích mới đây, chuyên gia của Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho rằng dưới động thái điều hành của Ngân hàng Nhà nước, cùng mục tiêu tín dụng tập trung vào chất lượng, xu hướng tăng lãi suất huy động khó có thể trở lại. Đồng thời, định hướng xuyên suốt của Ngân hàng Nhà nước là giảm lãi suất huy động, tạo tiền đề giảm lãi suất cho vay hỗ trợ tăng trưởng nền kinh tế. “Lãi suất huy động có thể tiếp tục giảm, sau đó ổn định ở mặt bằng thấp”, báo cáo kinh tế vĩ mô năm 2021 của VCBS nhận định.

Thận trọng với bong bóng giá tài sản

Tuy nhiên, trong báo cáo kinh tế vĩ mô mới đây, Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) lưu ý GDP Việt Nam năm 2020 chỉ tăng 2,91% trong khi tăng trưởng cung tiền ở mức 12,6%, đây là một dấu hiệu đáng lo ngại. Mặc dù giá cả tiêu dùng khá ổn định nhưng bong bóng giá tài sản (bên cạnh nợ xấu) là một rủi ro đáng quan ngại khi chính sách tiền tệ được nới lỏng. Khu vực sản xuất không phải là đối tượng chính được hưởng nhiều lợi ích từ chính sách tiền tệ mở rộng.

Theo VEPR, chính sách tiền tệ, cụ thể là công cụ lãi suất trong năm 2021 sẽ giảm hiệu quả đáng kể. Đặc biệt, cần lưu ý tình trạng bong bóng tài sản đang hình thành trên thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản. Thực tế trong năm 2020, các thị trường tài sản đã có sự tăng trưởng đáng kể, chủ yếu vì đó là nơi trú ẩn cho khoản tiền nhàn rỗi của nhà đầu tư và hộ gia đình. Điều này có thể hiểu được trong giai đoạn khủng hoảng. Tuy nhiên, việc lãi suất huy động tiền gửi liên tục hạ do cầu tín dụng giảm, đang đẩy dòng tiền tiết kiệm ra khỏi ngân hàng ngày càng nhanh hơn.

Thêm vào đó, khi mức tăng giá trên các thị trường tài sản đủ lớn để tạo ra hiệu ứng của cải (wealth effect) thì mức tiêu dùng sẽ tăng đối với các mặt hàng không phải thiết yếu. Điều này dẫn tới sự lan tỏa của việc tăng giá từ thị trường tài sản sang thị trường tiêu dùng, dù chậm chạp, nhưng có thể cảm nhận được.

Đây cũng là một biểu hiện của hiện tượng tăng giá khi chính sách nới lỏng tiền tệ được theo đuổi trong thời gian đủ dài. Đây là thời điểm khó khăn trong chính sách tiền tệ vì việc thắt chặt trở lại trong bối cảnh nền sản xuất vẫn chưa có cải thiện ở cấp độ căn bản, sẽ dẫn tới khó khăn hơn nữa cho khu vực doanh nghiệp thực. “Trong mọi tình huống, ổn định kinh tế vĩ mô, cụ thể là lạm phát, lãi suất và tỷ giá cần được duy trì ổn định, là hết sức cần thiết để chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi sau bệnh dịch”, báo cáo của VEPR kết luận.

Theo phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ hạ lãi suất điều hành thêm một lần nữa trong nửa đầu năm 2021 và tăng nhẹ trở lại trong nửa cuối năm.

Dương An

Dương An

© Thời báo Tài chính Việt Nam