Thu hút người cao tuổi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

18:47 | 02/03/2021 Print
(TBTCVN) - Cả nước hiện có khoảng 1,1 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, trong đó, tỷ lệ người cao tuổi tham gia lớn, đặc biệt là người từ 50 tuổi trở lên. Tuy nhiên, để đảm bảo độ bao phủ BHXH tự nguyện như kỳ vọng, đòi hỏi cần có lộ trình dài trong việc thu hút đối tượng này.

xh

Tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người dân tại các chợ dân sinh.

Chỗ dựa an sinh cho người cao tuổi

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cả nước hiện có khoảng 13 triệu người cao tuổi, chiếm 12% dân số. Trong đó, khoảng 1,98 triệu người hơn 80 tuổi; gần 4,8 triệu người cao tuổi là nam giới; gần 7,7 triệu người cao tuổi sống ở nông thôn; tỷ lệ người cao tuổi thuộc hộ nghèo cao hơn bình quân chung của cả nước. Hiện tại, cả nước có 3,1 triệu người cao tuổi hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng; 12,1 triệu người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT); 1,8 triệu người cao tuổi nhận trợ cấp hàng tháng và hơn 1,4 triệu người cao tuổi hưởng trợ cấp người có công với cách mạng.

BHXH tự nguyện được coi là “chỗ dựa an sinh” cho người cao tuổi, bởi những người tham gia BHXH tự nguyện khi về già được chăm sóc y tế tốt hơn, hưởng nhiều lợi ích hơn. Nhờ có lương hưu mà các nhu cầu cơ bản của họ được đáp ứng tốt mà không cần đến sự hỗ trợ khác. Người cao tuổi còn được lo cả hậu sự sau khi mất nên luôn có tinh thần thoải mái và sống lạc quan hơn rất nhiều.

Theo quy định của Luật BHXH thì công dân Việt Nam từ 15 tuổi và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì được phép tham gia BHXH tự nguyện. Mức đóng BHXH tự nguyện được tính mức đóng hàng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn. Mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn (hiện nay là 700.000 đồng/tháng), cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở (hiện nay là 29.800.000 đồng).

Các phương thức đóng BHXH tự nguyện hiện cũng rất linh hoạt. Người dân có thể lựa chọn một trong các phương thức đóng như: đóng hàng tháng; đóng 3 tháng một lần; đóng 6 tháng một lần; đóng 12 tháng một lần; đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần; đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định, nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.

Nâng mức hỗ trợ để thu hút người tham gia

Báo cáo của BHXH Việt Nam cho thấy, trong năm 2020, cả nước có thêm gần 1,1 triệu người dân tham gia BHXH tự nguyện, trong đó, tỷ lệ người cao tuổi tham gia lớn, đặc biệt là người từ 50 tuổi trở lên. Tuy nhiên, để đảm bảo lưới an sinh cho người cao tuổi thì tỷ lệ này vẫn chưa cao. Một trong những nguyên nhân được cho là do mức hỗ trợ cho người tham gia còn chưa hấp dẫn với người dân.

Theo Ban Thu (BHXH Việt Nam), kể từ ngày 1/1/2018, ngân sách nhà nước (NSNN) thực hiện hỗ trợ mức đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện. Tất cả các đối tượng tham gia BHXH tự nguyện này đều được hỗ trợ từ NSNN với mức hỗ trợ theo tỷ lệ % trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn. Cụ thể, mức hỗ trợ bằng 30% đối với người thuộc hộ nghèo; 25% đối với người tham gia thuộc hộ cận nghèo; 10% đối với các đối tượng khác. Ngoài mức hỗ trợ chung của ngân sách trung ương, nhiều tỉnh đã ban hành các nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ thêm cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn. Các tỉnh này đã tham mưu hỗ trợ thêm khoảng từ 10 - 20% mức chuẩn hộ nghèo nông thôn.

BHXH Việt Nam cũng đã đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu trình Chính phủ tăng mức hỗ trợ từ Nhà nước cho người tham gia BHXH tự nguyện, nhất là người thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo để nhiều người có đủ khả năng tham gia BHXH tự nguyện, hạn chế việc gia tăng số người đang tham gia nhưng vì không có điều kiện tiếp tục tham gia đã phải dừng đóng, hưởng BHXH một lần. Theo đó, BHXH kiến nghị nâng mức hỗ trợ từ 30% lên 50% đối với hộ nghèo; từ 25% lên 30% đối với hộ cận nghèo và từ 10% lên 20% đối với các đối tượng còn lại.

Ðề xuất xây dựng đề án và lộ trình cụ thể để thu hút người cao tuổi tham gia BHXH tự nguyện, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Trần Ðình Liệu cho rằng, trước mắt, khi Luật BHXH chưa được sửa đổi, có thể nâng mức hỗ trợ của NSNN cho người tham gia BHXH tự nguyện theo từng nhóm. Ðối với nhóm người cao tuổi, số tiền hỗ trợ không lớn, dự kiến chưa đến 200 tỷ đồng/năm.

Trong thời gian tới, ngành BHXH sẽ tiếp tục đổi mới công tác tổ chức thực hiện; phối hợp tốt với bộ, ngành liên quan đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật về BHXH tự nguyện. Những sửa đổi này sẽ thực hiện theo hướng giảm điều kiện về thời gian đóng BHXH tự nguyện để được hưởng lương hưu và bổ sung các chế độ BHXH tự nguyện ngắn hạn, linh hoạt, nhằm tăng tính hấp dẫn, tạo thuận lợi hơn nữa cho người cao tuổi tham gia BHXH tự nguyện.

Một số mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước


Hiện tại, ngân sách nhà nước hỗ trợ 15.400 đồng/tháng tiền đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện đối với người tham gia không thuộc hộ nghèo và cận nghèo; 38.500 đồng/tháng đối với người thuộc hộ cận nghèo và 46.200 đồng/tháng đối với người thuộc hộ nghèo. Thời gian người tham gia BHXH tự nguyện được nhận hỗ trợ tối đa trong vòng 10 năm từ ngân sách nhà nước. Nếu người tham gia BHXH tự nguyện có hộ khẩu tại một tỉnh nhưng tham gia BHXH tại tỉnh khác, thì vẫn được nhận hỗ trợ theo các mức quy định trên.

Hà My

Hà My

© Thời báo Tài chính Việt Nam