Các ngân hàng có bộ đệm dự phòng lớn sẽ “lấn lướt” về tăng trưởng

10:59 | 26/02/2021 Print
(TBTCVN) - Áp lực trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng sẽ vẫn ở mức cao, do nợ xấu cao cùng với đó là trích lập cho các khoản nợ tái cơ cấu. Tuy nhiên, rủi ro tác động tới lợi nhuận của nhiều ngân hàng sẽ không quá lớn.

nh

Những ngân hàng đẩy mạnh trích lập dự phòng lớn năm 2020 sẽ có lợi thế hơn trong năm 2021.

Theo đó, nhóm ngân hàng đã có bộ đệm dự phòng lớn với tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao,… nhiều khả năng sẽ duy trì được mức tăng trưởng tốt trong năm 2021; trong khi đó, khó khăn sẽ gia tăng đối với các ngân hàng còn khá dè dặt trong việc chuẩn bị bộ đệm dự phòng trong năm 2020. Để làm rõ hơn về áp lực và triển vọng ngành Ngân hàng năm 2021, phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Anh Tùng - Chuyên viên cao cấp, Trung tâm Phân tích, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV).

PV: Dù chịu tác động từ đại dịch Covid-19, tuy nhiên năm 2020 ngành Ngân hàng vẫn duy trì mức lãi rất tốt. Theo ông, liệu đà tăng này có được duy trì trong năm 2021?

Ông Nguyễn Anh Tùng: Theo quan điểm của KBSV, đà tăng trưởng lợi nhuận của nhóm ngân hàng niêm yết nhiều khả năng sẽ có diễn biến phân hóa trong năm 2021.

tung

Ông Nguyễn Anh Tùng

Dù Covid-19 tái bùng phát lần 3, song với kinh nghiệm của Chính phủ, triển vọng tăng trưởng tín dụng kỳ vọng sẽ tích cực hơn khi các doanh nghiệp trở lại hoạt động kinh doanh sau khi dịch được kiểm soát tại Việt Nam khiến nhu cầu huy động vốn tăng cao. Cùng với đó, mức nền tín dụng thấp trong năm 2020 cũng là cơ hội cho tín dụng tăng tốt hơn cho năm 2021. Tuy nhiên, áp lực trích lập dự phòng nợ xấu dự kiến sẽ vẫn ở mức cao khi vẫn còn nhiều doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19. Cùng với đó, các ngân hàng sẽ bắt đầu thực hiện trích lập đúng với bản chất các khoản nợ tái cơ cấu sau khi Thông tư 01/2020/TT-NHNN kết thúc.

Như vậy, nhóm ngân hàng đã có bộ đệm dự phòng lớn với tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao,… nhiều khả năng sẽ duy trì được mức tăng trưởng tốt trong năm 2021. Trong khi đó, áp lực trích lập sẽ khiến câu chuyện tăng trưởng khó khăn hơn đối với các ngân hàng còn khá dè dặt trong việc chuẩn bị bộ đệm dự phòng trong năm 2020.

PV: Hai áp lực lớn nhất có thể ảnh hưởng tới ngành ngân hàng trong năm 2021 là nợ xấu và trích lập dự phòng rủi ro. Ông đánh giá thế nào về tác động của hai rủi ro này tới lợi nhuận các nhà băng, trong bối cảnh Thông tư 01/2020/TT-NHNN đang trong quá trình sửa đổi?

Ông Nguyễn Anh Tùng: Tỷ lệ nợ xấu sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao khi các doanh nghiệp hàng không, du lịch, xuất nhập khẩu… vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề từ diễn biến dịch Covid-19 trên thế giới. Áp lực trích lập dự phòng rủi ro sẽ vẫn ở mức cao do nợ xấu cao cùng với đó là trích lập cho các khoản nợ tái cơ cấu. Tuy nhiên, rủi ro đối với lợi nhuận của các ngân hàng sẽ không quá cao do kì vọng tăng trưởng tín dụng cũng như việc sửa đổi của Thông tư 01 phần nào giảm bớt áp lực trích lập.

Thông tư 01/2020/TT-NHNN đang trong quá trình sửa đổi theo hướng các ngân hàng trích lập dự phòng đúng với bản chất khoản nợ, tuy nhiên vẫn giữ nguyên nhóm nợ để hỗ trợ doanh nghiệp không bị tăng lãi suất và lộ trình trích lập sẽ diễn ra trong 3 năm tính từ năm 2021 để tránh gây cú sốc lợi nhuận cho các ngân hàng.

PV: Một điểm cũng được rất nhiều người quan tâm đó là tốc độ tăng trưởng tín dụng, đặc biệt là chất lượng tín dụng. Ông nhận định thế nào trong năm 2021?

Ông Nguyễn Anh Tùng: Triển vọng tăng trưởng tín dụng kỳ vọng sẽ tích cực (khoảng 13%) khi các doanh nghiệp trở lại hoạt động kinh doanh sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt tại Việt Nam khiến nhu cầu huy động vốn tăng cao, cùng với đó là mức nền tín dụng thấp trong năm 2020. Tỷ lệ nợ xấu vẫn sẽ duy trì ổn định khi nhiều ngân hàng đã chuẩn bị bộ đệm dự phòng khá tốt trong năm 2020, chất lượng tín dụng cũng sẽ được cải thiện khi tập trung tài trợ cho lĩnh vực sản xuất.

PV: Còn về cổ phiếu ngân hàng, ông đánh giá thế nào về cơ hội sinh lời năm 2021? Đâu là những yếu tố mà chúng ta có thể kỳ vọng dòng tiền vẫn sẽ quan tâm lớn tới dòng cổ phiếu này?

Ông Nguyễn Anh Tùng: Sau nhịp giảm điểm mạnh vào cuối tháng 1/2021 của thị trường chúng tôi đánh giá tích cực với cơ hội sinh lời của nhóm cổ phiếu ngân hàng, đặc biệt là nhóm ngân hàng đã đẩy mạnh trích lập trong năm 2020. Các yếu tố hỗ trợ có thể kể đến như kỳ vọng tăng trưởng tín dụng, bộ đệm dự phòng tăng cao, các ngân hàng đẩy mạnh thu nhập ngoài lãi, áp dụng công nghệ, giảm chi phí hoạt động…

PV: Xin cảm ơn ông!

Rủi ro về lợi nhuận của các ngân hàng sẽ không quá cao

Áp lực trích lập dự phòng rủi ro sẽ vẫn ở mức cao do nợ xấu cao cùng với đó là trích lập cho các khoản nợ tái cơ cấu. Tuy nhiên, rủi ro đối với lợi nhuận của các ngân hàng sẽ không quá cao do kì vọng tăng trưởng tín dụng cũng như việc sửa đổi của Thông tư 01 phần nào giảm bớt áp lực trích lập.

Duy Thái (thực hiện)

Duy Thái (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam