Ngân hàng đồng hành, chia khó cùng doanh nghiệp

11:14 | 07/02/2021 Print
(TBTCVN) - Trong thành tựu chung của đất nước năm 2020, ngành Ngân hàng có đóng góp quan trọng, với tinh thần vào cuộc sớm, “chống dịch như chống giặc”, chủ động có giải pháp ứng phó với tác động của dịch Covid-19, bão lũ, khắc phục khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.

Ngành Ngân hàng đẩy mạnh triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp

Ngành Ngân hàng đẩy mạnh triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

Nhiều chính sách hỗ trợ được ban hành sớm

Nhìn lại năm 2020 với diễn biến về tình hình dịch bệnh, kinh tế phức tạp và khó lường Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho rằng, chưa bao giờ Chính phủ, các cơ quản quản lý và ngân hàng trung ương các nước lại thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ chưa từng có tiền lệ, với quy mô lớn, hàng nghìn tỷ USD để vực dậy nền kinh tế như vậy.

Trong bối cảnh đó, xác định tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân chịu tác động của đại dịch Covid 19 là nhiệm vụ trọng tâm, NHNN đã vào cuộc từ sớm khi đại dịch mới xảy ra. Trên cơ sở phân tích, đánh giá tác động của đại dịch và thiên tai tới hoạt động sản xuất kinh doanh, NHNN ban hành một loạt các văn bản tạo cơ sở pháp lý cho các tổ chức tín dụng (TCTD) hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.

Trong đó, văn bản quan trọng là Thông tư số 01/2020/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 13/3/2020 cho phép các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, tháo gỡ khó khăn về vốn vay cho khách hàng. Tiếp đến là chỉ thị yêu cầu các TCTD đẩy mạnh hiệu quả các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng, tiết giảm chi phí hoạt động để có điều kiện giảm lãi suất ở mức tối đa. Cùng với đó là các chính sách tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc đối với người lao động; lùi 1 năm lộ trình áp dụng đối với tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn, tạo điều kiện cho TCTD có thêm nguồn vốn cho vay trung, dài hạn.

NHNN đã chỉ đạo các TCTD miễn phí đối với các giao dịch trực tuyến các dịch vụ công thực hiện trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương; miễn phí chuyển tiền ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 và hạn mặn qua tài khoản ngân hàng; miễn phí dịch vụ thanh toán cho các đối tượng nhận hỗ trợ theo Nghị quyết số 42 và Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ.

info tư liệu

Sau nhiều lần giảm phí, 63% giao dịch thanh toán của khách hàng qua liên ngân hàng 24/7 qua Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) được miễn hoặc giảm phí với tổng số tiền phí TCTD đã miễn, giảm cho khách hàng đến hết năm 2020 ước tính khoảng 1.004 tỷ đồng. Tính đến hết năm 2020, số thu phí dịch vụ thanh toán của NHNN ước giảm khoảng 285 tỷ đồng, số thu phí thông tin tín dụng giảm khoảng 200 tỷ đồng để hỗ trợ TCTD tiếp tục giảm phí dịch vụ.

Để nắm bắt kịp thời tình hình, NHNN đã thành lập các đoàn công tác địa phương do lãnh đạo NHNN làm trưởng đoàn phối hợp với UBND tỉnh, thành phố tổ chức các hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để lắng nghe ý kiến phản ánh của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiếp cận chính sách của NHNN, đặc biệt là chính sách hỗ trợ khách hàng theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN.

Gần 355 nghìn tỷ đồng nợ được cơ cấu lại

Với sự chỉ đạo của Chính phủ và NHNN, các TCTD, kể cả công ty tài chính, ngân hàng nước ngoài đều vào cuộc mạnh mẽ, sử dụng nguồn nội lực tài chính của mình thông qua việc tiết giảm chi phí, cắt giảm lương, giảm lợi nhuận, không chia cổ tức... để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.

Đến nay, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoảng 270 nghìn khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với dư nợ gần 355 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho khoảng 590 nghìn khách hàng với dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng, đặc biệt các TCTD đã cho vay mới lãi suất ưu đãi (thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch) với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng cho hơn 390 nghìn khách hàng. Riêng NHCSXH đã thực hiện gia hạn nợ cho 167.797 khách hàng với dư nợ 4.183 tỷ đồng, cho vay mới đối với 2.001.835 khách hàng với số tiền 72.531 tỷ đồng.

Tính chung từ đầu năm 2020 đến nay, NHNN đã 3 lần điều chỉnh giảm đồng bộ các mức lãi suất với tổng mức giảm tới 1,5 - 2%/năm lãi suất điều hành (là một trong các ngân hàng trung ương có mức cắt giảm lãi suất điều hành lớn nhất trong khu vực); giảm 0,6 - 1%/năm trần lãi suất tiền gửi; giảm 1,5%/năm trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời chỉ đạo các TCTD tiết kiệm chi phí, giảm mạnh lãi suất cho vay, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên. Nhờ đó, mặt bằng lãi suất cho vay giảm bình quân khoảng 1%/năm so với cuối năm 2019; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm.

Ngoài ra, NHNN đã tích cực vận động các tổ chức quốc tế hỗ trợ kỹ thuật, viện trợ không hoàn lại để bổ sung năng lực ứng phó với đại dịch (như khoản trợ giúp kỹ thuật 6,2 triệu USD của WB và khoản 5 triệu USD của Quỹ We-fi ủy thác qua ADB để hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ…).

Bước sang năm 2021, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho rằng, đại dịch Covid-19 nhiều khả năng còn diễn biến phức tạp, triển vọng kinh tế thế giới và trong nước còn khó lường. Thời gian tới ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, thiên tai, bão lũ và biến đổi khí hậu; tiếp tục tái cấp vốn cho NHCSXH để hỗ trợ người lao động. Cùng với đó, tiếp tục chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí, giảm chỉ tiêu lợi nhuận để có điều kiện giảm lãi suất cho vay; mở rộng tín dụng đi đối với an toàn, hiệu quả; thúc đẩy nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.

Dương An

Dương An

© Thời báo Tài chính Việt Nam