Nhiều khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện bảo hiểm nông nghiệp

16:49 | 18/01/2021 Print
Bảo hiểm nông nghiệp về cơ bản vẫn là sản phẩm mới, phức tạp không chỉ đối với bản thân người nông dân mà còn đối với đội ngũ cán bộ thực thi chính sách tại cơ sở. Do đó, quá trình tổ chức thực hiện đã và dự báo sẽ còn gặp phải nhiều khó khăn.

Thông tin về những kết quả đạt được khi triển khai chính sách bảo hiểm nông nghiệp, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, công tác tuyên truyền, hướng dẫn về chính sách đã được Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) quan tâm triển khai theo chuyên đề hoặc lồng ghép vào các chương trình công tác thường xuyên, đa dạng dưới nhiều hình thức từ đưa tin, bài, phóng sự... đến tổ chức các hội thảo chuyên đề.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước tại Trung ương (Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT) ban hành đầy đủ hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp theo quy định tại Nghị định số 58/2018/NĐ-CP và Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã cơ bản hoàn thành việc lựa chọn địa bàn được hỗ trợ.

Ngoài ra, Bộ Tài chính và Bộ NN&PTNT đã tích cực trong việc đôn đốc triển khai thực hiện; chủ động giám sát tình hình, thường xuyên tổ chức các đoàn công tác liên ngành (Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam) làm việc thực tế tại 15/19 địa phương thuộc địa bàn được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp để nắm bắt thực tế, kịp thời giải đáp các vướng mắc về chính sách theo thẩm quyền.

Các doanh nghiệp bảo hiểm cũng đã xây dựng và trình Bộ Tài chính phê chuẩn đầy đủ các bộ sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp về các đối tượng bảo hiểm được hỗ trợ phí bảo hiểm, bao gồm cây lúa, vật nuôi (trâu, bò) và thủy sản (tôm sú, tôm thẻ chân trắng). Về cơ bản, các sản phẩm bảo hiểm được xây dựng đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật; lấy nông dân làm trung tâm với các quy định đảm bảo rõ ràng, minh bạch về quyền lợi, trách nhiệm, điều kiện bảo hiểm; mức phí bảo hiểm không chỉ phù hợp với điều kiện, mức trách nhiệm bảo hiểm mà còn đảm bảo phù hợp với khả năng chi trả của người nông dân và đảm bảo khả năng cân đối ngân sách nhà nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, một số chính sách, cơ chế hướng dẫn thực hiện ban hành còn chậm (Thông tư số 09/2020/TT-BNNPTNT ban hành ngày 24/7/2020; sản phẩm bảo hiểm được phê chuẩn vào ngày 26/5/2020), dẫn đến các địa phương còn gặp khó khăn, lúng túng trong tổ chức thực hiện.

Mặc dù cơ bản hoàn thành việc lựa chọn địa bàn được hỗ trợ, mới chỉ có một số UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện, dẫn đến việc các doanh nghiệp gặp lúng túng trong việc tiếp cận, cấp đơn bảo hiểm cho nông dân. Cho đến nay, kết quả cấp đơn bảo hiểm cho nông dân vẫn còn hạn chế. Mới chỉ có 2/19 tỉnh (Nghệ An và Hà Giang) có kết quả triển khai bảo hiểm. Tại Nghệ An đã thực hiện cấp đơn bảo hiểm cây lúa tại 102/246 xã được lựa chọn địa bàn hỗ trợ (chiếm 41,5%); Hà Giang cấp đơn bảo hiểm trâu, bò tại 29/60 xã được lựa chọn địa bàn hỗ trợ (48,3%).

Lý giải về những tồn tại trên, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm cho rằng, mặc dù có nhiều kinh nghiệm đã được rút ra sau giai đoạn thực hiện thí điểm (2011-2013), bảo hiểm nông nghiệp về cơ bản vẫn là sản phẩm mới, phức tạp không chỉ đối với bản thân người nông dân mà còn đối với đội ngũ cán bộ thực thi chính sách tại cơ sở; quá trình tổ chức thực hiện đã và dự báo sẽ còn gặp phải nhiều khó khăn, thách thức đối với không chỉ doanh nghiệp bảo hiểm mà còn đối với các cấp chính quyền địa phương.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2019-2020, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn trong điều kiện biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp. Thực tế tình hình sản xuất và cùng với ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 dẫn đến chính quyền địa phương gặp khó khăn trong bố trí nguồn lực, nhân lực triển khai chính sách.

Đồng thời, theo đánh giá của các địa phương, thời gian thực hiện Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg (kết thúc vào 31/12/2020) là quá ngắn, gây khó khăn, lúng túng cho địa phương và doanh nghiệp bảo hiểm. Đồng thời, chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp sau năm 2020 vẫn chưa rõ ràng, gây tác động rất lớn đến tâm lý của doanh nghiệp bảo hiểm, người nông dân./.

Hồng Quyên

Hồng Quyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam