Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự xe cơ giới: Tăng cường giám sát hậu kiểm, phòng chống gian lận

11:32 | 15/01/2021 Print
Doanh nghiệp bảo hiểm phải thiết lập, duy trì hoạt động 24 giờ/7 ngày đường dây nóng để kịp thời tiếp nhận thông tin tai nạn, hướng dẫn, giải đáp cho bên mua bảo hiểm và các bên về các vấn đề liên quan tới bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

bhxm

Nhiều kỳ vọng về hiệu quả triển khai bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự xe cơ giới trong thời gian tới.

Doanh nghiệp phải duy trì đường dây nóng

Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 103/2008/NĐ-CP sẽ góp phần đơn giản hóa thủ tục hồ sơ bồi thường, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chi trả cho đối tượng được bồi thường bảo hiểm.

Cụ thể, liên quan tới bồi thường bảo hiểm, dự thảo Nghị định quy định trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm về vụ tai nạn, doanh nghiệp bảo hiểm phải tạm ứng bồi thường đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng.

Trong trường hợp đã xác định được vụ tai nạn thuộc phạm vi bồi thường thiệt hại thì tạm ứng 70% mức trách nhiệm bảo hiểm theo quy định/1 người/1 vụ đối với trường hợp tử vong, 50% mức bồi thường bảo hiểm theo quy định/1 người/1 vụ đối với trường hợp tổn thương bộ phận được điều trị cấp cứu; còn trường hợp chưa xác định được vụ tai nạn thuộc phạm vi bồi thường thiệt hại thì tạm ứng bồi thường 30% mức trách nhiệm bảo hiểm theo quy định/1 người/1 vụ đối với trường hợp tử vong, 10% mức trách nhiệm bảo hiểm theo quy định/1 người/1 vụ đối với trường hợp tổn thương bộ phận được điều trị cấp cứu.

Dự thảo cũng quy định doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) phải thiết lập, duy trì hoạt động 24 giờ/7 ngày đường dây nóng để kịp thời tiếp nhận thông tin tai nạn, hướng dẫn, giải đáp cho bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm và các bên có liên quan về các vấn đề liên quan tới bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Khi nhận được thông báo về tai nạn, trong vòng 1 giờ đồng hồ doanh nghiệp bảo hiểm phải hướng dẫn bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, chủ xe cơ giới các biện pháp đảm bảo an toàn, đề phòng hạn chế thiệt hại về người và tài sản, hướng dẫn hồ sơ, thủ tục yêu cầu bồi thường bảo hiểm; phối hợp chặt chẽ với bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, bên thứ ba và các bên liên quan trong vòng 24 giờ đồng hồ tổ chức thực hiện việc giám định tổn thất xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất làm căn cứ giải quyết bồi thường bảo hiểm.

Bên cạnh đó, Dự thảo Nghị định cũng tăng cường giám sát hậu kiểm, phòng chống gian lận trong kinh doanh bảo hiểm như quy định trách nhiệm của DNBH, bên mua bảo hiểm, các cơ quan liên quan trong công tác phòng chống, gian lận bảo hiểm; DNBH phải xây dựng, triển khai, bố trí nhân sự kiểm soát thực hiện các quy chế, quy trình về hoạt động nghiệp vụ, kiểm soát rủi ro, kiểm soát nội bộ và phòng, chống gian lận trong kinh doanh bảo hiểm liên quan đến bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

Ngoài ra, nâng mức trách nhiệm bảo hiểm và xây dựng phí bảo hiểm tương ứng với rủi ro của xe cơ giới (bao gồm xe máy), chủ xe và người lái xe để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp bảo hiểm và bên tham gia bảo hiểm.

Dự thảo Nghị định cũng mở rộng đối tượng và nâng mức chi hỗ trợ nhân đạo. Trong các trường hợp không xác định được xe gây tai nạn, xe không tham gia bảo hiểm và các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm theo quy định (trừ hành động cố ý gây thiệt hại của chủ xe cơ giới, lái xe hoặc của người bị thiệt hại): 30% mức trách nhiệm bảo hiểm theo quy định/1 người/1 vụ đối với trường hợp tử vong; 10% mức trách nhiệm bảo hiểm theo quy định/1 người/1 vụ đối với các trường hợp tổn thương bộ phận được điều trị cấp cứu.

Về công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, Bộ Tài chính chủ trì thanh tra, kiểm tra, giám sát các DNBH trong việc thực hiện bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự (TNDS) của chủ xe cơ giới. Qua công tác thanh tra, kiểm tra sẽ chấn chính, xử lý vi phạm kịp thời (nếu có), đồng thời ghi nhận các kiến nghị, phản ánh để tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách.

Góp phần thực hiện an sinh xã hội

Theo kỳ vọng của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, việc ban hành Nghị định sẽ thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông và tái cơ cấu thị trường bảo hiểm.

Bên cạnh đó, khắc phục những tồn tại, hạn chế về chính sách và triển khai thực hiện trong thời gian qua và bảo đảm sự phù hợp, đồng bộ, nhất quán với hệ thống pháp luật hiện hành, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho chủ xe cơ giới, DNBH, các bộ, ban, ngành có liên quan trong việc triển khai thực hiện bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới.

Khi Nghị được ban hành sẽ góp phần hoàn thiện khung khổ pháp lý của chính sách về bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới, tăng cường hỗ trợ nạn nhân tai nạn giao thông khắc phục hậu quả, giúp cho chủ xe, người điều khiển xe và nạn nhân nhanh chóng ổn định cuộc sống, sinh hoạt và hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu an sinh - xã hội của Đảng và Nhà nước.

Nghị định cũng được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện nâng cao năng lực của cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương trong công tác quản lý, giám sát và tổ chức thực hiện; nâng cao vai trò chủ động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DNBH trong chi trả bồi thường bảo hiểm, kiểm soát, phòng chống gian lận trong kinh doanh bảo hiểm và phát huy vai trò của nhân dân trong giám sát thực hiện bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới./.

Hồng Quyên

Hồng Quyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam