Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự xe cơ giới: Tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia

15:45 | 14/01/2021 Print
Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 103/2008/NĐ-CP sẽ góp phần đơn giản hóa thủ tục hồ sơ bồi thường, tạo điều kiện thuận lợi việc chi trả cho đối tượng được bồi thường bảo hiểm.

bhxm

Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 103/2008/NĐ-CP sẽ góp phần đơn giản hóa thủ tục hồ sơ bồi thường. Ảnh: PV

90% xe ô tô và 30% xe mô tô tham gia bảo hiểm bắt buộc

Theo báo cáo đánh giá của các bộ, ngành có liên quan (Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia), các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH), Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, sau hơn 10 năm (2008-2019) thực hiện Nghị định số 103/2008/NĐ-CP, chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự (TNDS) của chủ xe cơ giới đã đạt được một số kết quả nhất định.

Cụ thể, trong giai đoạn trên, có khoảng 110,3 triệu lượt xe các loại, tương ứng với tỷ lệ tham gia bảo hiểm bắt buộc TNDS chủ xe cơ giới trong tổng số xe đang lưu hành hiện nay được đánh giá vào khoảng 90% đối với xe ô tô và 30% đối với xe mô tô.

Trong đó, công tác giải quyết bồi thường, hỗ trợ nạn nhân tai nạn giao thông khắc phục tổn thất về người và tài sản đã được triển khai kịp thời. Các DNBH đã giải quyết được 593.658 vụ tai nạn giao thông, trong đó bồi thường cho 70.421 trường hợp tử vong (trung bình vào khoảng 7.400 trường hợp/năm, chiếm trên 73% số trường hợp tử vong do tai nạn giao thông bình quân hàng năm, chiếm trên 87% vào năm 2017).

Tổng số tiền bồi thường khoảng 5.300 tỷ đồng (chưa kể dự phòng bồi thường gần 2.000 tỷ đồng), trong đó: bồi thường về người khoảng 2.950 tỷ đồng, về tài sản khoảng 2.350 tỷ đồng. Qua công tác bồi thường bảo hiểm đã giúp cho các tổ chức, cá nhân không may bị tai nạn giao thông kịp thời và chủ động hơn trong việc khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất, kinh doanh và ổn định đời sống.

Qua công tác bồi thường bảo hiểm đã kịp thời hỗ trợ nạn nhân tai nạn giao thông nhanh chóng khắc phục tổn thất về người và tài sản, giúp cho không chỉ nạn nhân mà còn chủ xe, người điều khiển xe nhanh chóng ổn định cuộc sống, sinh hoạt và hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu an sinh - xã hội của Đảng và Nhà nước.

Tổng doanh thu phí bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới trong giai đoạn này đạt khoảng 18.110 tỷ đồng. Trong đó, từ xe mô tô 2 bánh, xe mô tô 3 bánh, xe gắn máy và các loại xe tương tự khoảng 5.540 tỷ đồng; xe ô tô không kinh doanh vận tải khoảng 5.530 tỷ đồng; xe ô tô kinh doanh vận tải khoảng 2.830 tỷ đồng; xe ô tô chở hàng khoảng 3.510 tỷ đồng; các loại xe cơ giới khác (gồm xe tập lái, xe taxi, xe ô tô chuyên dùng, xe đầu kéo và xe máy chuyên dùng) khoảng 1.588 tỷ đồng.

Về hoạt động tài trợ, đầu tư, xây dựng các công trình đề phòng hạn chế tổn thất tai nạn giao thông, từ 2009 đến nay Quỹ bảo hiểm xe cơ giới đã tài trợ 56 công trình tại hơn 37 tỉnh, thành phố trên cả nước với số kinh phí tài trợ 70,6 tỷ đồng. Việc tài trợ, đầu tư tập trung vào các công trình, các hạng mục như lắp đặt hộ lan tôn sóng, hộ lan bê tông, biển báo, dải phân cách cứng, thiết bị chống chói đèn, đèn tín hiệu giao thông, các thiết bị tuyên truyền cảnh báo giao thông, xe cứu thương, thiết bị hành trình….

Mở rộng thời hạn bảo hiểm

Trên cơ sở phân tích, đánh giá kết quả và những mặt tồn tại, hạn chế trong thực hiện chính sách giai đoạn vừa qua, việc ban hành Nghị định mới nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông và tái cơ cấu thị trường bảo hiểm.

Bên cạnh đó, khắc phục những tồn tại, hạn chế về chính sách và triển khai thực hiện trong thời gian qua và bảo đảm sự phù hợp, đồng bộ và nhất quán với hệ thống pháp luật hiện hành, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho chủ xe cơ giới, DNBH, các Bộ, ban, ngành có liên quan trong việc triển khai thực hiện bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới….

Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết, Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 103/2008/NĐ-CP sẽ góp phần đơn giản hóa thủ tục hồ sơ bồi thường, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chi trả cho đối tượng được bồi thường bảo hiểm.

Theo đó, Dự thảo quy định, trong trường hợp vụ tai nạn gây tử vong, hồ sơ bồi thường mới phải bổ sung bản sao các tài liệu liên quan của cơ quan có thẩm quyền. Dự thảo Nghị định cũng quy định rõ trách nhiệm Bộ Công an chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát điều tra cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến các vụ tai nạn giao thông trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả điều tra.

Bên cạnh đó, Dự thảo Nghị định cũng tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia bảo hiểm, như cho phép DNBH được chủ động thiết kế Giấy chứng nhận bảo hiểm đảm bảo đầy đủ các thông tin theo quy định tại Nghị định (trong đó có số đường dây nóng), được phép cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử (hiện nay theo quy định DNBH cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm bản cứng theo mẫu quy định của Bộ Tài chính).

Đồng thời, mở rộng thời hạn bảo hiểm theo hướng tối thiểu là 1 năm và tối đa là 3 năm đối với xe máy và tối thiểu là 1 năm và tối đa tương ứng với thời hạn kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe ô tô (hiện nay theo quy định, thời hạn bảo hiểm là 1 năm);

Dự thảo Nghị định cũng tăng cường giám sát hậu kiểm, phòng chống gian lận trong kinh doanh bảo hiểm. Nâng mức trách nhiệm bảo hiểm và xây dựng phí bảo hiểm tương ứng với rủi ro của xe cơ giới (bao gồm xe máy), chủ xe và người lái xe để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp bảo hiểm và bên tham gia bảo hiểm.

Trên cơ sở Nghị định được Chính phủ chấp thuận ban hành, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan, Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam và doanh nghiệp bảo hiểm đánh giá lại mức trách nhiệm bảo hiểm hiện hành để quy định theo hướng nâng mức trách nhiệm bảo hiểm cơ bản cao hơn so với hiện nay nhằm đảm bảo chi phí thực tế về giá dịch vụ khám, điều trị, chăm sóc y tế và chi phí khắc phục thiệt hại đối với tài sản./.

Hồng Quyên

Hồng Quyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam