Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự xe cơ giới: Thêm quyền lợi nhưng tăng trách nhiệm các bên

11:45 | 08/01/2021 Print
(TBTCVN) - Nhằm tăng cường trách nhiệm của bên mua bảo hiểm và góp phần phòng, chống gian lận bảo hiểm, dự thảo Nghị định thay thế nghị định 103/2008/NĐ-CP đã bổ sung hàng loạt quy định mới.

xm

Dự thảo Nghị định yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm tăng cường công tác tuyên truyền hơn nữa về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới.

Điều này sẽ nâng cao vai trò chủ động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong chi trả bồi thường bảo hiểm, kiểm soát, phòng chống gian lận trong kinh doanh bảo hiểm và phát huy vai trò của nhân dân trong giám sát thực hiện bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

Bổ sung nhiều nghĩa vụ đối với doanh nghiệp bảo hiểm

Theo tin từ Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết, dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 103/2008/NĐ-CP quy định doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) có quyền giảm trừ 5% số tiền bồi thường đối với thiệt hại về tài sản trong trường hợp bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm không thông báo tai nạn cho DNBH theo quy định hoặc không thực hiện nghĩa vụ thông báo trường hợp có sự thay đổi những yếu tố làm cơ sở để tính phí bảo hiểm, dẫn đến tăng các rủi ro được bảo hiểm.

Đồng thời, dự thảo Nghị định quy định DNBH được quyền yêu cầu Quỹ bảo hiểm xe cơ giới hoàn trả số tiền mà doanh nghiệp bảo hiểm đã tạm ứng bồi thường đối với các trường hợp thiệt hại không thuộc phạm vi bồi thường và trường hợp khoản tiền tạm ứng vượt mức bồi thường bảo hiểm theo quy định.

Cùng với đó, đại diện Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết thêm, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, đồng thời đảm bảo kiểm soát rủi ro, kiểm soát nội bộ, tăng cường hiệu lực hiệu quả triển khai thực hiện chính sách, bên cạnh việc kế thừa các quy định hiện hành, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung thêm một số quy định về nghĩa vụ của DNBH.

Theo đó, tại Điều 20, dự thảo Nghị định đã quy định, DNBH phải có nghĩa vụ thiết lập, duy trì hoạt động 24 giờ/7 ngày đường dây nóng để kịp thời hỗ trợ bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm. Mặt khác, DNBH phải có nghĩa vụ tích hợp tính năng tra cứu Giấy chứng nhận bảo hiểm trên trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử của DNBH, nhằm hỗ trợ cơ quan có chức năng và bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm tra cứu, xác minh thời hạn và hiệu lực bảo hiểm của Giấy chứng nhận.

Cùng với đó, DNBH có nghĩa vụ, kịp thời hướng dẫn bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm các biện pháp đảm bảo an toàn, đề phòng hạn chế thiệt hại về người và tài sản, hướng dẫn hồ sơ, thủ tục yêu cầu bồi thường bảo hiểm; kịp thời thực hiện việc giám định tổn thất khi nhận được thông báo về tai nạn.

Thanh tra, giám sát chặt để phòng, chống trục lợi

Một điểm mới nữa được dự thảo Nghị định quy định rõ là công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra. Theo đó, định kỳ hàng năm, Bộ Tài chính sẽ tổ chức thanh tra, kiểm tra các DNBH trong đó có nội dung về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Qua công tác thanh tra, kiểm tra sẽ chấn chỉnh, xử lý vi phạm kịp thời nếu phát hiện sai phạm, đồng thời ghi nhận các kiến nghị, phản ánh để tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách. Đại diện Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm chia sẻ thêm, việc giám sát bảo hiểm sẽ được thực hiện thông qua hai hình thức, bao gồm cả giám sát tại chỗ và giám sát từ xa.

Cụ thể, Điều 21, dự thảo Nghị định quy định, DNBH, bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm và các cơ quan chức năng có liên quan có trách nhiệm trong việc phòng, chống gian lận bảo hiểm khi thực hiện bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

Chưa dừng ở đó, Điều 22 dự thảo nêu rõ, phòng, chống gian lận bảo hiểm trong bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là việc thực hiện các biện pháp nhằm ngăn ngừa, hạn chế các hành vi gian lận trong quá trình giao kết, thực hiện hợp đồng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới nhằm chiếm đoạt một số tiền từ DNBH.

Cùng với đó, DNBH còn có trách nhiệm chủ động xây dựng quy trình, quy chế và tổ chức thực hiện các biện pháp nhằm phòng ngừa, phát hiện, giảm thiểu các hành vi gian lận bảo hiểm; tổ chức công tác tuyên truyền phòng, chống gian lận bảo hiểm. Ngược lại, bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm chủ động tham gia vào công tác phòng, chống gian lận bảo hiểm. Trường hợp phát hiện các hành vi gian lận bảo hiểm, kịp thời thông báo cho DNBH và các cơ quan chức năng có thẩm quyền.

“Các cơ quan chức năng có liên quan phối hợp với DNBH, bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm tổ chức công tác phòng, chống gian lận bảo hiểm tại địa bàn, bảo đảm ổn định trật tự xã hội trong quá trình triển khai thực hiện bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới” – dự thảo quy định thêm.

Theo quy định tại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 103/2008/NĐ-CP, các doanh nghiệp bảo hiểm phải tổ chức tuyên truyền rộng rãi về chính sách bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; có trách nhiệm tuyên truyền, hướng dẫn, giải thích để bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm phân biệt rõ giữa loại hình bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới với các loại hình bảo hiểm tự nguyện khác.

Duy Thái

Duy Thái

© Thời báo Tài chính Việt Nam