Đề xuất kéo dài hiệu lực chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp

11:51 | 07/01/2021 Print
Dù còn gặp một số khó khăn phát sinh trên thực tế, tuy nhiên việc triển khai chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp bước đầu đã cho thấy kết quả đáng ghi nhận. Thời gian tới, các đơn vị liên quan sẽ có đề xuất, sửa đổi bổ sung để chính sách này tăng hiệu quả trên thực tiễn.

Đã có đơn bảo hiểm tại Nghệ An và Hà Giang

Triển khai Nghị định 58/2018/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp, thời gian qua, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), cùng các địa phương và đơn vị liên quan, doanh nghiệp bảo hiểm đã chủ động, tích cực triển khai.

Thông tin từ Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, công tác tuyên truyền, hướng dẫn về chính sách đã được các cơ quan quản lý quan tâm triển khai theo chuyên đề hoặc lồng ghép vào các chương trình công tác thường xuyên, đa dạng dưới nhiều hình thức. UBND các tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban ngành tích cực phối hợp với các cơ quan truyền thông địa phương tổ chức công tác tuyên truyền về bảo hiểm nông nghiệp nói chung và chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp nói riêng.

Về hệ thống văn bản, cho đến nay, các cơ quan quản lý nhà nước tại trung ương đã ban hành đầy đủ hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp theo quy định tại Nghị định số 58 và Quyết định số 22. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã cơ bản hoàn thành việc lựa chọn địa bàn được hỗ trợ.

Cùng với đó, Bộ Tài chính và Bộ NN&PTNT đã tích cực trong việc đôn đốc triển khai thực hiện; chủ động giám sát tình hình, thường xuyên tổ chức các đoàn công tác liên ngành làm việc thực tế tại 15/19 địa phương thuộc địa bàn được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp để nắm bắt thực tế, kịp thời giải đáp các vướng mắc về chính sách theo thẩm quyền.

Đồng thời, các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) đã xây dựng và trình Bộ Tài chính phê chuẩn đầy đủ các bộ sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp về các đối tượng bảo hiểm được hỗ trợ phí bảo hiểm, bao gồm cây lúa, vật nuôi (trâu, bò) và thủy sản (tôm sú, tôm thẻ chân trắng). Về cơ bản, các sản phẩm bảo hiểm được xây dựng đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật; lấy nông dân làm trung tâm với các quy định đảm bảo rõ ràng, minh bạch về quyền lợi, trách nhiệm, điều kiện bảo hiểm; mức phí bảo hiểm không chỉ phù hợp với điều kiện, mức trách nhiệm bảo hiểm mà còn đảm bảo phù hợp với khả năng chi trả của người nông dân và đảm bảo khả năng cân đối ngân sách nhà nước.

Theo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, tại các địa phương được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp, theo báo cáo của các địa phương và kết quả làm việc thực tế, cho đến nay UBND các tỉnh về cơ bản đã hoàn thành việc lựa chọn địa bàn được hỗ trợ (18/19 địa phương thuộc danh sách được hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp theo Quyết định số 22); một số địa phương đã hoàn thành phê duyệt đối tượng được hỗ trợ (5/19 địa phương).

bảo hiểm nông nghiệp
Một số hộ nghèo tại Hà Giang đã được hỗ trợ từ chính sách bảo hiểm nông nghiệp.

Còn về phía các DNBH, hiện nay, có 2 DN là Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt (Bảo Việt) và Tổng công ty cổ phần Bảo Minh (Bảo Minh) được Bộ Tài chính phê chuẩn sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp, để thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp. Theo báo cáo của các DNBH này, cho đến nay việc triển khai cấp đơn bảo hiểm nông nghiệp cho các đối tượng được hỗ trợ mới chỉ có kết quả nhất định.

Theo đó, Nghệ An triển khai bảo hiểm cây lúa tại 102 xã (trong tổng số 246 xã của 8 huyện được lựa chọn địa bàn hỗ trợ); tổng số hộ nông dân/tổ chức sản xuất tham gia bảo hiểm: 7.291 (12,6% hộ nghèo, 53,4% hộ cận nghèo, 34% hộ thường); tổng giá trị được bảo hiểm đạt 39,1 tỷ đồng; tổng số phí bảo hiểm đạt 2 tỷ đồng; đang hoàn thiện hồ sơ để chi trả bồi thường cho vụ hè thu.

Tính đến ngày 31/12/2020, Bảo Việt Hà Giang đã triển khai loại hình bảo hiểm vật nuôi cho 3 huyện là Vị Xuyên, Xín Mần và Mèo Vạc. Cụ thể, Bảo Việt Hà Giang đã triển khai được tổng số 3.479 hộ, với 4.791 con, gồm trâu 3.322 con, bò 1.469 con. Với tổng giá trị bảo hiểm lên tới 70 tỷ đồng, phần phí bảo hiểm do ngân sách hỗ trợ là 2,370 tỷ đồng, phí hộ dân tham gia đóng là 264 triệu đồng.

Đề xuất kéo dài hiệu lực của Quyết định 22

Mặc dù đã cho những kết quả bước đầu, tuy nhiên, qua ghi nhận từ thực tiễn, công tác triển khai chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp còn gặp một số khó khăn vướng mắc cần tháo gỡ.

Theo đó, bên cạnh việc cần đẩy mạnh tuyên truyền hơn nữa, thì các chính sách cần được ban hành kịp thời hơn và công tác triển khai cũng cần quyết liệt hơn để chính sách này phát huy hiệu quả hơn nữa trên thực tiễn.

Cùng với đó, tại các buổi làm việc trực tiếp, các địa phương đều có ý kiến đề nghị kéo dài thời gian thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp, theo nội dung Quyết định số 22.

Do đó, việc ban hành quyết định kéo dài thời gian thực hiện hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp theo Quyết định số 22 đến hết ngày 31/12/2021 là hết sức cần thiết, đảm bảo thời gian triển khai nhất định trên thực tế để có thể tổng kết, đánh giá toàn diện, đầy đủ kết quả thực hiện; các khó khăn, vướng mắc và có đề xuất mang tính khả thi, phù hợp cho giai đoạn tiếp theo. Đồng thời, việc kéo dài thời gian này cũng hoàn toàn phù hợp với quy định tại khoản 5 Điều 1 Nghị quyết số 122/2020/QH14 kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV ngày 19/6/2020 của Quốc hội: “Kéo dài thời kỳ ổn định ngân sách nhà nước giai đoạn 2017 - 2020 sang năm 2021”./.

Thái Duy

Thái Duy

© Thời báo Tài chính Việt Nam