Cải cách thủ tục hành chính Bảo hiểm xã hội: Tiết kiệm 10 nghìn tỷ đồng mỗi năm

17:58 | 06/01/2021 Print
(TBTCVN) - Trong năm 2020, ngành Bảo hiểm xã hội đã để lại nhiều dấu ấn trong cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin. Theo thống kê, mỗi năm, hệ thống công nghệ thông tin của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tiết kiệm ít nhất 10.000 tỷ đồng cho ngân sách.

bh

Cán bộ bảo hiểm xã hội hướng dẫn người dân cài ứng dụng VssID.

Số giờ làm thủ tục hành chính còn 129 giờ/năm

Với phương châm lấy người tham gia, thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) làm trung tâm phục vụ, ngành BHXH Việt Nam luôn xác định cải cách thủ tục hành chính (TTHC) là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục, đưa công nghệ thông tin (CNTT) vào các quy trình nghiệp vụ, rút ngắn thời gian giải quyết; thực hiện công khai 27/27 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết trên Cổng thông tin điện tử ngành BHXH Việt Nam và Cổng Dịch vụ công (DVC) quốc gia. Kết quả các TTHC đã tạo thuận lợi, tiết kiệm thời gian, chi phí đối với người dân và doanh nghiệp.

Theo BHXH Việt Nam, bộ TTHC của ngành BHXH đã được cắt giảm từ 114 thủ tục (năm 2015), đến nay còn 27 thủ tục; số giờ thực hiện TTHC cho người dân và doanh nghiệp giảm từ 335 giờ/năm (năm 2015) xuống còn 147 giờ (năm 2019). Hiện tại, BHXH Việt Nam đã hoàn thiện các thủ tục báo cáo Ngân hàng Thế giới để công nhận còn 129 giờ/năm vào kỳ công bố Báo cáo Môi trường kinh doanh tới.

Bên cạnh đó, công tác cải cách hành chính trong nội bộ ngành được đẩy mạnh. Đến nay, toàn bộ văn bản đến của ngành BHXH Việt Nam đều được số hóa, xử lý văn bản qua phần mềm trong phạm vi toàn ngành, thực hiện mục tiêu văn phòng không giấy tờ, tiết kiệm chi phí in ấn, phát hành văn bản. Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong thực thi nhiệm vụ, ngành BHXH Việt Nam luôn đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng cho đội ngũ công chức, viên chức; giữ vững kỷ luật, kỷ cương, quyết liệt chuyển đổi tác phong làm việc từ hành chính sang phục vụ trong toàn ngành.

Nhận định về công tác cải cách hành chính, ứng dụng CNTT của ngành, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định, BHXH Việt Nam là đơn vị thực hiện đổi mới bộ máy hệ thống cải cách hành chính, hiện đại hóa bộ máy hành chính, trực tiếp tinh giản bộ máy, phân công trách nhiệm rõ ràng và quan trọng là mạnh dạn tin học hóa thực sự. “Ai cũng nói về CNTT, về 4.0, ra rất nhiều kế hoạch, nhưng quan trọng nhất là làm gì cũng phải đặt ra yêu cầu thiết thực và phải làm thật, thì BHXH Việt Nam có thể tự hào là một trong các cơ quan của Chính phủ làm việc này một cách hiệu quả và thiết thực nhất. Mỗi năm, hệ thống CNTT của BHXH Việt Nam đã tiết kiệm ít nhất 10.000 tỷ đồng cho ngân sách”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Cung cấp 100% dịch vụ công ở mức độ 4

Liên quan đến kết quả ứng dụng CNTT nổi bật của ngành BHXH năm 2020, ông Lê Nguyên Bồng, Giám đốc Trung tâm CNTT, BHXH Việt Nam cho biết, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã chủ động, tích cực triển khai có hiệu quả các DVC trực tuyến; được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao, được người dân và đơn vị sử dụng lao động ghi nhận và ủng hộ.

Hết năm 2020, BHXH Việt Nam đã hoàn thành việc cung cấp 100% các DVC mức độ 4 cho các TTHC của ngành. Sự kiện này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đem lại nhiều tiện ích cho người dân, doanh nghiệp. Chỉ cần có máy tính hoặc điện thoại thông minh kết nối mạng Internet là có thể thực hiện các DVC của ngành BHXH Việt Nam ở bất cứ đâu, bất kỳ khi nào. Tổ chức, cá nhân có thể thông qua 11 nhà cung cấp dịch vụ kê khai giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH (I-VAN) hoặc thực hiện thao tác trực tiếp trên Cổng Giao dịch điện tử của ngành BHXH Việt Nam tại đỉa chỉ: https://dichvucong.baohiemxahoi.gov.vn; giúp cắt giảm thời gian, chi phí của người dân, doanh nghiệp trong các giao dịch với cơ quan BHXH. Trong năm 2020, toàn ngành đã tiếp nhận và giải quyết hơn 81 triệu hồ sơ giao dịch điện tử.

Cũng trong năm 2020, ngành BHXH đã triển khai kết nối, tích hợp cung cấp 15 DVC của ngành và DVC liên thông trên Cổng DVC quốc gia: 10 DVC theo danh mục DVC tích hợp; 3 DVC về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; 1 dịch vụ thanh toán trực tuyến đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BH thất nghiệp; 1 thủ tục liên thông với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký, điều chỉnh đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, BH tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp và báo cáo tình hình sử dụng lao động. Ông Lê Nguyên Bồng cho biết, dự kiến trong quý I/2021, BHXH Việt Nam sẽ hoàn thành việc cung cấp, liên thông 100% DVC mức độ 4 của ngành trên Cổng DVC quốc gia.

Một dấu ấn nổi bật khác trong cải cách hành chính, ứng dụng CNTT của ngành BHXH trong năm 2020 là việc công bố và đưa vào thực hiện ứng dụng “VssID – BHXH số”. Qua đó cung cấp các chức năng, tiện ích để tìm kiếm, tra cứu các thông tin đóng, hưởng BHXH, BHYT; lịch sử thụ hưởng các chế độ, chính sách BHXH, BHYT; cơ sở khám chữa bệnh BHYT; các điểm thu, đại lý thu... Hiện ngành đã triển khai thí điểm việc sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID thay thế cho thẻ BHYT bằng giấy (bị hỏng, mất do bão lũ) để đi khám chữa bệnh tại 10 tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên bị ảnh hưởng, thiệt hại bởi bão lũ.

Trong thời gian tới, ngành sẽ thực hiện tích hợp, cung cấp các DVC, dịch vụ thanh toán trực tuyến dành cho cá nhân trên ứng dụng VssID, nhằm đảm bảo người dân có thể giao dịch với cơ quan BHXH tại bất cứ đâu và bất kỳ lúc nào.

Triển khai ứng dụng VssID tại các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên

Theo số liệu thống kê, tính đến 23/12/2020, đã có hơn 272 nghìn lượt tải và cài đặt ứng dụng VssID trên 2 kho ứng dụng Google Play và AppStore; 127.821 lượt đăng ký tài khoản giao dịch điện tử với cơ quan bảo hiểm xã hội (đã phê duyệt 62.791 trường hợp). Tính riêng trong ngành, có 18.276 trường hợp đăng ký tài khoản, số hồ sơ hợp lệ được duyệt là 17.004 trường hợp (chiếm 93% số hồ đăng ký).

Hiện tại, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã triển khai thí điểm việc sử dụng hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID thay thế cho thẻ bảo hiểm y tế bằng giấy (bị hỏng, mất do bão lũ) để đi khám chữa bệnh tại 10 tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên bị ảnh hưởng, thiệt hại bởi bão lũ.

Mai Lâm

Mai Lâm

© Thời báo Tài chính Việt Nam