VDB chú trọng tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu

09:56 | 15/12/2020 Print
Sau giai đoạn đầu thực hiện chính sách tín dụng đầu tư của nhà nước, do cơ chế chính sách chưa được hoàn thiện khiến hoạt động của VDB gặp nhiều khó khăn. Theo đó, VDB đang tập trung cơ cấu toàn diện về tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động, xử lý quyết liệt nợ xấu…

Cụ thể hóa nhiều chủ trương, chính sách của nhà nước

Kể từ khi thành lập và đi vào hoạt động, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) có chức năng, nhiệm vụ huy động, tiếp nhận vốn của các tổ chức trong và ngoài nước để thực hiện tín dụng đầu tư phát triển và tín dụng xuất khẩu theo quy định của Chính phủ.

cao-tốc-hà-nội-hải-phòng-2.jpg
Một góc đường Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sử dụng nguồn vốn cấp từ ngân hàng VDB.

Ngân hàng nhận uỷ thác quản lý nguồn vốn ODA được Chính phủ cho vay lại; nhận uỷ thác, cấp phát cho vay đầu tư và thu hồi nợ của khách hàng từ các tổ chức trong và ngoài nước thông qua hợp đồng nhận uỷ thác giữa VDB với các tổ chức uỷ thác. Uỷ thác cho các tổ chức tài chính, tín dụng thực hiện nghiệp vụ tín dụng của VDB. Cung cấp các dịch vụ thanh toán cho khách hàng và tham gia hệ thống thanh toán trong nước và quốc tế phục vụ các hoạt động của VDB theo quy định của pháp luật. Thực hiện nhiệm vụ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tín dụng đầu tư phát triển và tín dụng xuất khẩu và một số nhiệm vụ khác được Thủ tướng chính phủ giao.

Bên cạnh đó, VDB cũng được Thủ tướng Chính phủ giao quản lý huy động vốn và đầu tư dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; quản lý cho vay có hiệu quả các nguồn vốn theo chương trình: Kiên cố hóa kênh mương; giao thông nông thôn; tôn nền vượt lũ; quản lý vốn ủy thác từ các Quỹ Đầu tư phát triển của các địa phương; huy động ủy thác cho các địa phương… Các hoạt động này đã có ý nghĩa quan trọng hỗ trợ các địa phương có nguồn vốn đầu tư phát triển theo chiến lược, kế hoạch phát triển của mình; qua đó tăng cường uy tín, vai trò của VDB đối với các địa phương, tạo điều kiện hơn cho sự phát triển của hệ thống VDB nói chung và các chi nhánh VDB nói riêng trên địa bàn.

Từ việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao, nguồn vốn tín dụng cho đầu tư phát triển thông qua VDB đã phát huy tác dụng đối với những ngành, nghề mũi nhọn của nền kinh tế, góp phần nâng cao hiệu của đầu tư, chuyển dịch kinh tế theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa.

Tuy nhiên, sau giai đoạn đầu thực hiện chính sách tín dụng đầu tư của nhà nước, hoạt động của VDB gặp nhiều khó khăn về cơ chế chính sách chưa được hoàn thiện, dần giảm bớt tính ưu đãi; đối tượng vay vốn dần thu hẹp về lĩnh vực, ngành nghề; lãi suất ưu đãi chưa thuyết phục nhà đầu tư; mô hình tổ chức bộ máy chậm được hoàn thiện… đòi hỏi cấp thiết phải có chiến lược lâu dài, đồng thời với cơ cấu lại hoạt động và sớm được xử lý các tồn tại hiện hữu.

Cụ thể, ngày 28/2/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 369/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Chiến lược phát triển VDB đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030. Theo định hướng đó, VDB tiếp tục được củng cố và phát triển với vai trò là một Ngân hàng Chính sách của Chính phủ, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận theo hướng bền vững, đảm bảo thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng đầu tư của nhà nước (TDĐT). Tại Quyết định này, Thủ tướng Chính phủ cũng đã định hướng rõ hoạt động VDB, trong đó nhấn mạnh định hướng về đối tượng phục vụ, về chi tiêu an toàn tài chính, về công tác quản trị ngân hàng và tái cơ cấu lại hoạt động ngân hàng.

Tiếp đó, ngày 3/9/2015 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1515/QĐ-TTg ban hành điều lệ tổ chức và hoạt động của VDB; ngày 31/3/2017 Chính phủ ban hành Nghị định số 32/2017/NĐ-CP về tín dụng đầu tư của Nhà nước... và ngày 31/7/2019 ban hành Quyết định số 48/QĐ-TTg phê duyệt "Đề án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của VDB giai đoạn 2019 - 2021".

Sau hơn 6 năm triển khai Quyết định số 369/QĐ-TTg, VDB đã từng bước chuyển đổi, hệ thống văn bản quản trị nội bộ cũng được rà soát, sửa đổi và xây dựng mới tương đối phù hợp, đáp ứng được yêu cầu thực tế; công tác thu hồi xử lý nợ được tăng cường nhằm giảm dần tỷ lệ nợ xấu, nợ quá hạn theo định hướng được duyệt; cơ chế quản lý tài chính và thanh toán tập chung góp phần nâng cao an toàn cho hệ thống, tạo điều kiện mở rộng hoạt động và tăng cường quản trị rủi ro...

Kết quả quá trình cơ cấu lại tổ chức, hoạt động

Thực hiện đề án “Cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của VDB giai đoạn 2019 - 2021”, VDB tập trung cơ cấu toàn diện về tổ chức, bộ máy, biên chế, quản trị, cơ chế hoạt động, tình hình tài chính, xử lý quyết liệt nợ xấu; khắc phục cơ bản những hạn chế, yếu kém. Xây dựng phương án sắp xếp bộ máy tại trụ sở chính và các chi nhánh theo hướng tổ chức lại bộ máy quản trị tinh gọn, chuyên nghiệp và hiệu quả, phù hợp với các đặc điểm hoạt động; điều chỉnh, sửa đổi quy định về công tác cán bộ, đào tạo cán bộ; rà soát hoàn chỉnh các quy trình quản trị nội bộ, quy chế làm việc, khen thưởng kỷ luật; xây dựng thang bảng lương phù hợp với đặc thù và điều kiện thực tế.

điện gió bạc liêu
Dự án điện gió Bạc Liêu do VDB cấp vốn.

Năm 2020, VDB thực hiện tổ chức, sắp xếp lại đối với 18 chi nhánh, sở giao dịch; tại trụ sở chính sẽ còn 15 đầu mối; đến hết năm 2020, số lao động của VDB giảm tối thiểu 250 người so với số lao động tại thời điểm ngày 31/12/2018.

Đến 31/10/2020, VDB đã thực hiện giải thể Văn phòng đại diện tại TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm Đào tạo Nha Trang, sáp nhập Chi nhánh VDB Đồng Nai vào Sở Giao dịch II; hợp nhất Chi nhánh VDB Phú Yên và Chi nhánh VDB Khánh Hòa - Ninh Thuận thành Chi nhánh VDB Khu vực Nam Trung Bộ... Đối với các đơn vị tại trụ sở chính đã thực hiện tổ chức, sắp xếp lại còn 15 đầu mối theo kế hoạch.

Về cơ cấu lại các hoạt động nghiệp vụ, VDB đã dừng các hoạt động tín dụng xuất khẩu, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư, bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp vừa và nhỏ và chương trình cho vay với lãi suất 0% theo quy định của cấp có thẩm quyền; tập trung các hoạt động chính là tín dụng đầu tư và quản lý nguồn vốn ODA được Chính phủ ủy thác; quyết liệt đôn đốc thu hồi nợ và xử lý nợ xấu, quản lý, giám sát vốn vay, tài sản đảm bảo chặt chẽ; nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm toán nội bộ, đảm bảo tính tuân thủ trong hoạt động tín dụng, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh; xây dựng và triển khai phương án sắp xếp các cơ sở nhà đất không có nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả; xây dựng phương án cơ cấu lại danh mục nợ trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh.

VDB đã chủ động, tích cực phối hợp và làm việc với các bộ, ngành liên quan đề nghị cân đối, bố trí đầy đủ, đúng hạn vốn ngân sách nhà nước để thanh toán các khoản phí quản lý và cấp bù chênh lệch lãi suất cho VDB; hoàn thiện, ban hành đồng bộ, đầy đủ hệ thống các văn bản hướng dẫn quy trình, quy chế về tổ chức bộ máy, hoạt động nghiệp vụ tín dụng, quản trị nội bộ, tiếp cận chuẩn mực của các tổ chức tín dụng thương mại; xây dựng lộ trình và giải pháp đầu tư, hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin, ứng dụng các phần mềm hiện đại trong quản lý hoạt động tín dụng, quản lý, giám sát vốn vay, quản trị rủi ro, quản trị nội bộ.

Trong thời gian tới, VDB tiếp tục sắp xếp lại tổ chức bộ máy và nhân sự tại trụ sở chính, các chi nhánh, sở giao dịch, đồng thời ban hành các quy định nâng cao hiệu quả quản trị, điều hành và kiểm soát nội bộ phù hợp với các văn bản pháp lý đã được hoàn thiện và mô hình tổ chức hoạt động của VDB hiện nay.

Cùng với quá trình cơ cấu lại tổ chức và hoạt động ngân hàng, vấn đề đổi mới mô hình, phương thức hoạt động cũng phải đảm bảo phù hợp và đáp ứng các yêu cầu mang tính đặc thù của ngân hàng chính sách, vừa phải củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động. Triển khai thực hiện Chiến lược phát triển và tái cơ cấu hoạt động với mục tiêu xây dựng VDB là ngân hàng chính sách của Chính phủ, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả, từng bước lành mạnh hóa và nâng cao năng lực tài chính, giảm cấp bù từ ngân sách nhà nước./.

Bài và ảnh: Tuấn Hải

Bài và ảnh: Tuấn Hải

© Thời báo Tài chính Việt Nam