Nút thắt nào đang cản trở doanh nghiệp tư nhân tiếp cận vốn tín dụng?

17:04 | 26/07/2017 Print
Việc tiếp cận vốn tín dụng của DN tư nhân vẫn gặp rất nhiều khó khăn về điều kiện vay vốn, tài sản thế chấp và báo cáo tài chính...

Tháo gỡ

Tọa đàm trực tuyến “Tháo gỡ nút thắt trong tiếp cận vốn tín dụng của các doanh nghiệp tư nhân". Ảnh: NNK

Đó là nhận định của các chuyên gia tại buổi tọa đàm trực tuyến “Tháo gỡ nút thắt trong tiếp cận vốn tín dụng của các doanh nghiệp tư nhân”, do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức ngày 26/7/2017, với sự tham gia Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), Hiệp hội DNNVV Việt Nam và các chuyên gia kinh tế.

Ngân hàng thiếu niềm tin ở doanh nghiệp

Mặc dù thời gian qua, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng cũng đã có nhiều biện pháp nhằm tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân, trong đó có DN tư nhân, hộ gia đình cá thể thuộc mọi thành phần kinh tế được bình đẳng, thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, thực tiễn, việc tiếp cận vốn tín dụng của doanh DN tư nhân vẫn còn gặp nhiều khó khăn, khoảng 70% doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) không tiếp cận được vốn.

Tại buổi tọa đàm, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam đánh giá, ngân hàng không thiếu vốn mà có lẽ thiếu niềm tin đối với các DN. Nghịch lý ở chỗ tỷ lệ nợ xấu của DN tư nhân trong đó DNNVV lại thấp hơn DN lớn, nhưng các doanh nghiệp quy mô nhỏ khó vay vốn ngân hàng hơn nhiều so với các DN lớn. Ngân hàng muốn cho một DN lớn vay ngàn tỷ hơn là dùng số tiền ấy cho hàng trăm DN nhỏ vay. Đây là nghịch lý từ sự thiếu niềm tin.

"Ở góc độ đại diện cho DN, chúng tôi tìm ra nguyên nhân căn cơ là phía DN có một số hạn chế khiến phần lớn DNNVV chưa tiếp cận được nguồn vốn. Thứ nhất là các DN nhỏ và vừa trong nước khó chứng minh hiệu qủa kinh doanh và báo cáo tài chính minh bạch để thuyết phục các ngân hàng thương mại cho vay tiền. Thứ hai, phương án kinh doanh của các DN nhỏ và vừa cũng không có sức thuyết phục cao, vốn đối ứng khi tham gia dự án ở mức thấp, giá trị tài sản thế chấp cũng thấp, độ tin cậy không cao như các DN lớn. Thứ ba, bản thân DN có vốn tự có, hơn nữa lại là DN nhỏ chưa có chiến lược đầu tư dài hạn thì các DN đó tự thỏa mãn bằng nguồn vốn tự có của chính mình như hộ gia đình. Đó là những lý do chủ yếu khiến DN khó tiếp cận vốn ngân hàng", ông Nam nêu rõ.

Đồng thời, "các ngân hàng thương mại quá thận trọng dẫn đến không dám có một chính sách đột phá trong vấn đề cho vay vốn tín dụng", ông Nam cho biết thêm.

DN phải tự nâng cao năng lực, minh bạch báo cáo tài chính

Theo ông Nam, để tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận vốn, trước hết các DN phải tự nâng cao năng lực, minh bạch báo cáo tài chính. Về phía ngân hàng, chính sách cũng đã có, vấn đề là phải hành động, phải thay đổi tư duy quá thận trọng, tạo đột phá ở khâu tài sản đảm bảo, tín chấp... Các ngân hàng phải thiết kế lại các điều kiện cho DN vay, các cán bộ ngân hàng phải "chịu khó" hơn, quan tâm hơn nữa tới các DN ở khối tư nhân.

Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng, rõ ràng tổng dư nợ cho vay DN rất tốt nhưng tổng dư nợ của bộ phận DNNVV không tương xứng, điều này cho thấy sân chơi dành cho khu vực DNNVV chưa cân bằng.

Vì vậy, theo ông Phong, để tạo sân chơi cân bằng cho các DNNVV, cần có cách tiếp cận mới để tháo gỡ những nút thắt nêu trên.

Theo đó, các DN phải thực hiện tốt việc cho vay theo chuỗi liên kết. Như vậy các DN sẽ tiếp cận được nguồn vốn tốt hơn. Cùng với đó, các DN cũng nên mạnh dạn liên kết với nhau mới đủ sức đáp ứng các yêu cầu cho vay của ngân hàng, đồng thời để tăng độ tin cậy cho vay và quyền vay. Nếu các DNNVV không chịu liên kết thì sẽ làm yếu đi quá trình tiếp cận nguồn vốn của mình.

Bên cạnh đó, DN phải tự huy động vốn thông qua vốn tự có, người thân và đặc biệt thông qua thị trường chứng khoán. Trong thời gian tới nên khuyến khích DN tự tìm kiếm nguồn vốn với giá rẻ hơn và giảm bớt sức ép thanh toán, đòi nợ cho ngân hàng.

Ngoài ra, các quỹ như Quỹ Phát triển DNVVN, Quỹ Hỗ trợ DNNVV…cũng nên thay đổi các điều kiện và cách làm của mình để hợp lực giúp các DNNVV tiếp cận các nguồn vốn. Cuối cùng, các ngân hàng cũng phải có sự điều chỉnh, quan tâm khối DN tư nhân hơn, tất cả những điều đó khi được làm tốt cùng với sự “kiến tạo” của các địa phương sẽ giúp DNNVV cải thiện trong vấn đề tiếp cận vốn./.

Theo ông Trần Văn Tần, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN, đến nay dư nợ tín dụng đối với DNNVV đã đạt gần 1,3 triệu tỷ đồng, chiếm gần 22% dư nợ tín dụng đối với dư nợ kinh tế và tăng 6,5% so với cuối năm 2016, với gần 200 nghìn khách hàng đang còn dư nợ tại các tổ chức tín dụng.

Phúc Nguyên

Phúc Nguyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam