Hơn 62% thị phần bảo hiểm phi nhân thọ trong tay 5 ‘ông lớn’

12:22 | 24/02/2016 Print
Báo cáo số liệu mới nhất từ Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính cho thấy, kết thúc năm 2015, thị phần thị trường bảo hiểm phi nhân thọ không có sự xáo trộn nhiều, 62,79% thị phần vẫn nằm trong 5 tay “ông lớn” quen thuộc, 24 DN còn lại và 1 chi nhánh chỉ chiếm 37,21% thị phần.

PVI tiếp tục dẫn đầu, PTI vượt qua PJICO

Theo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (QLBH), kết thúc năm 2015, tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc của thị trường phi nhân thọ ước đạt 32.038 tỷ đồng, tăng 17,18% so với cùng kỳ.

Vị trí của các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) phi nhân thọ không có sự xáo trộn nhiều, Bảo hiểm PVI tiếp tục với vị trí dẫn đầu thị trường phi nhân thọ, với doanh thu phí gốc đạt 6.675 tỷ đồng, tăng 16,66% so với cùng kỳ, chiếm 20,84% thị phần.

Vị trí thứ hai tiếp tục thuộc về Bảo hiểm Bảo Việt, với doanh thu ước đạt 5.934 tỷ đồng, tăng 4,97% so với cùng kỳ, chiếm 18,52% thị phần; Bảo Minh đứng thứ ba với doanh thu ước đạt 2.845 tỷ đồng, tăng 9,46% so với cùng kỳ, chiếm 8,88% thị phần.

Bảo hiểm PTI chính thức bứt phá, vượt qua Bảo hiểm PJICO giữ vị trí thứ 4 (năm 2014, PTI đứng vị trí thứ 5), với doanh thu ước đạt 2.432 tỷ đồng, tăng 41,5% so với cùng kỳ, chiếm 7,59% thị phần. Bảo hiểm PJICO, lùi một bậc từ vị trí thứ 4 năm 2014 xuống vị trí thứ 5 năm 2015, với doanh thu ước đạt 2.231 tỷ đồng, tăng 5,07% so với cùng kỳ, chiếm 6,96% thị phần.

Theo đó, 62,79% thị phần bảo hiểm phi nhân thọ vẫn nằm trong 5 tay “ông lớn” quen thuộc, 24 DN còn lại và 1 chi nhánh DNBH phi nhân thọ nước ngoài tại Việt Nam chỉ chiếm 37,21% thị phần.

thị trường bảo hiểm phi nhân thọ 2015
Thị phần của DNBH phi nhân thọ theo doanh thu phí bảo hiểm gốc năm 2015. Nguồn Cục QLBH

Xét theo nghiệp vụ, bảo hiểm xe cơ giới chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu, với 9.637 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 30,08%, tiếp theo là bảo hiểm sức khỏe đạt doanh thu 7.643 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 23,85%, bảo hiểm tài sản và bảo hiểm thiệt hại đạt doanh thu 5.915 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 18,46%...

Cũng theo Cục QLBH, số tiền thực bồi thường bảo hiểm gốc của bảo hiểm phi nhân thọ năm 2015 ước khoảng 13.579 tỷ đồng, tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc là 42,38% cao hơn tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc cùng kỳ năm 2014 (39,37%).

Tăng cường năng lực cạnh tranh lành mạnh, phòng chống trục lợi

Cục QLBH cũng cho biết, năm 2015 tổng tài sản của các DNBH phi nhân thọ ước đạt 61.499 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ. Tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế của các DNBH phi nhân thọ ước đạt 31.306 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ.

Đặc biệt, tổng dự phòng nghiệp vụ của các DNBH phi nhân thọ ước đạt 18.078 tỷ đồng, tăng 35,8% so với cùng kỳ; tổng vốn chủ sở hữu ước đạt 21.533 tỷ đồng, tăng 17,03% so với năm cùng kỳ.

Nhìn lại năm 2015, lãnh đạo cơ quan quản lý về bảo hiểm chia sẻ, thị trường bảo hiểm nói chung và thị trường bảo hiểm phi nhân thọ nói riêng đã vượt qua những khó khăn nhất định, nỗ lực hoàn thành mục tiêu đề ra, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành các mục tiêu Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam giai đoạn 2011-2015.

Tuy nhiên, lãnh đạo cơ quan quản lý về bảo hiểm cũng thừa nhận, quản trị tài chính của một số DNBH phi nhân thọ vẫn phi tập trung, phân cấp cho các chi nhánh dẫn đến hiệu quả quản lý tài sản, chi phí kinh doanh thấp. Qua đó dẫn đến việc tuân thủ pháp luật còn chưa cao; hoạt động kinh doanh vẫn còn chạy theo mục tiêu doanh thu trước mắt…

Để thị trường phát triển bền vững trong năm 2016, lãnh đạo cơ quan quản lý về bảo hiểm yêu cầu các DNBH phi nhân thọ tăng cường hợp tác và chia sẻ thông tin nhằm hạn chế việc nhận bảo hiểm những dịch vụ xấu, giảm hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh giữa các DNBH như giảm phí, mở rộng điều kiện, điều khoản, tăng chi phí..., phát hiện và ngăn ngừa các hành vi trục lợi bảo hiểm.

“Các DNBH cần xây dựng cơ sở dữ liệu tính phí tối thiểu, phí nghiệp vụ, tạo mặt bằng về mức phí sàn, góp phần lành mạnh hóa môi trường cạnh tranh trên thị trường. Trước mắt, áp dụng cho 2 nghiệp vụ chiếm tỷ trọng lớn là bảo hiểm sức khỏe và xe cơ giới. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý đề xuất xây dựng các cơ chế hỗ trợ tư pháp, hỗ trợ phòng chống trục lợi, giải quyết tranh chấp, khiếu nại và cạnh tranh không lành mạnh, nhằm đảm bảo thị trường phát triển bền vững”, lãnh đạo Cục QLBH đề xuất./.

Hồng Chi

Hồng Chi

© Thời báo Tài chính Việt Nam