Vốn cho bất động sản đang được khơi thông

17:56 | 15/12/2015 Print
Từ đầu tháng 12 đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã liên tục có các văn bản chỉ đạo, Thông tư hướng dẫn các ngân hàng triển khai các chính sách tín dụng cho lĩnh vực bất động sản. Đây là một tín hiệu cho thấy dòng vốn cho bất động sản có thể được khơi thông trong thời gian tới.

Nhà ở

Ảnh minh họa

Khẩn trương triển khai bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai

Đầu tháng 12, NHNN đã có văn bản số 9233 yêu cầu các ngân hàng khẩn trương thực hiện Thông tư 07 về nội dung bảo lãnh ngân hàng. Cụ thể, các ngân hàng đã được cho phép thực hiện bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải sớm ban hành các quy định nội bộ hướng dẫn thống nhất trong hệ thống để triển khai thực hiện bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai theo quy định tại Luật kinh doanh bất động sản và Thông tư 07.

Các ngân hàng phải chủ động xây dựng quy trình cấp bảo lãnh, hướng dẫn về hồ sơ, thủ tục bảo lãnh cho các DN có nhu cầu được bảo lãnh để bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai. Đồng thời, NHNN cũng công bố hướng dẫn cụ thể về những vấn đề chưa rõ của Thông tư 07.

Một tuần sau đó, ngày 9/12, NHNN đã ban hành cùng lúc 2 Thông tư liên quan đến chính sách tín dụng cho nhà ở. Đó là Thông tư 25 hướng dẫn cho vay vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội với các nội dung chính về các đối tượng được vay vốn, nguyên tắc cho vay, mức cho vay, thời hạn và lãi suất vay.

Theo đó, đối tượng được vay vốn là các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân theo quy định tại Nghị định 100 của Chính phủ. Lãi suất cho vay ưu đãi do NHNN xác định và công báo trong từng thời kỳ, hoặc do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của NHNN trong từng thời kỳ.

Thông tư cũng quy định thời hạn tối thiểu và tối đa đối với từng lĩnh vực cho vay. Trường hợp khách hàng có nhu cầu vay thời hạn ngắn hơn mức quy định nêu trên thì được thỏa thuận với ngân hàng cho vay về thời hạn cụ thể.

Tiếp đó là Thông tư số 26 hướng dẫn trình tự, thủ tục thế chấp và giải chấp tài sản là dự án đầu tư xây dựng nhà ở, nhà ở hình thành trong tương lai. Thông tư này hướng dẫn trình tự, thủ tục thế chấp và giải chấp tại các ngân hàng với các tài sản là: Dự án đầu tư xây dựng nhà ở, nhà ở hình thành trong tương lai của chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở; Nhà ở hình thành trong tương lai của tổ chức, cá nhân mua nhà ở hình thành trong tương lai trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở; Nhà ở hình thành trong tương lai được xây dựng trên thửa đất ở hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Cả hai Thông tư đều có hiệu lực ngay sau khi ban hành là từ ngày 10/12/2015.

Việt Nam cần 374.000 nhà ở mỗi năm

Theo đánh giá mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB), nhà ở giá hợp lý sẽ là công cụ giúp Việt Nam đạt được mục tiêu nâng cao năng suất lao động và tăng trưởng rộng khắp ở khu vực đô thị, giúp đất nước duy trì được tốc độ tăng trưởng cao. Do đó, đây chính là thời điểm tốt để chính phủ củng cố và tái tập trung nỗ lực vào lĩnh vực nhà ở.

Tỷ lệ dân số đô thị của Việt Nam dự kiến sẽ đạt 50% vào năm 2040. Theo đó ước tính sẽ cần thêm khoảng 374.000 đơn vị nhà ở tại các thành phố mỗi năm để đáp ứng nhu cầu. Mặc dù tăng trưởng về kinh tế, chất lượng nhà ở của Việt Nam vẫn còn rất thấp, báo cáo của WB nhận định.

Để thúc đẩy vai trò tích cực của khu vực tư nhân trong việc tạo nguồn cung nhà ở và thực hiện lộ trình để có nhà ở giá hợp lý tại Việt Nam, khuyến nghị đầu tiên được WB đưa ra là gia tăng và tái định hướng chi tiêu chính phủ trong lĩnh vực nhà ở. Trong đó, tập trung vào các chương trình hỗ trợ và hướng tới hai nhóm thu nhập thấp nhất, các thành phố có tăng trưởng cao, nơi nhu cầu về nhà ở là cấp thiết nhất.

Thứ hai là xây dựng Chương trình Nhà ở giá hợp lý quốc gia, nhằm làm phương tiện để thực hiện Luật Nhà ở năm 2015 và đưa ra những can thiệp của chính phủ trong lĩnh vực nhà ở. Chương trình này sẽ bao gồm các sáng kiến để tăng cường khả năng tiếp cận tài chính nhà ở, kích thích nguồn cung nhà cho thuê giá hợp lý và thúc đẩy thực hiện xây dựng nhà ở cơ bản để hỗ trợ khu vực nhà ở tự xây dựng.

Theo ngân hàng HSBC, sự cải thiện về tín dụng cùng với những thay đổi trong quy định về sở hữu nước ngoài đã châm ngòi cho sự hồi sinh của thị trường bất động sản, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng... Cho đến nay, tín dụng cho với lĩnh vực bất động sản hồi phục còn khá nhẹ và không giống với thời kỳ đầu cơ thái quá dẫn đến sự sụp đổ của thị trường bất động sản trước đây. "Thực tế, cảm nhận của chúng tôi là Chính phủ và NHNN đang tích cực hồi phục thị trường bất động sản bởi vì giá nhà cửa phục hồi sẽ thúc đẩy giá trị ký quỹ của các ngân hàng và giúp lĩnh vực ngân hàng thoát khỏi vấn đề nợ xấu đang tồn tại", báo cáo của HSBC cho biết.

H.Y

H.Y

© Thời báo Tài chính Việt Nam