Mua ngân hàng yếu kém: Cần thiết chế pháp lý bảo vệ cổ đông nhỏ

09:18 | 27/10/2015 Print
Việc mua bắt buộc cổ phần của một số ngân hàng yếu kém là giải pháp phù hợp, có cơ sở pháp lý. Tuy nhiên, để đạt sự đồng thuận cao, cần xem xét làm rõ những vấn đề còn nhiều ý kiến băn khoăn như quyền lợi của cổ đông thiểu số, trách nhiệm của Bảo hiểm tiền gửi (BHTG)...

TCC

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại buổi toạ đàm.

Đây là một vấn đề được nêu ra tại cuộc toạ đàm “Nhu cầu hoàn thiện pháp luật nhằm thúc đẩy tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, xử lý nợ xấu và đáp ứng yêu cầu hội nhập” tổ chức tối ngày 26/10 do Viện Nghiên cứu lập pháp – Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức.

Mua ngân hàng yếu kém là giải pháp phù hợp

Tại cuộc hội thảo, nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia đã có những đánh giá về kết quả tích cực của quá trình tái cơ cấu ngân hàng thời gian qua, đồng thời đề xuất những giải pháp để tiếp tục thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thời gian tới, đặc biệt là về tạo hành lang pháp lý minh bạch, thông thoáng, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Theo TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp, quá trình triển khai đề án tái cơ cấu ngân hàng thời gian qua đã đảm bảo đúng lộ trình và đạt nhiều kết quả quan trọng. Trong đó nổi bật là đảm bảo tính thanh khoản của hệ thống, không để xảy ra đổ vỡ, mất an toàn trong hệ thống, nợ xấu được xử lý và đã giảm dần về mức mục tiêu, sắp xếp các ngân hàng yếu kém, đặc biệt là việc mua lại 3 ngân hàng yếu kém.

Đánh giá cao những nỗ lực của ngành ngân hàng, bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, việc mua bắt buộc cổ phần của một số ngân hàng yếu kém là giải pháp tích cực, phù hợp với thực tiễn, đảm bảo các yêu cầu đặt ra trong quá trình tái cơ cấu là đảm bảo an toàn hệ thống, đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền, đảm bảo công bằng với các bên tham gia sở hữu….

Trách nhiệm của BHTG trong tái cơ cấu ngân hàng

Tuy nhiên, để tạo sự đồng thuận cao trong xã hội về các giải pháp đặc biệt này, cơ quan quản lý cần phải xem xét, giải đáp rõ ràng về những vấn đề còn nhiều ý kiến băn khoăn như bảo vệ quyền lợi của cổ đông thiểu số, trách nhiệm của BHTG, vấn đề phá sản của các tổ chức tín dụng (TCTD)…

Trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua lại cổ phần của các TCTD yếu kém, có ý kiến cho rằng TCTD là công ty không niêm yết, việc TCTD đó kiểm soát nội bộ, kiểm toán không đầy đủ, kỷ luật công bố thông tin không nghiêm, để đến khi NHNN tuyên bố TCTD lỗ lớn và giá trị đầu tư của cổ đông không còn gì thì cổ đông nhỏ lẻ mới biết. “Đây là vấn đề cần nghiên cứu để xây dựng thiết chế pháp lý nhằm bảo vệ quyền lợi của cổ đông thiểu số nói chung và tăng cường vai trò quản lý của NHNN theo hướng có chế tài đủ sức răn đe, buộc các TCTD phải quản trị thực chất theo quy định”, bà Lê Thị Nga đề nghị.

Đề cập đến trách nhiệm của BHTG, ý kiến của các chuyên gia cho thấy, trong thực tiễn hoạt động tín dụng ngân hàng của nhiều nước trên thế giới thì BHTG đóng vai trò quan trọng với nhiệm vụ chính là bảo vệ hệ thống thanh toán của một quốc gia khi ngân hàng trung ương không chống đỡ nổi một cuộc rút tiền hàng loạt. Bên cạnh đó, nó còn có vai trò dàn xếp quá trình phá sản/thanh lý/tái cấu trúc các ngân hàng thương mại.

Theo quy định của Luật BHTG năm 2012, ngoài mục đích “bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền”, thì BHTG còn có trách nhiệm “phát hiện và kiến nghị NHNN xử lý kịp thời những vi phạm về an toàn hoạt động ngân hàng, rủi ro gây mất an toàn hệ thống… tham gia quản lý, thanh lý tài sản của tổ chức tham gia BHTG”…

Với những quy định về thẩm quyền khá lớn như vậy của BHTG, không thể không nói đến vai trò của BHTG Việt Nam. “Kể từ khi có luật đến nay, BHTG đã làm được gì, kết quả có tương xứng với phần ngân sách đã cấp hay không? Theo luật, vốn điều lệ của BHTG là do Nhà nước cấp, BHTG có các hoạt động đầu tư tạm thời nhàn rỗi để mua trái phiếu Chính phủ, trái phiếu của các ngân hàng… Trong bối cảnh đó, trách nhiệm của BHTG được đặt ra như thế nào, có đáp ứng vai trò Quốc hội quy định với BHTG hay không?”, bà Lê Thị Nga nêu câu hỏi.

Từ những vấn đề đặt ra này, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp đề nghị BHTG Việt Nam cần nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động trong quá trình phá sản, giải thể và tái cấu trúc ngân hàng thương mại.

H.Y

H.Y

© Thời báo Tài chính Việt Nam