Bảo hiểm bắt buộc xây dựng: Bảo vệ các công trình trước mọi rủi ro

17:19 | 07/08/2015 Print
(TBTCVN) - Ngày 7/8 tại Hải Phòng, Vụ Pháp chế phối hợp với Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) tổ chức Hội nghị lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định chi tiết về bảo hiểm trong hoạt động đầu tư xây dựng.

bảo hiểm xây dựng

Ông Nguyễn Quang Huyền, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm phát biểu tại Hội thảo.

Tham dự hội thảo có đại diện một số đơn vị của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, đại diện Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) phi nhân thọ và tái bảo hiểm…

Bất cập trong triển khai bảo hiểm xây dựng

Trước năm 2007, quy tắc, điều khoản, biểu phí về bảo hiểm trong hoạt động đầu tư xây dựng được thực hiện theo Quyết định số 14/2007/QĐ-BTC ngày 16/1/2004 và Quyết định số 33/2004/QĐ-BTC ngày 12/4/2004 của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, từ năm 2007, theo Nghị định số 45/2007/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm, Bộ Tài chính chỉ ban hành quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với các loại hình bảo hiểm bắt buộc.

Theo đó, bảo hiểm trong hoạt động đầu tư xây dựng không phải là bảo hiểm bắt buộc, các DNBH được chủ động triển khai quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm. Bộ Tài chính cũng bãi bỏ các quyết định trước đó.

Báo cáo từ các DNBH cho thấy, trong giai đoạn 1994-2014, doanh thu phí bảo hiểm xây dựng tăng bình quân 12%/năm, đạt 2.300 tỷ đồng vào năm 2014. Trung bình hàng năm các DNBH bồi thường khoảng 700 tỷ đồng, góp phần giúp các chủ đầu tư, nhà thầu tư vấn, thi công chủ động khắc phục hậu quả thiệt hại, đảm bảo tiến độ công trình.

Tuy nhiên, cũng theo đại diện các DNBH, việc không ban hành quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng đã dẫn đến một số tồn tại, hạn chế. Theo đó, nhiều chủ đầu tư chưa chú trọng việc mua bảo hiểm hoặc mua bảo hiểm dưới giá trị và khi xảy ra tổn thất, DNBH chỉ bồi thường trong phạm vi trách nhiệm bảo hiểm mà chủ đầu tư tham gia bảo hiểm. Đối với phần thiệt hại mà chủ đầu tư không mua bảo hiểm, chủ đầu tư phải tự khắc phục thiệt hại.

Việc không ban hành quy định bảo hiểm bắt buộc trong xây dựng cũng dẫn đến việc quy tắc, điều khoản, biểu phí tối thiểu của sản phẩm bảo hiểm trong hoạt động đầu tư xây dựng chưa thống nhất; chưa có quy định về điều kiện triển khai bảo hiểm (điều kiện đối với DNBH, DN nhận tái bảo hiểm, mức giữ lại) nên mức giữ lại của các DNBH thấp. Đặc biệt, tính hợp tác giữa các DNBH còn hạn chế, mức thu hoa hồng nhượng tái bảo hiểm không đủ bù đắp chi phí khai thác; DNBH gốc và DN nhận tái bảo hiểm không đủ năng lực tài chính khi nhận bảo hiểm các công trình có giá trị xây dựng lớn…

Các tồn tại hạn chế này đã ảnh hưởng đến an toàn tài chính của DNBH, tính kịp thời trong công tác bồi thường bảo hiểm và hiệu quả hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Bên cạnh đó, việc chưa quy định mức trách nhiệm bảo hiểm đối với người lao động, dẫn đến nhà thầu thi công mua mức trách nhiệm thấp và khi người lao động gặp rủi ro trong quá trình thi công, việc bồi thường theo trách nhiệm bảo hiểm chưa đủ để bù đắp chi phí y tế tối thiểu và mất thu nhập của người lao động. Vì vậy, chưa tạo được sự an toàn cho các nhà đầu tư, nhà thầu tư vấn, thi công và người lao động khi tham gia hoạt động đầu tư xây dựng; thiếu quy định pháp lý làm căn cứ để lập dự toán về phí bảo hiểm trong hoạt động đầu tư xây dựng…

Sẽ sớm có khung pháp lý để triển khai bảo hiểm bắt buộc xây dựng

Điều 9, Luật xây dựng 2014 có nêu: Bảo hiểm xây dựng là bảo hiểm bắt buộc; đồng thời điều 8 Luật kinh doanh bảo hiểm cũng đã quy định về bảo hiểm bắt buộc. Theo bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ phó Vụ Pháp chế, việc ban hành Nghị định trong đó quy định về trách nhiệm mua bảo hiểm, điều kiện, mức phí, số tiền bảo hiểm tối thiểu trong hoạt động đầu tư xây dựng là cần thiết, sẽ tạo cơ sở pháp lý minh bạch, góp phần huy động nguồn lực từ thị trường bảo hiểm để bảo vệ cho các công trình xây dựng trước các rủi ro không lường trước. Đồng thời, đảm bảo khôi phục tổn thất nhanh chóng, đầy đủ để hoạt động xây dựng được thông suốt, tạo sự yên tâm cho các chủ đầu tư, nhà thầu tư vấn, thi công, người lao động...

Dự thảo Nghị định cũng quy định trách nhiệm mua bảo hiểm như: Chủ đầu tư phải mua bảo hiểm công trình quốc gia, công trình có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp do Thủ tướng Chính phủ quyết định hàng năm; công trình có vốn nhà nước... Đối với nhà thầu tư vấn phải mua bảo hiểm trách nhiệm tư vấn; đối với nhà thầu thi công phải mua bảo hiểm đối với người lao động…

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Quang Hưng, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Bảo Việt cho rằng, việc sớm ra đời Nghị định là cần thiết, tuy nhiên ông Hưng cho rằng, Điều 7 quy định về điều kiện đối với DNBH có nêu, các DNBH triển khai bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng phải được cấp phép kinh doanh bảo hiểm tài sản và bảo hiểm thiệt hại; có vốn chủ sở hữu tối thiểu là 500 tỷ đồng; đảm bảo biên khả năng thanh toán…

Ông Hưng đề xuất, việc quy định vốn chủ sở hữu tối thiểu là 500 tỷ đồng sẽ khó cho DNBH nhỏ muốn tham gia, nên quy định DNBH có vốn pháp định theo quy định (300 tỷ đồng) có thể triển khai bảo hiểm bắt buộc xây dựng.

Ông Hưng cũng đề xuất dự thảo cần quy định rõ thời hạn bảo hiểm, chính là thời hạn bảo hiểm cụ thể theo tiến độ được phê duyệt, nếu kéo dài, DNBH được tự thỏa thuận với khách hàng và có thể yêu cầu thêm phí, vì kéo dài thời gian có thể gia tăng rủi ro cho DNBH.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam Đặng Thế Vinh đánh giá cao sự cần thiết phải có Nghị định bảo hiểm xây dựng bởi trên thế giới các nước đã triển khai từ rất lâu.

Tuy nhiên, ông Vinh cũng đề xuất dự thảo cần quy định bảo hiểm trách nhiệm đối với người thứ 3. Ông Vinh ví dụ, nếu trong quá trình xây dựng nhà máy nhiệt điện hạt nhân có ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh khi xẩy ra sự cố, ai sẽ chịu trách nhiệm? Vì vậy cần phải quy định mua bảo hiểm cho bên thứ 3 để giải quyết những sự cố này.

Còn đại diện lãnh đạo PVI đề xuất, cần bổ sung vào dự thảo quy định mua bảo hiểm cho quá trình vận chuyển hàng hóa và máy móc thiết bị bởi nhiều dự án lớn phải nhập máy móc giá trị lớn, nếu rủi ro xảy ra sẽ ảnh hưởng đến năng lực của chủ đầu tư, ảnh hưởng đến tiến độ công trình…

Ông Nguyễn Ngọc Anh, Phó Giám đốc Ban nghiệp vụ bảo hiểm tài sản kỹ thuật Bảo hiểm Bảo Minh cho biết, Điều 10 có quy định, bảo hiểm đối với người lao động thi công trên công trường: Số tiền bồi thường tối thiểu là 100 triệu đồng/ người/ vụ. Ông Ngọc Anh đề xuất, mức bồi thường cần căn cứ theo Luật lao động thì phù hợp hơn...

Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam Phùng Đắc Lộc cũng đề xuất cần quy định vào dự thảo: Hàng năm công bố danh sách DNBH được phép triển khai bảo hiểm bắt buộc xây dựng, đảm bảo tính minh bạch, tạo điều kiện cho DN tiếp cận dự án...

Phát biểu kết thúc Hội thảo, ông Nguyễn Quang Huyền, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết, sẽ ghi nhận, tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu, các DNBH và sẽ thực hiện đúng trình tự thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật (xin ý kiến của các bộ, ngành, DNBH, chủ đầu tư, nhà thầu...), hoàn thiện dự thảo sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định./.

Bài và ảnh: Hồng Chi

Bài và ảnh: Hồng Chi

© Thời báo Tài chính Việt Nam