Quảng Trị: Nhiều Doanh nghiệp trốn tránh nộp bảo hiểm

16:00 | 11/05/2015 Print
Qua kiểm tra 64 DN tại Quảng Trị, phát hiện 11 DN không tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động; 28 DN chưa tham gia đầy đủ; 35 DN chưa chi trả kinh phí bảo hiểm xã hội; 15 DN còn nợ tiền bảo hiểm với tổng số tiền trên 3,5 tỷ đồng...

BHXH Quang tri

Trụ sở BHXH tỉnh Quảng Trị. Ảnh minh họa (nguồn: bhxh.quangtri.gov.vn)

Theo quy định của pháp luật, các đơn vị, doanh nghiệp phải có trách nhiệm nộp bảo hiểm cho người lao động để đảm bảo quyền lợi cũng như lợi ích hợp pháp của người công nhân. Tuy nhiên, hiện có rất nhiều đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị tìm cách trốn nộp bảo hiểm đã ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người lao động…

Trưởng phòng thu Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Trị Lê Hồng Sơn cho biết: "Các đơn vị, doanh nghiệp không nộp bảo hiểm hoặc nợ đọng tiền bảo hiểm sẽ khiến người lao động gặp nhiều thiệt thòi. Đặc biệt các doanh nghiệp ngoài nhà nước không thực hiện nộp bảo hiểm dưới nhiều hình thức như không tham gia bảo hiểm hoàn toàn, hoặc tham gia nhưng với mức lương tối thiểu chứ không thực hiện đầy đủ với mức lương người lao động đang được hưởng. Đáng buồn là có nhiều doanh nghiệp trích tiền lương của người lao động để chiếm dụng chứ không thực hiện nộp bảo hiểm theo đúng quy định…".

Trước thực trạng trên, trong năm 2014 Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị đã chủ trì phối hợp với Liên đoàn lao động cùng các ban, ngành liên quan tổ chức kiểm tra tại 64 doanh nghiệp đã phát hiện 11 doanh nghiệp không tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động; 28 doanh nghiệp chưa tham gia đầy đủ cho toàn bộ số lao động; 35 doanh nghiệp chưa chi trả kinh phí bảo hiểm xã hội; 15 doanh nghiệp còn nợ tiền bảo hiểm với tổng số tiền trên 3,5 tỷ đồng…

Đây chỉ là con số rất nhỏ trong toàn bộ 2.738 doanh nghiệp với trên 33.000 lao động trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đang hoạt động.

Thực trạng trên diễn ra trong nhiều năm qua, gây khó khăn cho các cấp chính quyền, đặc biệt hiện nay khi tình hình kinh tế thị trường mở rộng, rất nhiều doanh nghiệp mới được thành lập nên việc đảm bảo quyền lợi người lao động rất khó.

Chỉ tính riêng trong năm 2014, đã có 276 doanh nghiệp mới thành lập với tổng số vốn đăng kí 889 tỷ đồng. Theo quy định của pháp luật, các doanh nghiệp sử dụng người lao động có trách nhiệm đóng 26% số tiền lương của người lao động; trong đó, 18% là tiền của doanh nghiệp và 8% được trích từ tiền lương của người lao động để đóng bảo hiểm.

Tuy nhiên, doanh nghiệp luôn tìm cách trốn tránh nghĩa vụ của mình khiến người lao động gặp nhiều thiệt thòi khi có biến cố xảy ra họ sẽ không nhận được những quyền lợi chính đáng mà đáng lẽ mình được hưởng như: trợ cấp thất nghiệp, tiền lương hưu, hỗ trợ giải quyết việc làm, chế độ thai sản, đau ốm…

Đơn cử trường hợp ông Hoàng Văn Thọ (sinh năm 1963), phường 5, thành phố Đông Hà nguyên là công nhân của Công ty Cổ phần xây dựng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị.

Ông Thọ tham gia bảo hiểm xã hội từ tháng 12/1983, với thời gian gần 30 năm. Tuy nhiên, công ty chỉ đóng đủ bảo hiểm cho ông thời gian 29 năm, hiện còn nợ 8 tháng tiền bảo hiểm. Công ty này làm ăn thua lỗ, vào ngày 11/10/2013 Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị mở thủ tục phá sản đối với công ty.

Do tuổi cao, đau ốm thường xuyên nhưng ông Thọ không nhận được quyền lợi nào từ phía bảo hiểm do công ty còn nợ tiền bảo hiểm của ông. Chính điều này đã ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như những quyền lợi đáng lẽ ông phải được nhận sau thời gian dài nộp bảo hiểm.

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Trị tính đ ến 31/12/2014, tổng số nợ bảo hiểm gần 17 tỷ đồng; trong đó, có 45 doanh nghiệp nợ trên 3 tháng. Tính đến ngày 31/3/2015, có 29 doanh nghiệp với tổng số tiền nợ gần 20 tỷ đồng.

Điển hình một số doanh nghiệp nợ tiền bảo hiểm lớn như: Công ty Cổ phần Xây dựng Điện Vneco5 nợ 647 triệu đồng; Công ty Cổ phần Việt Ren nợ trên 943 triệu đồng; Công ty Cổ phần Khoáng sản Quảng Trị nợ gần 1,7 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Xây dựng 15 Quảng Trị nợ trên 736 triệu đồng...

Đặc biệt, có nhiều doanh nghiệp nợ thời gian dài từ 4-5 năm, với số tiền hàng trăm triệu đồng nhưng không có khả năng nộp do doanh nghiệp đã phá sản. Rất nhiều trường hợp đã bị Bảo hiểm xã hội khởi kiện đưa ra tòa án, tuy nhiên các doanh nghiệp vẫn cố tình phớt lờ hoặc chây lì không chịu nộp bảo hiểm cho người lao động.

Trường hợp Công ty Cổ phần May và Thương mại Quảng Trị bị Tòa án huyện Hướng Hóa ra quyết định phải thanh toán khoản nợ Bảo hiểm xã hội với số tiền hơn 944 triệu đồng trước thời hạn ngày 1/11/2014. Thế nhưng đến nay đã gần 6 tháng, đơn vị này vẫn chưa chịu thanh toán số tiền trên cho Bảo hiểm xã hội.

Riêng năm 2014, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 51 doanh nghiệp với tổng số tiền nợ trên 4,6 tỷ đồng bị Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Trị khởi kiện ra Tòa án xét xử. Tuy nhiên, có rất nhiều trường hợp sau khi nộp đơn kiện do không liên lạc được với chủ doanh nghiệp để thực hiện luật tố tụng hoặc có những trường hợp tiến hành hòa giải nhưng doanh nghiệp vẫn không thực hiện đúng như cam kết hòa giải.

Năm 2014, Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Trị đã tiến hành khởi kiện 45 đơn vị với tổng số tiền nợ 7.529 triệu đồng, nhưng chỉ thu hồi được 2.389 triệu đồng sau khi thi hành án.

Theo Liên đoàn lao động tỉnh Quảng Trị, hiện hầu hết các doanh nghiệp không thực hiện việc báo cáo tình hình sử dụng lao động, chưa lập sổ theo dõi biến động lao động.

Bên cạnh đó, những doanh nghiệp có sử dụng lao động thông qua cai thầu đều không nắm được danh sách người lao động gây khó khăn cho công tác quản lý lao động và thực hiện chế độ như: bảo hiểm xã hội, chế độ làm thêm giờ, nghỉ lễ tết, huấn luyện an toàn lao động, trang cấp thiết bị phương tiện bảo hộ lao động… nên rất khó để quản lý được việc thực hiện các quy định pháp luật của chủ doanh nghiệp đối với người lao động.

Sở dĩ có những nguyên nhân trên một phần do ý thức người lao động chưa được cao do không nắm rõ được quyền lợi của mình để đề xuất kiến nghị. Mặt khác, do hạn chế về nhận thức với tâm lý giữ được việc làm nên người lao động “nhắm mắt làm ngơ” trước việc doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ của mình.

Ngoài ra, do mức xử phạt hành chính các doanh nghiệp còn thấp chỉ mang tính cảnh cáo chưa đủ sức răn đe nên dẫn đến tình trạng có nhiều doanh nghiệp sẵn sàng chấp nhận hình phạt để kéo dài thời gian nợ tiền bảo hiểm của người lao động.

Ông Trần Văn Bến, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Trị cho biết: Trong những năm qua, thực trạng các doanh nghiệp trốn tránh thực hiện nộp bảo hiểm đã gây ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi hợp pháp của người lao động. Để hạn chế tình trạng trên, Liên đoàn lao động tỉnh tăng cường phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các đơn vị có liên quan tiến hành kiểm tra làm việc với doanh nghiệp giải quyết đơn thư khiếu nại của người lao động cũng như tiến hành thực hiện trách nhiệm của người sử dụng lao động.

Mặt khác, chỉ đạo các cấp công đoàn cơ sở thực hiện tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật đến người lao động, đặc biệt tại các doanh nghiệp ngoài Nhà nước…

Thiết nghĩ để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, các sở ban ngành có liên quan cũng như các cấp chính quyền cần có biện pháp phối hợp đồng bộ và chặt chẽ trong việc cấp giấy phép cũng như quản lý, giám sát hoạt động của doanh nghiệp trong việc sử dụng lao động. Qua đó, mới có thể kịp thời nắm bắt được tình hình hoạt động của doanh nghiệp cũng như việc bảo đảm quyền lợi người lao động…/.

Thanh Thủy/TTXVN

Thanh Thủy/TTXVN

© Thời báo Tài chính Việt Nam