Tiền ở đâu để cứu ngân hàng yếu kém?

11:50 | 27/04/2015 Print
Cứu một ngân hàng yếu kém rất tốn tiền. Trừ các cường quốc, phần lớn các nước phải kêu gọi vốn từ các tổ chức quốc tế, với điều kiện ràng buộc...

VNCB

Đại hội cổ đông bất thường 2015 của VNCB. Ảnh: TL

>> Phải minh bạch các khoản sử dụng tiền từ ngân sách nhà nước

>> Vốn ngắn hạn cho vay dài hạn: Nợ xấu chưa 'xử' xong lại 'ôm' thêm rủi ro thanh khoản

>> Ngân hàng Nhà nước tiếp tục mua OceanBank với giá 0 đồng

>> Vốn điều lệ của OceanBank bị 'hao hụt' do đâu?

Chuyên gia tài chính ngân hàng Phạm Nam Kim đã có cuộc trao đổi với phóng viên TBTCVN về câu chuyện liên quan đến các ngân hàng yếu kém đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua lại.

"Ép gả" ngân hàng không dễ dàng

PV: NHNN vừa tiếp tục quyết định mua lại Ngân hàng Oceanbank với giá 0 đồng, tương tự như đã mua Ngân hàng Xây dựng (VNCB) mới đây, cũng như một ngân hàng khác cũng đang được dự kiến quốc hữu hóa. Ông nghĩ thế nào về thông tin này?

Chuyên gia Phạm Nam Kim: Hai ngân hàng này đều được cho biết là đã bị âm vốn điều lệ. Đây là “đèn báo hiệu” hai vấn đề quan trọng đang xảy ra trong ngành Ngân hàng.

Thứ nhất, tình hình tài chính của ngân hàng Việt Nam không được tốt, nợ xấu sau hơn 3 năm không được giải quyết đã đưa đến tình trạng mất trắng vốn và không thể tiếp tục hoạt động cho ba ngân hàng nói trên. Tuy nhiên, ta cũng phải hiểu hiện tượng nợ xấu "ăn cả" vào vốn điều lệ sẽ không chỉ hạn chế ở hai ngân hàng. Những ngân hàng với quy mô tương tự, cùng một mô hình kinh doanh, không ít thì nhiều cũng bị ảnh hưởng. Ngay cả những ngân hàng có tầm cỡ lớn hơn cũng có thể bị sứt mẻ về vốn điều lệ.

Thống kê chính thức đưa ra những con số về nợ xấu rất là tích cực, tỷ lệ nợ xấu đã giảm mạnh, VAMC cũng đã mua lại nhiều nợ xấu, vậy tại sao có những ngân hàng lại “chết đứng” vì không còn cả vốn điều lệ? Lãnh đạo cũ của các ngân hàng cũng từng tuyên bố đã bán nợ xấu cho VAMC. Phải chăng phương án này không giải quyết được nợ xấu của những ngân hàng này, còn những ngân hàng khác thì sao?

Phân tích như vậy ta có thể thấy, căn bệnh nợ xấu đã đi đến giai đoạn nghiêm trọng "ăn" vào vốn điều lệ của nhiều ngân hàng và khi có khủng hoảng vốn thì phải đổ tiền "thật", trò chơi đổ tiền "ảo" hoàn toàn không hiệu quả và không cứu sống được ngân hàng.

Vấn đề thứ hai là khi tình trạng ngân hàng đã nguy ngập thì chủ trương "tự nguyện" của NHNN cho việc tái cấu trúc, sáp nhập, hợp nhất là rất khó thực hiện. Một ngân hàng nhỏ gặp khó khăn rất khó "thu hút" ngân hàng khác ở cùng thị trường. Vì thế, nếu NHNN muốn tái cấu trúc nội trong năm nay và cứu gỡ những ngân hàng nhỏ lẻ thì phải "ép duyên".

Tiền ở đâu để cứu ngân hàng yếu kém?
...Với một ngân hàng nhỏ như VNCB mà đã phải đổ vào khoảng 43.000 tỷ đồng để cho phục hồi hoạt động bình thường. Nếu cứ lấy con số này làm căn bản thì để cứu 3 ngân hàng yếu kém sẽ phải rót vào hơn 130.000 tỷ đồng. Như vậy, chỉ với 3 ngân hàng nhỏ này, chi phí bỏ ra chia cho mỗi người dân Việt Nam là gần 1,460 triệu đồng.    Chuyên gia Phạm Nam Kim

Tuy nhiên không phải ép là được nếu ta thấy NHNN đã phải đi đến giải pháp quốc hữu hóa VNCB, mặc dù đã đưa Vietcombank tham gia ngay từ bước đầu. Nhìn từ trường hợp của ngân hàng đang dự kiến cũng sẽ quốc hữu hóa thì việc để nhà đầu tư nước ngoài tham gia cũng không dễ, nếu chúng ta còn bảo thủ trên phương diện hợp tác và không nhìn rõ được giá trị thực của một ngân hàng đang gặp khó khăn.

Tiền ở đâu để cứu ngân hàng?

PV: Chi phí để quốc hữu hóa ngân hàng ở các nước bỏ ra thường khá lớn. Ông có thể cho biết một số kinh nghiệm quốc tế về cách tìm vốn cứu ngân hàng và quản lý dòng vốn này ở các ngân hàng này?

Chuyên gia Phạm Nam Kim: Như đã được biết, với một ngân hàng nhỏ như VNCB mà đã phải đổ vào khoảng 43.000 tỷ đồng để cho phục hồi hoạt động bình thường. Nếu cứ lấy con số này làm căn bản thì để cứu 3 ngân hàng yếu kém sẽ phải rót vào hơn 130.000 tỷ đồng (OceanBank có vốn điều lệ là 4.000 tỷ đồng). Như vậy, chỉ với 3 ngân hàng nhỏ này, chi phí bỏ ra chia cho mỗi người dân Việt Nam là gần 1,460 triệu đồng.

Như vậy, cứu ngân hàng rất tốn tiền. Ngoại trừ những cường quốc, phần đông các quốc gia kêu gọi các tổ chức quốc tế (WB, IMF…) hay trong khu vực (EU) cho vay để lấy tiền cứu ngân hàng. Tiền vay được, Chính phủ sẽ cho vay lại ngân hàng, hoặc đôi khi tạm thời quốc hữu hóa ngân hàng.

Tuy nhiên, vay mượn các tổ chức quốc tế sẽ có những ràng buộc, Chính phủ đi vay phải chứng minh những chương trình cắt giảm chi tiêu, tiết kiệm ngân sách để có khả năng trả nợ. Vì vậy, nếu chỉ cần tái tạo vốn cho vài ngân hàng thì kêu gọi vốn từ thị trường vẫn dễ thở hơn, do vậy những cuộc sáp nhập, hợp tác xảy ra rất nhiều trong thời kỳ khủng hoảng tài chính năm 2008.

PV: Vậy ông có đề xuất, gợi ý gì để việc quá trình "vực dậy" các ngân hàng yếu kém thành công ở Việt Nam?

Chuyên gia Phạm Nam Kim: Đối với Việt Nam, thiếu vốn chỉ xảy ra ở những ngân hàng nhỏ lẻ, kêu gọi vốn đầu tư từ những ngân hàng sẽ nhẹ nhàng hơn và Nhà nước không phải bỏ tiền ra. Tuy nhiên muốn vậy ta phải thông thoáng hơn về tỷ lệ tham gia của tổ chức nước ngoài. Nếu hạn mức vẫn là 20% thì ngân hàng, đối tác chiến lược dự kiến không thể bơm tiền vào khi ngân hàng bị sáp nhập đã mất hết vốn.

Cũng phải phân tích kỹ tại sao thương vụ Tập đoàn UOB (Singapore) tham gia mua ngân hàng yếu kém không thành. Với những thỏa ước quốc tế đã và đang ký kết, đằng nào ta cũng phải mở rộng cửa thị trường đầu tư Việt Nam.

Với sự khủng hoảng của ngành ngân hàng phương Tây, thị trường ngân hàng châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng trở thành rất hấp dẫn. Theo phân tích của những ngân hàng phương Tây mà tôi đã tiếp cận, thời điểm hiện tại được cho là rất tốt để họ mở rộng thị trường tại Việt Nam.

Khi một ngân hàng đã mất hết vốn mà không một ngân hàng nào muốn hỗ trợ, thì chỉ có cách một là để cho ngân hàng này phá sản, hai là Nhà nước đứng ra quản lý. Để cho ngân hàng phá sản thì có nguy cơ lan rộng ra các ngân hàng khác và có thể làm sụp đổ cả hệ thống ngân hàng. Đó là lý do NHNN đã phải mua lại VNBC, Oceanbank.... và sắp tới có thể là một ngân hàng yếu kém khác.

Theo tôi, có lẽ chỉ nên quốc hữu hóa tạm thời, khi những ngân hàng này trở lại hoạt động bình thường thì sẽ tư hữu hóa. Đó là cách làm của chính phủ Anh đối với những ngân hàng Ireland bị quốc hữu hóa trong thời kỳ khủng hoảng, hay chính phủ Mỹ cũng vậy, và khi bán lại họ còn thu được lợi nhuận.

NHNN cũng có thể làm như vậy, sau khi các ngân hàng yếu kém trở lại hoạt động bình thường sẽ bán lại trên thị trường. Nếu không có ngân hàng Việt Nam quan tâm thì có thể kêu gọi sự tham dự của ngân hàng nước ngoài.

PV: Xin cảm ơn ông!

Nam Phong (thực hiện)

Nam Phong (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam