Phải minh bạch các khoản sử dụng tiền từ ngân sách nhà nước

14:45 | 09/04/2015 Print
Mọi vấn đề từ khâu định giá độc lập tài sản và giá trị doanh nghiệp (DN), đến phương án xử lý nợ và chịu trách nhiệm kế thừa của NHNN đối với VNCB, cần được công khai và minh bạch.

Đó là ý kiến của ông Nguyễn Tiến Lập - Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự về vụ việc NHNN (Ngân hàng Nhà nước) mua lại VNCB (Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam) với giá bằng 0 đồng. Ảnh minh họa PV: Thưa ông, vì sao đến thời điểm này, câu chuyện NHNN mua lại VNCB với giá bằng 0 đồng được coi là một quyết định mang tính chính sách thuần túy? Ông Nguyễn Tiến Lập: Chúng ta đều biết rằng thời gian trước NHNN đã từng tổ chức các phiên đấu thầu vàng miếng trên thị trường, tức thực hiện việc kinh doanh vàng. Vậy, nay NHNN lại tham gia vào hoạt động mua một ngân hàng thương mại (NHTM), mà cụ thể là VNCB thì có phải đó là tiến hành hoạt động kinh doanh trên thị trường mua bán DN (M&A) không?

Tôi cho rằng không, bởi nếu đấu thầu vàng thì chắc chắn kiếm được lời, do sự chênh lệch giá vàng Việt Nam và thế giới, còn việc mua các NHTM đang trong tình trạng hoạt động rất kém và nợ xấu chồng chất thì không thể có động cơ kinh doanh được.

Vậy thì đó chắc hẳn là một quyết định mang tính chính sách. Bởi nó nằm trong chương trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng mà chính NHNN đang chủ trì.

Giai đoạn đầu bắt đầu bằng việc “dọn sạch”, hay làm lành mạnh hoá tín dụng thông qua việc thành lập Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) để mua, chuyển đổi và xử lý nợ xấu.

Nay, là một động thái mới, hiện tại VNCB là ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt theo Luật Các tổ chức tín dụng, sau khi giải pháp tự “tái cấu trúc” bằng việc bổ sung vốn điều lệ của cổ đông (cả cũ và mới) không thực hiện được, thì NHNN đã quyết định mua lại bắt buộc toàn bộ sở hữu của ngân hàng này.

Mục đích thì chắc chắn ai cũng đoán được, thứ nhất để bảo đảm tránh sự đổ vỡ ngân hàng thông qua thủ tục phá sản của chính VNCB và có thể kéo theo các tổ chức tín dụng khác, dẫn đến bất ổn xã hội. Thứ hai, tạo tiền đề để giảm bớt số lượng ngân hàng đang quá nhiều hiện nay.

Đây là lý do cũng không kém phần quan trọng bởi đã có đánh giá rằng số lượng các ngân hàng tại Việt Nam quá nhiều, trong khi yếu kém về chất.

Tôi không tin rằng còn có lý do thứ ba là NHNN sẽ tái cấu trúc lại VNCB để rồi bán lại với giá cao, mà có thể nói đó là việc làm mang tính chính sách thuần tuý.

PV: NHNN là một định chế tài chính nhà nước, không phải là một DN, vậy khi mua VNCB với giá bằng 0 đồng và sau đó phải gánh các khoản nợ từ ngân hàng này thì sẽ lấy tiền ở đâu để xử lý? Nếu phải lấy tiền từ ngân sách thì cần phải minh bạch chuyện này như thế nào?

Ông Nguyễn Tiến Lập: Câu hỏi này rất thú vị và chắc chắn được dư luận quan tâm. Theo pháp luật, NHNN đương nhiên không phải là DN mà là một định chế tài chính tiền tệ thuộc sở hữu nhà nước, là cơ quan quản lý nhà nước và hạch toán thu chi theo Luật Ngân sách nhà nước. Việc mua VNCB với giá 0 đồng không có nghĩa là không mất tiền.

Trước hết, theo cách hiểu của một giao dịch M&A thì giá 0 đồng là giá trị DN mà bên mua trả cho bên bán (chủ sở hữu). Nó không phải là giá các tài sản còn lại của DN. Chắc chắn VNCB còn có các tài sản cố định, vốn hoạt động bằng tiền, tài sản vô hình khác như bộ máy quản lý, thương hiệu... bên cạnh các khoản nợ phải trả, phải thu, nợ xấu, tài sản thế chấp...

Sau khi mua xong, NHNN sẽ phải cân đối và xử lý vấn đề tài sản, nhưng chắc chắn một điều là phải chịu trách nhiệm thanh toán các khoản nợ, đặc biệt là tiền gửi, khi đáo hạn của các tổ chức và người dân.

Ngoài ra, NHNN có thể sẽ phải bỏ ra các chi phí trước mắt để duy trì, điều hành bộ máy VNCB hiện tại và tái cấu trúc nó. Và nếu không thể cân đối được giữa tài sản có và tài sản nợ của VNCB thì NHNN sẽ phải trả thay bằng tiền của mình, tức lấy từ nguồn ngân sách nhà nước.

Như vậy, theo quy định của pháp luật cũng như đòi hỏi của người dân, mọi vấn đề sẽ cần được làm công khai, minh bạch, từ khâu định giá độc lập tài sản và giá trị DN, đến phương án xử lý nợ và chịu trách nhiệm kế thừa của NHNN đối với VNCB.

Việc công khai, minh bạch hoá không chỉ cần thiết trong quan hệ báo cáo và chỉ đạo nội bộ, mà trong vụ việc này, từ góc độ thực thi một chương trình tái cấu trúc lớn của nền kinh tế, tôi cho rằng còn cần thiết trong quan hệ với người dân nói chung và cộng đồng các ngân hàng nói riêng.

PV: Theo ông, trách nhiệm của người điều hành và những người liên quan đến những sai phạm tại VNCB sẽ tiếp tục xử lý như thế nào?

Ông Nguyễn Tiến Lập: Từ quan điểm luật pháp, tôi không cho rằng chủ sở hữu và những người điều hành VNCB sẽ không phải chịu trách nhiệm gì khi để xảy ra hậu quả buộc NHNN phải xử lý như vừa qua. Ít nhất là ngay tại Quyết định 48/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh vấn đề mua lại bắt buộc của NHNN đối với ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt đã đề cập đến trách nhiệm này.

Thứ nhất, để cho một ngân hàng rơi vào tình trạng kiểm soát đặc biệt mà không vì các lý do khách quan, hay bất khả kháng thì thường phải có sai phạm ở các khâu kiểm soát và điều hành, ở mức độ nào đó, liên quan đến trách nhiệm hành chính hay thậm chí hình sự.

Thứ hai, việc mua lại VNCB của NHHN về pháp lý là hành vi dân sự - thương mại, mặc dù có động cơ chính sách, do đó, không đồng nghĩa với việc chuyển giao hay xoá bỏ các trách nhiệm pháp lý của các cá nhân phụ trách việc kiểm soát và điều hành ngân hàng. Có nghĩa rằng đó là hai thủ tục độc lập với nhau, và các cơ quan chức năng sẽ làm rõ.

Trên thực tế, có người hỏi tôi rằng bán một ngân hàng với giá bằng 0 thì về mặt vật chất chủ sở hữu đã bị thiệt hại rồi? Thực tế trong kinh doanh không phải như vậy. Vấn đề là anh bỏ tiền đầu tư bao nhiêu khi thành lập ngân hàng và số tiền đầu tư đó đã được thu hồi cộng với lãi trong suốt quá trình hoạt động của ngân hàng hay chưa, dưới rất nhiều hình thức khác nhau.

PV: Xin cảm ơn ông!



Hà Anh (thực hiện)

Hà Anh (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam