Liệu VAMC đã đủ lực xử lý nợ xấu?

14:07 | 08/04/2015 Print
(TBTCVN) - Nhiều ý kiến cho rằng, Nghị định 34/2015/NĐ-CP vừa mới được ban hành là liệu pháp mới để VAMC có thể hoàn thành sứ mệnh mua nợ xấu tốt hơn. Tuy nhiên, một luồng ý kiến khác vẫn tỏ ra băn băn khoăn: Liệu VAMC đã đầy đủ trợ lực cho hành trình “chinh phục” nợ xấu?

>> Không sử dụng ngân sách để mua lại, xử lý ngân hàng yếu kém

>> SCIC gặp khó trong việc mua lại vốn nhà nước tại các ngân hàng thương mại

>> Thông tư 36 có giúp ngân hàng đảo nợ xấu thành nợ dài hạn?

VAMC có thêm “gậy”

Theo Nghị định 34/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 53/2013/NĐ-CP ngày 18/5/2013 về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), vốn điều lệ của VAMC được nâng lên thành 2.000 tỷ đồng, cao gấp 4 lần so với trước đây (500 tỷ đồng). Do vậy, với lượng vốn điều lệ này, VAMC sẽ có thêm tiềm lực để mua thêm các khoản nợ xấu từ các tín dụng mà trước đây bị bó hẹp trong nguồn vốn 500 tỷ đồng.

Cũng theo Nghị định 34/2015/NĐ-CP, nhiều quy định mới đã được mở ra theo hướng tăng “trợ lực” cho VAMC có thể mua nợ xấu tốt hơn.

Tháng 3/2015, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã có văn bản chấp thuận phương án phát hành trái phiếu đặc biệt năm 2015 của VAMC. Theo đó, năm 2015, VAMC được phát hành tổng giá trị trái phiếu đặc biệt tối đa là 80.000 tỷ đồng; thời điểm phát hành trái phiếu đặc biệt từ 1/1/2015 đến 31/12/2015.

Cụ thể, VAMC được phát hành trái phiếu để mua nợ xấu theo giá trị thị trường trên cơ sở kế hoạch phát hành trái phiếu được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Đặc biệt hơn, việc phát hành trái phiếu của VAMC không phải áp dụng quy định về nguyên tắc, điều kiện phát hành, hồ sơ phát hành trái phiếu theo quy định của Chính phủ về phát hành trái phiếu doanh nghiệp và không áp dụng quy định về nguyên tắc huy động vốn theo quy định của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do, Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Cùng với đó, về hình thức phát hành trái phiếu, VAMC cũng được phát hành rộng hơn với 4 phương thức: Đấu thầu phát hành; bảo lãnh phát hành; đại lý phát hành; bán trực tiếp.

Ngoài ra, VAMC còn có thêm “đặc ân” khác, khi trái phiếu của VAMC do tổ chức tín dụng nắm giữ được sử dụng để tham gia nghiệp vụ thị trường mở và tái cấp vốn tại Ngân hàng Nhà nước.

Nghị định 34 cũng bổ sung quy định xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu mà VAMC đã mua, cụ thể: Sau 1 lần bán đấu giá tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu theo quy định nêu trên không thành thì VAMC được tiếp tục bán tài sản đó thông qua phương thức bán đấu giá hoặc bán tài sản đó trên cơ sở thỏa thuận trực tiếp với bên mua, đồng thời thông báo cho bên bảo đảm biết. Quy định này được cho là sẽ giúp cho VAMC có thể bán đấu giá tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu dễ dàng hơn so với trước đây.

Kết quả đến đâu thì còn phải chờ…

Con số nợ xấu đã giảm một cách bất ngờ theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (từ 3,38% vào tháng 11/2014 xuống còn 3,25% chỉ trong vòng 1 tháng sau - 12/2014). Cùng với đó, nhiều nhận định đều cho rằng, mục tiêu đưa nợ xấu về mức 3% trong năm nay là có thể đạt được. Tuy nhiên, rõ ràng, việc con số nợ xấu về mức nào phụ thuộc khá lớn vào khả năng hoàn thành sứ mệnh của VAMC.

no xau

Để VAMC có thể mua nợ xấu tốt hơn vẫn cần một thị trường mua bán nợ thực sự. Ảnh: ST

Trong một báo cáo phát hành vào cuối tháng 1/2015, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đưa ra phân tích, tỷ lệ thu hồi từ nợ đã xử lý của các ngân hàng niêm yết bình quân trong 3 năm gần đây ở mức xấp xỉ 25%. Tỷ lệ này có thể thấp hơn ở những ngân hàng chưa niêm yết do chất lượng tín dụng và quản trị rủi ro thấp hơn. Như vậy, để đủ nguồn xử lý nợ xấu, các ngân hàng sẽ phải tiếp tục tăng cường trích lập nguồn dự phòng theo quy định trong những năm tới. Theo ước tính của BVSC dựa trên dữ liệu hiện tại, các ngân hàng có thể mất 4 năm để trích lập đầy đủ cho các khoản nợ xấu hiện tại.

Đối với VAMC, mặc dù Nghị định 34 thực sự là một bước mở lớn để giúp tổ chức này mua nợ xấu tốt hơn, tuy nhiên, vẫn có ý kiến cho rằng, để có thể mua nợ thành công VAMC vẫn còn nhiều trở ngại. Theo đó, việc định giá khoản nợ thỏa mãn được mong muốn các bên vẫn còn gặp phải nhiều khó khăn tính tới thời điểm này. Và đặc biệt hơn nữa, dù Nghị định 34 đã cho phép VAMC mua bán nợ theo giá thị trường, nhưng điều này chỉ thành công nếu tồn tại một thị trường mua bán nợ thực sự với sự tham gia tích cực của các tổ chức, cá nhân.

Ngoài ra, thị trường bất động sản phục hồi chậm hơn dự báo khiến việc xử lý và tỷ lệ thu hồi nợ đối với những khoản nợ xấu có tài sản đảm bảo là bất động sản đạt kết quả thấp cũng sẽ là một nguyên nhân cản đường mua nợ của VAMC trong thời gian tới./.

Duy Thái

Duy Thái

© Thời báo Tài chính Việt Nam