Thông tư 36 có giúp ngân hàng đảo nợ xấu thành nợ dài hạn?

15:54 | 31/03/2015 Print
Thông tư 36 tăng giới hạn tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 30% lên 60% đã tạo điều kiện để các ngân hàng có thể cơ cấu lại các khoản nợ ngắn hạn có rủi ro thành nợ dài hạn, trước khi điều khoản cho phép cơ cấu lại nợ theo Thông tư 09 hết hạn vào ngày 31/3/2015...

no xau

Ảnh minh họa (nguồn ST)

Nhiều ý kiến cho rằng, tỷ lệ nợ xấu toàn ngành Ngân hàng năm 2015 có khả năng giảm về mức 3%. Có nhiều cơ sở để đưa ra nhận định này, trong đó có một nguyên do rất quan trọng là sự “ứng cứu” của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khi ban hành Thông tư 36.

Nợ xấu trong ngắn hạn không quá lo lắng?

Một báo cáo mới phát hành của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, khó khăn nhất của ngành Ngân hàng đã ở phía sau.

Sau hai năm các ngân hàng tập trung vào nhiệm vụ ưu tiên là giải quyết nợ xấu, ổn định hoạt động, trong khi các nhà điều hành giải quyết được một phần nhiệm vụ là lành mạnh hóa môi trường kinh doanh ngân hàng, VDSC nhìn thấy những dấu hiệu đầu tiên sẵn sàng cho sự tăng trưởng trở lại tại một số ngân hàng lớn.

Và cũng như khá nhiều nhận định khác đưa ra gần đây, báo cáo của VDSC nhận định, tỷ lệ nợ xấu toàn ngành Ngân hàng năm 2015 có khả năng giảm về mức 3%.

Theo đó, báo cáo đã đưa ra nhiều cơ sở cho nhận định này. Cụ thể, NHNN đã ban hành nhiều quy định có tính ràng buộc khiến các ngân hàng phải tích cực hơn trong xử lý nợ xấu. Ví dụ như tổ chức tín dụng (TCTD) có tỷ lệ nợ xấu trên 3% không bán nợ cho VAMC sẽ bị thanh tra (Nghị định 53), không được mở thêm chi nhánh (Thông tư 21) hay các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% mới được cho vay đầu tư cổ phiếu (Thông tư 36).

Một cơ sở khá quan trọng khác được đưa ra là sự “ứng cứu” kịp thời của cơ quan quản lý thông qua việc ban hành Thông tư 36. Theo đó, Thông tư 36 tăng giới hạn tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 30% lên 60% đã tạo điều kiện để các ngân hàng có thể cơ cấu lại các khoản nợ ngắn hạn có rủi ro thành nợ dài hạn, trước khi điều khoản cho phép cơ cấu lại nợ theo Thông tư 09 hết hạn vào ngày 31/3/2015.

VDSC còn cho rằng, tín dụng có vẻ tăng tốc nhanh hơn trong khi sự tham gia mua nợ của VAMC đã phần nào làm chậm lại tốc độ tăng nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ do đó cũng được kéo giảm.

Tuy nhiên, nhận định về rủi ro của ngành Ngân hàng trong năm nay, VDSC lưu ý, việc xử lý nợ của VAMC chậm và giải pháp mua nợ theo giá thị trường không đạt hiệu quả kỳ vọng. Do vậy, sự cải thiện về chất lượng của bảng cân đối tài sản của các TCTD theo đó chỉ mang tính nhất thời.

Đồng thời, thị trường bất động sản phục hồi chậm hơn dự báo khiến việc xử lý và tỷ lệ thu hồi nợ đối với những khoản nợ xấu có tài sản đảm bảo là bất động sản đạt kết quả thấp.

Ngoài ra, “các TCTD vẫn dựa vào kênh TPCP để giải quyết tình trạng dư thừa thanh khoản có thể khiến tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) duy trì ở mức thấp và ảnh hưởng đến nguồn thu nhập từ lãi, nguồn thu nhập chiếm tỷ trọng cao trong tổng thu nhập của các ngân hàng”, VDSC đánh giá.

Thông tư 36 sẽ giúp giảm áp lực thoái vốn tại một số TCTD

Theo báo cáo của VDSC, hoạt động tăng vốn và M&A dự kiến sôi động và giúp giảm áp lực thoái vốn tại một số TCTD theo quy định của Thông tư 36. Theo điều khoản quy định liên quan, ngân hàng thương mại (NHTM) nếu đáp ứng được các điều kiện cho phép nắm giữ cổ phiếu, thì giới hạn nắm giữ (trừ trường hợp hỗ trợ tái cơ cấu theo chỉ định của NHNN) là: Sở hữu cổ phiếu của không quá 2 TCTD khác, trừ trường hợp TCTD là công ty con của NHTM đó; tỷ lệ nắm giữ tối đa là dưới 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết của TCTD khác đó.

Với quy định này, sẽ có nhiều trường hợp NHTM phải thoái vốn do có tỷ lệ hoặc số lượng TCTD nắm giữ vượt quá giới hạn cho phép như: Vietcombank sở hữu (1) 9,6% MBB; (2) 5,1% OCB, (3) 8,2% EIB, (4) 4,3% Saigonbank và (5) 10,9% Công ty tài chính xi măng; Maritimebank sở hữu (1) 10,2% MDBank, (2) 11% Công ty tài chính dệt may và (3) 9,95% MBB; CTG sở hữu 10,4% NHTM cổ phần Sài Gòn công thương; Techcombank sở hữu 10% Công ty tài chính hóa chất…

Ở chiều ngược lại, VDSC nhận thấy nhiều kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn cũng như sáp nhập giữa các ngân hàng đã được công bố như trường hợp BIDV, VCB, MBB, Saigonbank, Maritimebank…, sẽ làm giảm tỷ lệ sở hữu của NHTM tại TCTD tăng vốn trong khi việc hợp nhất sẽ làm giảm số lượng ngân hàng, hai hình thức này sẽ góp phần giảm bớt áp lực phải thoái vốn./.

Duy Thái

Duy Thái

© Thời báo Tài chính Việt Nam