Cho vay hộ gia đình: Rủi ro lớn vì thiếu hướng dẫn về chủ thể hộ gia đình

08:45 | 06/02/2015 Print
Bỏ hay vẫn giữ chủ thể hộ gia đình trong quan hệ dân sự là một trong những vấn đề được bàn đến nhiều trong quá trình lấy ý kiến dự thảo Bộ luật dân sự mới. Vấn đề này đặc biệt được các chuyên gia ngân hàng quan tâm khi đây là một rủi ro lớn trong hoạt động cho vay của ngân hàng.

HQH

Ông Hồ Quang Huy, thành viên ban soạn thảo trình bày về những điểm mới của dự thảo. Ảnh: H.Y

Tại hội thảo mới đây của Câu lạc bộ pháp chế ngân hàng thuộc Hiệp hội ngân hàng Việt Nam (VNBA) góp ý cho luật dân sự, đại diện cơ quan soạn thảo (Bộ Tư pháp) đã đưa ra một loạt nội dung mới cần góp ý của dự thảo Bộ luật dân sự có liên quan đến hoạt động của các tổ chức tín dụng như: Tòa án không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng; các quyền nhân thân; hộ gia đình, tổ hợp tác không là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự; giao dịch dân sự vô hiệu hay không khi tuân thủ quy định về hình thức; bảo vệ người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự bị vô hiệu; đại diện theo pháp luật của pháp nhân; thời hiệu; thời điểm xác lập quyền sở hữu; các hình thức sở hữu; các biện pháp bảo đảm; hợp đồng và lãi suất trong hợp đồng vay tài sản….

Nhiều hợp đồng vô hiệu vì chủ thể hộ gia đình

Trong số này, một vấn đề được coi là “tắc” nhất hiện nay là chủ thể hộ gia đình, tổ hợp tác. Bộ Luật dân sự hiện hành không quy định cụ thể tiêu chí, căn cứ xác định thành viên của hộ gia đình trong quan hệ pháp luật dân sự. Tuy nhiên, một số luật hiện hành lại ghi nhận hộ gia đình và tổ hợp tác là chủ thể của quan hệ pháp luật như Luật Đất đai, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Hợp tác xã….

Bất cập này dẫn tới nhiều cách hiểu khác nhau, ngay cả các cơ quan thực thi pháp luật và các cán bộ tư pháp như thẩm phán, luật sư, công chứng viên, công chức tư pháp – hộ tịch… khi xác định thành viên hộ gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Việc xác định thành viên hộ gia đình dựa trên hộ khẩu hay quan hệ hôn nhân, huyết thống hay dựa trên các căn cứ khác thường có những đáp án không thống nhất và gây nhiều khó khăn khi thực hiện hoặc giải quyết tranh chấp trong các giao dịch kinh tế.

Ông Hồ Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi Thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp), chuyên gia và là thành viên tổ soạn thảo cho biết, rất nhiều giấy chứng nhận quyền sở hữu đất đai ghi là hộ gia đình, nhưng số thành viên hộ gia đình không ghi rõ, ngay cả hồ sơ địa chính cũng không ghi rõ thành viên hộ gia đình. Khi phát sinh tranh chấp, rất nhiều tòa án tuyên hợp đồng vô hiệu với lý do việc định đoạt quyền sở hữu chưa có sự đồng ý của tất cả các bên, cơ sở pháp lý để xử lý không có.

Bỏ hay giữ chủ thể hộ gia đình, tổ hợp tác?

Hiện tại, dự thảo Bộ luật dân sự chỉ quy định chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự là cá nhân và pháp nhân, đồng thời quy định riêng về việc tham gia quan hệ pháp luật dân sự của các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, các tổ chức không có tư cách pháp nhân. Lý do là các thành viên hộ gia đình thường xuyên thay đổi, tài sản chung, lợi ích chung cũng rất khó xác định cụ thể. Với tổ hợp tác, hiện nay gần 80% tổ hợp tác không đăng ký chứng thực và quy định hiện hành về tổ hợp tác gây nhiều khó khăn trong việc xác định tư cách pháp lý, dân sự. Việc chỉ quy định chủ thể quan hệ pháp luật dân sự là cá nhân và pháp nhân phù hợp với thông lệ quốc tế, khắc phục được hạn chế của Bộ luật hiện hành.

Tuy nhiên, cũng có quan điểm đề nghị tiếp tục quy định như Bộ luật hiện hành vì hộ gia đình, tổ hợp tác là những thực thể đang tồn tại và tham gia vào nhiều quan hệ pháp luật dân sự như sử dụng đất đai, điện, nước, kinh doanh… Một số luật chuyên ngành cũng đã ghi nhận đây là những chủ thể của quan hệ pháp luật.

Theo ông Hồ Quang Huy, vấn đề khó nhất đặt ra là nếu bỏ hộ gia đình ra khỏi Luật Dân sự với tư cách chủ thể thì điều chỉnh quan hệ đã xác lập trước ngày Luật này có hiệu lực thế nào. Về tổ hợp tác, hiện nay có 370.000 tổ hợp tác, các chủ thể này cũng tham gia giao dịch pháp luật, vậy phải điều chỉnh ra sao?

Cho vay hộ gia đình đi kèm rủi ro lớn

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico cho biết, các chủ thể là hộ kinh doanh, hộ gia đình, tổ hợp tác… chỉ có ở Việt Nam. Đây là những chủ thể rất khó xác định, thực tế để làm rõ cần phải liệt kê hết số người thuộc chủ thể. Một điều nguy hiểm là nếu như với công ty, chỉ cần biểu quyết đạt trên 50% là quyết định thì đối với hộ gia đình, nếu lấy ý kiến đạt 9/10 cũng vô ích. Và đây chính là một tình huống phổ biến khiến hợp đồng thế chấp vô hiệu.

Đại diện một NHTM cũng nêu lên những khó khăn tương tự về khái niệm về hộ kinh doanh trong giao dịch dân sự. Hiện nay, khái niệm này chỉ xuất hiện ở đăng ký hộ kinh doanh, ngoài ra không có quy định pháp lý nào về đối tượng này.

Theo bà Trần Thị Hồng Hạnh, Tổng thư ký VNBA, việc xác định thế nào là hộ gia đình, thành viên hộ gia đình, người thừa kế không rõ ràng khiến hoạt động cho vay gặp nhiều rủi ro, ngân hàng càng đẩy mạnh cho vay hộ gia đình thì đi kèm theo rủi ro càng lớn.

Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, đã 22 năm trôi qua, kể từ khi hộ gia đình được đưa vào thành một chủ thể trong Luật Đất đai mà vẫn chưa có hướng dẫn nào cụ thể về chủ thể này. Giải pháp cơ bản và hợp lý nhất là loại bỏ chủ thể này trong quan hệ dân sự theo hướng đang quy định tại dự thảo Bộ luật Dân sự./.

Hoàng Yến

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam