HSBC: Lạm phát đã chạm đáy trong tháng 1

16:07 | 04/02/2015 Print
Lạm phát được cho là chạm đáy trong tháng 1 sau 5 tháng giảm liên tục, khi giá điện tăng và tăng trưởng tín dụng nhanh hơn. Việc phân bổ hiệu quả các khoản vay và nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư của Nhà nước đang là những thách thức lớn nhất với Việt Nam năm 2015.

Lam phat

Lạm phát chạm đáy trong tháng 1

Báo cáo triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 2 của ngân hàng HSBC cho biết, sau khi chiến đấu với mức lạm phát quá cao trong năm 2011 (đỉnh điểm là mức 23%) thì lạm phát giảm đang trở thành một vấn đề quan tâm trong những tháng gần đây.

Theo đánh giá, mức giảm lạm phát “tốt” của Việt Nam có thể hỗ trợ cho tăng trưởng. Trong 5 tháng qua, giá cả giảm trung bình khoảng 0,2% so với tháng trước. Việc giảm giá này chủ yếu là do giá dầu rẻ hơn và có thể còn tiếp tục giảm trong năm 2015. Tuy nhiên, lạm phát có thể đã chạm đáy trong tháng 1 sau 5 tháng giảm liên tục, khi giá điện tăng và tăng trưởng tín dụng nhanh hơn. Giá điện dự kiến sẽ tăng 9,5% trong năm 2015 còn Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang đề ra mục tiêu tăng trưởng 13-15%. Hai yếu tố này có thể gây áp lực lên giá cả dù rất nhẹ. Cùng với chi phí dịch vụ xã hội tăng cao, nhu cầu trong nước đang dần cải thiện cũng sẽ đặt áp lực lên giá cả.

Đối với lĩnh vực xuất khẩu, các chuyên gia của HSBC cho rằng, tình trạng giảm phát, nợ nần và cầu giảm trên thế giới sẽ gây áp lực với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Tăng trưởng xuất khẩu có thể giảm từ mức 13,6% trong năm 2014 xuống còn 12% trong năm 2015.

Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đối nghịch với Mỹ, châu Âu và Nhật Bản, vì vậy, sự mất giá của đồng Euro hay yên Nhật sẽ không ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc và các quốc gia ASEAN giảm giá đồng tiền của họ thì có thể gây thiệt hại cho năng lực xuất khẩu của Việt Nam, mặc dù bộ phận tỷ giá của HSBC không dự đoán sẽ có sự giảm giá mạnh của cặp tỷ giá Nhân dân tệ và đô la Mỹ từ nay đến cuối năm 2015.

Đầu tư của khu vực Nhà nước vẫn tăng

Như vậy, cầu suy yếu từ bên ngoài và lạm phát giảm từ bên trong có thể không là vấn đề đáng lo ngại nhất với Việt Nam. Thách thức lớn nhất đối với Việt Nam ở trong ngắn hạn và trung hạn, theo phân tích của HSBC, có thể là do cấu trúc nền kinh tế, đặc biệt là phân bổ các khoản tín dụng như thế nào.

Hiện tại, hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đang tăng thiếu hiệu quả. Năm 2011, thị phần đầu tư của khối Nhà nước là 37% trong khi sản lượng là 32%. Trong hai năm qua, vấn đề nổi lên là thị phần đầu tư Nhà nước lên 40,4% trong khi thị phần sản lượng chỉ 32,2%. Nói cách khác, mặc dù đã chiếm phần lớn hơn trong phân bổ nguồn vốn, khu vực Nhà nước vẫn chưa thể cải thiện sản lượng của mình.

Đây là vấn đề đáng lo nhất khi đầu tư của khối nhà nước vẫn tăng trong vài năm gần đây. Mặc dù GDP cả nước vẫn có thể tăng trong năm 2015, hiệu quả hoạt động vẫn còn dưới mức tiềm năng nên các DN tư nhân nội địa, những thành tố xuất sắc của Việt Nam tiếp tục bị cản trở.

Chính vì vậy, báo cáo cho rằng thách thức lớn nhất trong thời gian tới với Việt Nam vẫn là sự phát triển hạn chế để tạo ra một cơ cấu nhằm phân bổ tín dụng hiệu quả hơn. Tiến độ cải tổ lĩnh vực ngân hàng, DNNN và hoạt động đầu tư công vẫn chậm so với dự định.

Năm 2015, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 13-15%, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,2%. Mục tiêu này cũng gần bằng dự đoán tăng trưởng của HSBC với Việt Nam là 6,1% cho năm 2015. Tuy nhiên, HSBC tiếp tục cảnh báo về tiềm năng tăng trưởng dài hạn của Việt Nam, đặc biệt là các ngành hoạt động hiệu quả nhất của nền kinh tế là ngành tư nhân trong nước tiếp tục bị các DNNN lấn lướt./.

Hoàng Yến

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam