Biến động tỷ giá USD/VND: Hết đường lùi!

12:11 | 19/11/2014 Print
Tự chốt đường lùi, chính sách tỷ giá thể hiện sự kiên định và đảm bảo định hướng thị trường. Nhưng trong một số tình huống, đó không hẳn là một lựa chọn khôn ngoan.

tỷ giá

Thông tin không điều chỉnh cho đến hết năm 2014 có giá trị đập tan kỳ vọng của thị trường và tin đồn liên quan. Ảnh minh họa

Tự chốt đường lùi, chính sách tỷ giá thể hiện sự kiên định và đảm bảo định hướng thị trường. Nhưng trong một số tình huống, đó không hẳn là một lựa chọn khôn ngoan.

Những năm 2008 - 2011, thị trường vàng liên tục biến động với nhiều xáo trộn. Thời đó, mỗi khi bão giá, Ngân hàng Nhà nước gần như chỉ biết dùng đến liều thuốc quen thuộc là tuyên bố cho nhập khẩu vàng.

Nay, với tỷ giá, dù từ đầu năm đã có định hướng như cam kết giữ ổn định trong quãng biên độ nhất định, nhưng thị trường vẫn thường nhăm nhe biến động. Liều thuốc cắt cơn tạm thời mà Ngân hàng Nhà nước quen đưa ra là lý giải về nguyên nhân tin đồn, tâm lý, cùng thông điệp kiên quyết giữ ổn định.

Sức mạnh của tin đồn

Ngày 18/11, một lần nữa tỷ giá USD/VND biến động mạnh. Mức tăng tới 50 VND chỉ trong vòng 1 giờ đầu ngày - quá đặc biệt, vì sự mạnh bạo đó thường chỉ có ở những thời điểm xáo trộn từ 2011 trở về trước.

Tính chung sự ngấm ngầm đi lên từ đầu tháng 11/2014 đến nay, tỷ giá USD/VND đã lên tới 150 VND. Với các giao dịch cá nhân nhỏ lẻ, thay đổi dưới 1% là không lớn, nhưng với các giao dịch thanh toán xuất nhập khẩu, trả nợ quy mô lớn thì đó là một chi phí đáng để lo vì nó diễn ra quá nhanh chỉ trong vài tuần.

Dù vẫn nằm trong biên độ kiểm soát +/-1% theo tỷ giá bình quân liên ngân hàng, nhưng trước sự đột biến đó, tối 18/11, Ngân hàng Nhà nước một lần nữa phải lên tiếng trấn an. Chỉ mới một tháng trước đó, nhà điều hành cũng đã phải làm điều này.

Điểm chung trong thông điệp của hai lần trấn an vừa qua là: tỷ giá biến động được giải thích bởi tác động tin đồn Ngân hàng Nhà nước sắp điều chỉnh, cùng đó là nguyên nhân tâm lý, gắn với định hướng “nếu cần thiết” sẽ bán ngoại tệ ra bình ổn.

Có sức nặng hơn, thông điệp lần này được nhấn mạnh: “Ngân hàng Nhà nước khẳng định không có lý do gì để điều chỉnh tỷ giá”.

Giải thích cho khẳng định trên, Ngân hàng Nhà nước cho biết: Thứ nhất, cung cầu ngoại tệ vẫn ổn định, nguồn cung ngoại tệ diễn biến tích cực trong khi chưa xuất hiện nhu cầu lớn về ngoại tệ. Trong 10 tháng đầu năm, cả nước xuất siêu 2,36 tỷ USD, cán cân thanh toán tổng thể thặng dư ở mức cao trên 11 tỷ USD. Thứ hai, giải ngân FDI và nguồn kiều hối đều tăng so với cùng kỳ năm trước và tiếp tục diễn biến khả quan trong thời gian tới, nhất là vào dịp cuối năm.

Đặc biệt, cơ quan giám sát thị trường này cho rằng, thứ ba, trên thị trường ngoại tệ, doanh số giao dịch, hoạt động mua bán ngoại tệ diễn ra bình thường, không có gì đột biến. Hệ thống tổ chức tín dụng tiếp tục mua ròng ngoại tệ từ khách hàng tổ chức và cá nhân, cho thấy nhu cầu ngoại tệ của khách hàng không những được đáp ứng đầy đủ mà tổ chức và cá nhân còn bán ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng.

Doanh nghiệp và cá nhân vẫn bán ròng ngoại tệ cho ngân hàng, thế nhưng tỷ giá vẫn tăng đột biến. Liệu có yếu tố “làm sóng” trong nội bộ hệ thống hay không?

Còn với tin đồn, một lần nữa nó được Ngân hàng Nhà nước đưa ra. Đúng là, một bước tăng quá đặc biệt và mạnh bạo chỉ trong 1 giờ giao dịch nói trên thường chỉ được tạo bởi sức mạnh của tin đồn.

Chỉ có điều, trong một thị trường có định hướng điều hành cụ thể như với cam kết quãng ổn định tỷ giá, mà tin đồn thường nảy sinh như vậy. Cũng lưu ý rằng, môi trường của tin đồn là sự thiếu minh bạch, thông tin và các dữ liệu liên quan không rõ ràng, và đáng lo hơn là nó thường đi cùng với sự thiếu niềm tin.

Hết cửa lùi cho chính sách

Cùng với khẳng định không có lý do gì để điều chỉnh tỷ giá USD/VND, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tuyên bố thêm: không điều chỉnh cho đến hết năm 2014.

Vậy, qua năm 2014 thì sao? Đó là tính toán của tương lai chỉ hơn một tháng nữa. Còn hiện tại, với biến động hiện nay, thông điệp trên được nhìn nhận ở một số hướng.

Thứ nhất, nhà điều hành lập tức có thông điệp trấn an thị trường. Đặc biệt, thông tin không điều chỉnh cho đến hết năm 2014 có giá trị đập tan kỳ vọng của thị trường và tin đồn liên quan.

Điều đó là sự bảo hộ cần thiết cho các quyết định, lợi ích liên quan đến biến động của tỷ giá. Còn Ngân hàng Nhà nước thể hiện lập trường kiên định của chính sách, quyết tâm giữ ổn định.

Thứ hai, tỷ giá USD/VND đến hết năm nay chắc chắn phải được giữ ổn định theo tuyên bố trên. Trường hợp có biến động, để thực hiện cam kết, Ngân hàng Nhà nước chỉ còn cách sử dụng quỹ dự trữ ngoại hối bán ra để can thiệp.

Từ sau đợt biến động cuối tháng 6/2014 đến nay, dễ thấy Ngân hàng Nhà nước gần như đã không còn mua vào được ngoại tệ để gia tăng dự trữ nữa. Trong khi đó, ngày 18/11, tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng đã chính thức chạm mốc 21.400 VND - mức Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước xác định bán ra.

Thứ ba, cũng vì tuyên bố không điều chỉnh trên, bên cạnh giá trị dẹp tin đồn và kỳ vọng của thị trường, thì nó có hạn chế như một sự lựa chọn không khôn ngoan của chính sách. Nói cách khác, với tuyên bố đó, Ngân hàng Nhà nước đã hết cửa lùi, nếu tỷ giá biến động chỉ còn cách là bán ra để can thiệp tức thời mà thôi.

Có lẽ, nhà điều hành hẳn đã tính toán: thời gian còn lại của năm 2014 chỉ hơn một tháng nữa thôi; các cân đối liên quan đến tỷ giá đang thuận lợi; nếu có bất đối xứng cung - cầu thì có thể không quá lớn, mà nằm trong tầm kiểm soát.

Thế nhưng, tuyên bố trên đã cắt đi một lựa chọn chủ động điều chỉnh tỷ giá của nhà điều hành. Quyền năng và lựa chọn này không phải là vô giá trị, nhất là trong tình huống thị trường có những yếu tố bất ngờ, những phát sinh đòi hỏi phải dùng đến nó. Hoặc khi có những phát sinh và đòi hỏi đó, việc vẫn quyết tâm cứng nhắc không điều chỉnh có thể khiến chính sách, thị trường trở nên méo mó.

Tất nhiên, như trên, thời gian còn lại để thực hiện tuyên bố đó chỉ còn hơn một tháng nữa thôi. Hơn nữa, trước nhiều biến số, thật khó để có một lựa chọn hoàn hảo và an toàn tuyệt đối cho chính sách, nhất là với sự nhạy cảm và tiềm ẩn nhiều biến động như tỷ giá./.

Chính Trung

Chính Trung

© Thời báo Tài chính Việt Nam