Xuất 59.000 tỷ đồng cho vay mua nông sản chế biến xuất khẩu

16:15 | 27/10/2014 Print
Theo Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, từ đầu năm đến nay, ngành ngân hàng vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã cho nông dân và doanh nghiệp vay 59.000 tỷ đồng (vốn ngắn hạn) nuôi và mua nguyên liệu cá tra, gạo để chế biến xuất khẩu, tương đương với mức cho vay cùng kỳ năm 2013.

chay vay che bien xuat khau

Trong đó, cho vay mua gạo 28.000 tỷ đồng, cho vay nuôi, mua cá tra 31.000 tỷ đồng.

Số vốn kể trên đã góp phần nâng diện tích nuôi cá tra toàn vùng lên 6.400 ha. Đến ngày 20/10 đã thu hoạch được trên 5.000 ha với sản lượng 902.325 tấn, cung ứng nguồn nguyên liệu cho trên 100 nhà máy chế biến và đã xuất khẩu được trên 540.000 tấn, trị giá 1,4 tỷ USD, đạt 77% kế hoạch năm.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đã mua 4,6 triệu tấn gạo, tương đương 9,2 triệu tấn lúa hàng hóa và đã chế biến xuất khẩu trên 4,3 triệu tấn, đạt giá trị 1,95 tỷ USD.

Ngành ngân hàng hoàn thiện cơ chế điều hành lãi suất linh hoạt, phù hợp thực tế nhằm ổn định tiền tệ và góp phần thúc đẩy kinh tế tăng trưởng đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng đẩy mạnh huy động các nguồn vốn nhàn rỗi trong xã hội để mở rộng cho vay, đáp ứng nhu cầu vốn phát triển kinh tế và tăng tốc độ luân chuyển vốn.

Cùng với đó, các tỉnh trong vùng lành mạnh hoá hoạt động ngân hàng, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của hệ thống ngân hàng vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh hội nhập quốc tế bằng cách minh bạch, đơn giản hóa thủ tục hành chính; tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên nghiệp; cung cấp thông tin đầy đủ cho khách hàng bằng nhiều hình thức để khách hàng tiếp cận được sản phẩm dịch vụ phù hợp.

Tuy nhiên, theo Hiệp hội cá tra Việt Nam, trong quá trình nuôi và mua nguyên liệu cá tra để chế biến xuất khẩu vẫn chưa hết khó khăn. Hiện nay chi phí cho 1ha mặt nước nuôi cá tra tại Đồng bằng sông Cửu Long từ 7 - 8 tỷ đồng, thời gian nuôi mỗi vụ từ 7 – 8 tháng, dài hơn trước đây.

Trong khi đó ngân hàng chỉ cho vay vốn trong 6 tháng với hạn mức vài trăm triệu đồng/ha, chỉ đáp ứng một phần nhu cầu. Các doanh nghiệp chế biến cũng gặp khó khăn trong kinh doanh do lãi suất vay ngân hàng giảm không đáng kể.

Ngoài ra, việc giải ngân cho người nuôi và doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra vay vốn còn gặp khó khăn do việc giãn nợ cũ, cơ cấu lại nợ cũ chỉ thực hiện được đối với những khoản nợ còn trong hạn.

Đối với những doanh nghiệp, hộ dân đã phát sinh nợ xấu thì không đủ điều kiện để vay vốn. Nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra cũng không đáp ứng được điều kiện vay mới vì đang còn nợ cũ hoặc không còn tài sản bảo đảm cho khoản vay mới./.

Thế Đạt/TTX

Thế Đạt/TTX

© Thời báo Tài chính Việt Nam