Nhiều ngân hàng ưu đãi cho vay khai thác hải sản

12:46 | 27/08/2014 Print
Không chỉ được vay vốn ưu đãi để đóng tàu, ngư dân còn được vay vốn lưu động ngắn hạn để đảm bảo chi phí khai thác hải sản và cung cấp dịch vụ hậu cần khai thác hải sản.

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đang triển khai chương trình cho vay phát triển thủy sản theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP.

Theo đó, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã triển khai chương trình tín dụng cho thủy sản trị giá 15.000 tỷ đồng.

Chương trình gồm cho vay đóng mới, nâng cấp tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá, cho vay vốn lưu động để khai thác hải sản và cung cấp dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ theo chính sách của Nghị định 67/2014/NĐ-CP; cho vay ngắn hạn thi công đóng tàu; cho vay các dự án đầu tư theo hình thức BT; cho vay ứng trước vốn đối với chương trình phát triển thủy sản do vốn ngân sách Nhà nước bố trí; cho vay phát triển nuôi trồng, sản xuất giống, chế biến thủy hải sản và gia tăng năng lực chế biến hải sản, cá ngừ đại dương.

Trước đó, BIDV cũng đã đăng ký triển khai gói tín dụng 3.000 tỷ đồng đầu tư phát triển đội tàu cung cấp dịch vụ hậu cần, khai thác hải sản xa bờ và cho vay vốn lưu động hỗ trợ chủ tàu, ngư dân.

bien

Chính phủ có nhiều chính sách ưu đãi cho ngư dân. Ảnh: ĐT

Tiếp theo BIDV, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết đang triển khai 1.000 tỷ đồng chương trình cho vay phát triển thủy sản theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP.

Theo chương trình của Vietcombank, các chủ tàu sẽ được vay tối đa 70% tổng giá trị đầu tư đóng mới đối với tàu vỏ gỗ với lãi suất 7%/năm (chủ tàu trả 3%/năm, NSNN cấp bù 4%/năm) và tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới đối với tàu vỏ thép với lãi suất 7%/năm (chủ tàu trả 1%/năm, NSNN cấp bù 6%/năm).

Chủ tàu được thế chấp giá trị tài sản hình thành từ vốn vay là tàu đóng mới hoặc tàu nâng cấp để bảo đảm khoản vay.

Chủ tàu cũng được vay vốn lưu động ngắn hạn để đảm bảo chi phí khai thác hải sản, cung cấp dịch vụ hậu cần khai thác hải sản với hạn mức tối đa 70% giá trị cung cấp dịch vụ này và đảm bảo chi phí cho một chuyến đi biển đối với tàu khai thác hải sản với lãi suất 7%/năm.

Vietcombank sẽ triển khai chương trình này trên toàn hệ thống, đặc biệt là các chi nhánh thuộc các tỉnh, thành phố ven biển.

Cùng với các chương trình tín dụng, các ngân hàng cũng tích cực triển khai các chương trình xã hội hướng về biển đảo. Bà Lê Thu Thủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) cho biết ngân hàng này quyết định ủng hộ 1 tỷ đồng cho chương trình “Nghĩa tình biên giới, biển đảo quê hương” nhằm hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ và mong muốn hỗ trợ các lực lượng Bộ đội Biên phòng, Kiểm ngư, Cảnh sát biển và bà con ngư dân tiếp tục nhiệm vụ bám biển bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.

Theo VGP

Theo VGP

© Thời báo Tài chính Việt Nam