Nợ xấu tăng thêm hơn 16.700 tỷ đồng

17:26 | 01/07/2014 Print
Tính đến tháng 4/2014, tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng đã tăng lên xấp xỉ 4,033% từ mức 3,61% cuối năm 2013. Như vậy, tính theo tổng dư nợ, con số nợ xấu đã tăng thêm khoảng 16.719 tỷ đồng lên mức 142.274 tỷ đồng.

No xau

Tỷ lệ nợ xấu từ tháng 1 đến tháng 4/2014 tăng dần, theo công bố của NHNN. Nguồn: NHNN

Theo số liệu mới cập nhật của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến hết tháng 4, tổng phương tiện thanh toán trong hệ thống đã tăng 3,73% lên mức 4.565.050 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế giảm 3,73%, xuống mức 1.529.050 tỷ đồng. Còn tiền gửi của dân cư tăng 9,83% lên mức 2.357.119 tỷ đồng.

Về dư nợ tín dụng, tính đến hết tháng 4, tổng dư nợ tín dụng là 3.527.747 tỷ đồng, tăng 1,43%. Trong đó, đáng chú ý là tỷ lệ nợ xấu tăng dần đều từ đầu năm lên mức 4,033% trong tháng 4, so với cuối năm 2013 là khoảng 3,61% (tương ứng dư nợ 3.477.985 tỷ đồng). Với tỷ lệ này, số dư nợ xấu tương đương của tháng 4 vào khoảng 142.274 tỷ đồng, tăng 16.719 tỷ đồng so với cuối năm 2013.

Cần lưu ý rằng, đây là những con số được tổng hợp từ báo cáo chính thức của các tổ chức tín dụng, khác với con số qua kênh giám sát từ xa của NHNN. Đồng thời, tính đến ngày 15/6, VAMC cũng đã mua được khoảng 47.000 tỷ đồng nợ xấu, làm sạch phần nào số nợ xấu trong hệ thống ngân hàng.

Như vậy sau nhiều nỗ lực của NHNN để giảm dần tỷ lệ nợ xấu trong năm 2013, đến nay, con số nợ xấu lại bắt đầu tăng trở lại. Đây tiếp tục là vấn đề mấu chốt gây tắc nghẽn dòng vốn hiện nay.

No xau 2013
Tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh vào cuối năm 2013. Nguồn: NHNN

Theo các chuyên gia của HSBC, việc nợ xấu chưa được giải quyết rốt ráo đã khiến các hộ gia đình và doanh nghiệp tiếp tục thắt chặt chi tiêu. Chính vì nhu cầu yếu như vậy khiến dòng vốn không thể đưa vào sản xuất kinh doanh mà lại quẩn quanh trong hệ thống ngân hàng.

Mới đây, ông Phạm Xuân Hòe - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết, tính đến hết tháng 6, tốc độ tăng trưởng tín dụng mới đạt 2,3%, chưa bằng 1/5 chỉ tiêu của cả năm. Trong khi đó, dòng tiền của các ngân hàng thương mại lại tập trung từ 87% đến 90% vào trái phiếu Chính phủ và tín phiếu.

Theo TS. Tô Trung Thành (nhóm tư vấn chính sách kinh tế vĩ mô), điều này khiến cho các ngân hàng đang dần trở thành ngân hàng của Chính phủ, các dòng vốn được đổ vào khu vực công thay vì đưa vào khu vực doanh nghiệp để sản xuất kinh doanh. Đồng thời, các ngân hàng thương mại khó có thể cải thiện được hiệu quả hoạt động kinh doanh một khi họ phải giữ một khối lượng lớn trái phiếu, tín phiếu có mức lãi suất thấp trong danh mục đầu tư của mình.

Hoàng Yến

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam