Vay vốn bằng ngoại tệ vẫn hấp dẫn bất chấp tỷ giá tăng

15:43 | 26/06/2014 Print
Biên điều chỉnh tỷ giá cho năm nay vẫn còn 1% nữa, tuy nhiên tỷ giá dù có bị đẩy hết biên độ cho phép thì tính hấp dẫn của việc vay vốn bằng ngoại tệ vẫn cao, khi mà lãi suất vay tiền USD đang thấp hơn tiền VND, chỉ tính riêng kỳ hạn ngắn, ít nhất là 3-3,5%.

ngoại tệ

>> Tỷ giá tăng: Kẻ cười, người khóc

Vào tuần trước, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tỷ giá giữa VND và USD thêm 1%. Việc điều chỉnh này được kỳ vọng phần nào sẽ ngăn bớt dòng tín dụng ngoại tệ vốn đang chảy khá nhanh ra thị trường.

Nửa đầu năm 2014, tốc độ giải ngân vốn bằng ngoại tệ của các tổ chức tín dụng ước đạt 10%, tức là cao hơn 7 lần so với tăng trưởng tín dụng chung của toàn nền kinh tế. Tỷ lệ cho vay trên huy động đang tiệm cận con số 100%.

Tín dụng ngoại tệ đã và đang được giải ngân khá mạnh ra nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm nay, trái ngược hoàn toàn so với xu hướng giảm suốt 3 năm trước đó.

Ông Lê Thẩm Dương, Chuyên gia kinh tế nhận định: “Vay ngoại tệ vẫn nằm trong nhóm được ưu tiên, kinh tế Việt Nam hướng xuất khẩu nên nhu cầu ngoại tệ nhập nguyên liệu lớn. Thứ hai, mặc dù vừa rồi tỷ giá điều chỉnh nhưng không nhiều, có lợi thì họ mới vay”.

Sau gần 1 năm đứng yên, Ngân hàng Nhà nước vừa có động thái điều chỉnh lãi suất giữa VND và USD thêm 1% nhằm đáp ứng những kỳ vọng của thị trường. Sau khi điều chỉnh, lãi suất niêm yết tại các ngân hàng vẫn đang có sự tăng giảm đan xen. Theo ước tính của các ngân hàng thương mại, tín dụng ngoại tệ kỳ hạn ngắn đang chiếm tới 80-90% tỷ trọng cho vay ngoại tệ.

Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc phòng Kinh doanh Vốn và Ngoại tệ - HSBC Việt Nam cho biết: “Những khoản vay ngoại tệ thường là 3-6 tháng, nên tỷ giá điều chỉnh có thể ảnh hưởng tới những quyết định vay vốn của doanh nghiệp”.

Biên điều chỉnh tỷ giá cho năm nay vẫn còn 1% nữa, tuy nhiên tỷ giá dù có bị đẩy hết biên độ cho phép thì tính hấp dẫn của việc vay vốn bằng ngoại tệ vẫn cao, khi mà lãi suất vay tiền USD đang thấp hơn tiền VND, chỉ tính riêng kỳ hạn ngắn, ít nhất là 3-3,5%. Và trong trường hợp này, tín dụng ngoại tệ dường như đang đi ngược định hướng của cơ quan quản lý./.

Theo vtv.vn

Theo vtv.vn

© Thời báo Tài chính Việt Nam