Bảo hiểm phi nhân thọ đạt kết quả kinh doanh ấn tượng trong quý 1

11:13 | 11/05/2014 Print
Báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2014 từ Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho thấy, kết thúc quý I thị trường bảo hiểm phi nhân thọ đạt kết quả ấn tượng với tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc là 6.392 tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ.

Thời gian tới đây, hàng loạt các cơ chế, chính sách nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho sự phát triển của thị trường sẽ được ban hành, kỳ vọng giúp thị trường tiếp tục tăng trưởng tốt.

Bảo Việt mất "ngôi vương"

Theo số liệu của Cục quản lý giám sát bảo hiểm, kết thúc quý I tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc của thị trường phi nhân thọ ước đạt 6.392 tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2013.

Đáng chú ý, Tổng công ty Bảo hiểm PVI (PVI) đã vượt qua Bảo Việt, vươn lên vị trí dẫn đầu thị trường về doanh thu phí bảo hiểm gốc với tổng doanh thu đạt 1.370 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ, chiếm 21,4% thị phần.

Bảo hiểm Bảo Việt, vốn luôn nắm giữ vị trí số 1 đã phải lùi xuống xếp vị trí thứ 2 với tổng doanh thu là 1.363 tỷ đồng, tăng 3,6%, chiếm 21,3% thị phần. Bảo Minh đạt doanh thu 640 tỷ đồng, tăng 15,2%, chiếm thị phần 10% , bảo hiểm PJICO đạt doanh thu 483,5 tỷ đồng, tăng 1%, chiếm thị phần 7,6%, bảo hiểm Bưu điện (PTI) có doanh thu 478,8 tỷ đồng, tăng 31,8%, chiếm thị phần 7,5%...

bảo hiêm xe cơ giới
Bảo hiểm xe cơ giới là nghiệp vụ chiếm tỷ trọng doanh thu lớn của DNBH phi nhân thọ. Ảnh: T.L

Ngoài các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) dẫn đầu, thị trường ghi nhận nhiều DNBH có tỷ lệ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm gốc tăng trên 50% so với cùng kỳ như bảo hiểm Phú Hưng, doanh thu bảo hiểm gốc tăng 82%, bảo hiểm Bảo Ngân tăng 81,8%.

Lãnh đạo bảo hiểm PVI cho biết, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô và môi trường kinh doanh còn nhiều khó khăn, những tháng đầu năm bảo hiểm PVI đã tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng bằng các dịch vụ gia tăng giá trị sản phẩm như Call Center, trung tâm bảo lãnh viện phí…, thực hiện tốt công tác tư vấn, cung cấp dịch vụ bảo hiểm trong ngành và phát triển ra ngoài ngành dầu khí để hoàn thành kế hoạch đề ra.

Trước đó, trong báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất quý 1 của Tổng CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIC) cho thấy, so với cùng kỳ, doanh thu phí bảo hiểm gốc của DN này cũng tăng đáng kể từ 185 tỷ đồng lên 256 tỷ đồng, tương đương mức tăng 38,4%. Bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm hàng hóa vận chuyển là 2 mảng hoạt động chiếm tỷ trọng doanh thu lớn nhất và tăng mạnh nhất trong quý I của DN này.

Lãnh đạo BIC cho biết, kết quả kinh doanh tăng một phần là nhờ tăng trưởng lợi nhuận thu được từ khoản đầu tư góp vốn vào công ty con Liên doanh bảo hiểm Lào Việt (LVI).

18/29 DNBH có tỷ lệ bồi thường thấp

Theo số liệu của Cục quản lý giám sát bảo hiểm, trong quý I, số tiền thực bồi thường bảo hiểm gốc của thị trường phi nhân thọ là 2.293 tỷ đồng, tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc là 35,88% thấp hơn tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc cùng kỳ năm 2013 (48,96%).

18/29 DNBH có tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc thấp hơn tỷ lệ bồi thường của toàn thị trường. 11 DNBH còn lại có tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc cao hơn tỷ lệ bồi thường của toàn thị trường, trong đó có 5 DNBH tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc trên 50% là bảo hiểm Fubon (195,8%), Bảo hiểm MSIG Việt Nam (178,79%), bảo hiểm ABIC (149,5%), bảo hiểm Cathay (55,8%), bảo hiểm Liberty (51,3%).

Đánh giá về thị trường bảo hiểm những tháng đầu năm, lãnh đạo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam chia sẻ, với nỗ lực của cơ quan quản lý và của chính DNBH, quý I thị trường bảo hiểm đã có được kết quả khả quan, tỷ lệ bồi thường thấp hơn so với cùng kỳ, tuy nhiên tình trạng cạnh tranh không lành mạnh bằng hạ phí, mở rộng điều khoản, điều kiện…vẫn xẩy ra.

Để tháo gỡ những khó khăn trên, DNBH cần nói “không” với tăng trưởng nóng, công khai, minh bạch từ quy tắc, điều khoản, điều kiện bảo hiểm đến giám định, bồi thường, phòng chống trục lợi bảo hiểm hiệu quả, khơi thông tiềm năng đầu tư, danh mục đầu tư…để duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong quý II.

“Hiện dự thảo các Thông tư sửa đổi, bổ sung như: Thông tư 124 hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 45/2007/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm; Thông tư 125 hướng dẫn chế độ tài chính đối với DNBH; Thông tư 153 về chỉ tiêu giám sát các DNBH… đang được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến các DNBH, khi thông qua sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của thị trường thời gian tới”, lãnh đạo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết./.

Hồng Chi

Hồng Chi

© Thời báo Tài chính Việt Nam