Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu: Gỡ khó để thu hút doanh nghiệp

10:54 | 18/04/2014 Print
Để phát triển bảo hiểm tín dụng xuất khẩu (BHTDXK), thời gian tới Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu, sửa đổi cơ chế chính sách trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi áp dụng cho DN theo hướng, cho phép DN (thương nhân) nếu tham gia BHTDXK thì không phải trích dự phòng nợ phải thu khó đòi đối với hàng hóa, sản phẩm tham gia BHTDXK.

Đề án thí điểm BHTDXK được thực hiện trong giai đoạn 2011- 2013 với mục tiêu đưa ra sản phẩm mới, góp phần bảo hiểm rủi ro trong thanh toán cho thương nhân xuất khẩu (XK) và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp XK, qua 3 năm triển khai đã có những thành công bước đầu với số lượng hợp đồng tăng dần qua các năm.

Số lượng hợp đồng tăng qua các năm

Số liệu của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính về thực hiện thí điểm BHTDXK cho thấy, kết thúc thí điểm BHTDXK, các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) đã cấp được 46 hợp đồng bảo hiểm, trong đó có 23 hợp đồng BHTDXK và 23 hợp đồng bảo hiểm hỗn hợp bảo hiểm với tổng kim ngạch XK được bảo hiểm là 12.592 tỷ đồng. Tổng phí bảo hiểm thu được là 17,23 tỷ đồng, tổng số tiền bồi thường là 13,33 tỷ đồng.

bao hiem tín dụng xuất khẩu
DNBH cấp được 46 hợp đồng bảo hiểm với tổng kim ngạch XK được bảo hiểm là 12.592 tỷ đồng. Ảnh: T.L

Trong đó, năm 2011, các DNBH cấp được 12 hợp đồng, tổng kim ngạch XK được bảo hiểm là 2.328 tỷ đồng, phí bảo hiểm thu được là 5,27 tỷ đồng, bồi thường 6,44 tỷ đồng. Năm 2012, DNBH cấp được 15 hợp đồng với tổng kim ngạch XK được bảo hiểm là 3.485 tỷ đồng, phí bảo hiểm thu được là 4,35 tỷ đồng, bồi thường 6,89 tỷ đồng.

Riêng trong năm 2013, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nên số lượng hợp đồng ký kết đã tăng, có 19 hợp đồng được ký kết, kim ngạch xuất khẩu được bảo hiểm là 6.779 tỷ đồng, phí bảo hiểm thu được là 7,61 tỷ đồng, chưa phát sinh bồi thường.

Đặc biệt, trong giai đoạn thí điểm, các DNBH đã chủ động khai thác đối với bảo hiểm tín dụng nội địa, cấp được 53 hợp đồng bảo hiểm tín dụng nội địa với tổng giá trị bảo hiểm là 50.558 tỷ đồng, phí bảo hiểm gần 60 tỷ đồng, bồi thường 21,2 tỷ đồng.

Mục tiêu 3% kim ngạch XK được bảo hiểm chưa đạt được

Đánh giá lại quá trình thí điểm BHTDXK có thể thấy, giá trị kim ngạch xuất khẩu tham gia BHTDXK còn thấp so với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa. Mục tiêu đến hết năm 2013, 3% kim ngạch XK được bảo hiểm chưa đạt được.

Tính cả giai đoạn 2011- 2013, tổng giá trị kim ngạch XK được bảo hiểm là 12.592 tỷ đồng, trong đó năm 2011 giá trị được bảo hiểm là 2.328 tỷ đồng, tương đương 0,12% kim ngạch XK; năm 2012 là 3.485 tỷ đồng, tương đương 0,14% kim ngạch XK; năm 2013 là 6.779 tỷ đồng, tương đương 0,26% kim ngạch XK ước tính.

Đặc biệt, số lượng mặt hàng tham gia BHTDXK còn hạn chế, có 23 mặt hàng thuộc 2 nhóm ngành hàng là đối tượng được khuyến khích tham gia BHTDXK nhưng thời gian qua chỉ có một số mặt hàng tham gia BHTDXK, như: Dịch vụ giao nhận vận tải; Phân phối sản phẩm rượu; Kinh doanh thiết bị điện và dụng cụ điện tử; Hóa chất và các sản phẩm từ nhựa; Thiết bị phát thanh (Cold-forging speaker); Quảng cáo; May mặc; Hóa chất....

Tháo gỡ vướng mắc để triển khai lâu dài

BHTDXK là một sản phẩm mới, có nhiều tiềm năng phát triển, mặc dù DNBH đã thiết lập cơ sở vật chất cần thiết để tạo đà phát triển BHTDXK, nhưng DNBH không có hệ thống dữ liệu thông tin tín dụng ở trong nước và nước ngoài mà phải phụ thuộc vào đối tác nước ngoài để có thể triển khai BHTDXK, điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình thu thập, đánh giá thông tin người mua phục vụ cho công tác đánh giá rủi ro và nhận bảo hiểm.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp XK, thương nhân chưa có thói quen mua BHTDXK, lại quan niệm mua BHTDXK sẽ làm tăng chi phí, dẫn đến tăng giá thành sản phẩm XK và làm giảm lợi thế cạnh tranh...đã gây khó khăn cho DNBH trong việc bán bảo hiểm cho thương nhân thời gian qua.

Theo các chuyên gia trong ngành, để thúc đẩy phát triển BHTDXK thì việc tuyên truyền, phổ biến nhận thức về BHTDXK cho doanh nghiệp XK, thương nhân là cần thiết và phải tăng cường trong thời gian tới.

Để hoạt động BHTDXK thực sự hỗ trợ cho doanh nghiệp XK và gia tăng kim ngạch XK, mới đây các bộ, ngành liên quan cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có những giải pháp cụ thể hơn cho mô hình này. Bộ Tài chính cũng đề nghị các DNBH hoàn thiện quy tắc, điều khoản BHTDXK và triển khai hoạt động này theo nguyên tắc tự nguyện.

Ngoài ra, để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia BHTDXK, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu, sửa đổi cơ chế chính sách trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi áp dụng cho các doanh nghiệp theo hướng, cho phép các doanh nghiệp (thương nhân) nếu tham gia BHTDXK thì không phải trích dự phòng nợ phải thu khó đòi đối với hàng hóa, sản phẩm tham gia BHTDXK trong năm nhằm thúc đẩy BHTDXK phát triển./.

Hồng Chi

Hồng Chi

© Thời báo Tài chính Việt Nam