Sáp nhập Southern Bank vào Sacombank: Sẽ làm gọn trong 2014

15:22 | 03/04/2014 Print
Ngân hàng Sacombank vừa trả lời những thắc mắc của cổ đông chưa được giải đáp tại đại hội cổ đông, trong đó giải thích về nguyên nhân kinh doanh vàng lỗ, về việc sáp nhập, quan hệ nợ vay giữa Sacombank và ngân hàng Phương Nam (Southern Bank)…

>> Sacombank trước vị đắng Southern Bank

>> Sáp nhập Southern Bank vào Sacombank: Chỉ 2,3% phủ quyết

>> Southern Bank với Sacombank: Ngửa bài!

>> Sáp nhập Southern Bank với Sacombank: Eximbank là 'chủ xị' hay 'quân cờ'?

Ngân hàng Phương Nam không vay tiền Sacombank

Tại cuộc họp ngày 25/3, nhiều cổ đông đã đặt câu hỏi về việc cho ngân hàng TMCP Phương Nam sáp nhập vào Sacombank. Trả lời các câu hỏi này, Sacombank cho biết đây là việc làm phù hợp với chủ trương của Chính phủ và NHNN về tái cấu trúc hệ thống các ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP).

Để chuẩn bị cho quá trình đó, Sacombank đã chuẩn bị đầy đủ các bước đi và lộ trình thích hợp cho quá trình sáp nhập. Việc sáp nhập với Ngân hàng Phương Nam sẽ giúp Sacombank mở rộng được hệ thống mạng lưới và thị phần, tăng khả năng cạnh tranh về lâu dài và đáp ứng được định hướng chung của NHNN trong đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015. Dự kiến việc sáp nhập sẽ hoàn tất trong năm 2014.

Về quan hệ vay nợ giữa Sacombank và Ngân hàng Phương Nam, Sacombank nêu rõ hoạt động giao dịch tiền gửi/ tiền vay liên ngân hàng tín chấp giữa Sacombank với các tổ chức tín dụng khác là hoạt động giao dịch bình thường nhằm hỗ trợ ổn định cân đối thanh khoản trong hệ thống Ngân hàng phù hợp với các quy định của NHNN. Theo đó, giao dịch phát sinh đối với Ngân hàng Phương Nam cũng nằm trong loại hình hoạt động này. Tính đến ngày 31/12/2013, dư nợ cho vay đối với Ngân hàng Phương Nam bằng 0.

sacombank
Đại hội cổ đông thường niên Sacombank 2014. Ảnh: NĐH

SBJ lỗ do đầu tư sai

Trả lời câu hỏi của cổ đông yêu cầu giải thích về kết quả kinh doanh lỗ của Công ty Vàng bạc đá quý (Sacombank – SBJ) năm 2013, Sacombank cho biết, hoạt động kinh doanh vàng trong những năm gần đây chịu ảnh hưởng bởi các quy định của NHNN, đặc biệt là qui định về đóng cửa sàn vàng và ngưng kinh doanh vàng miếng, là các lĩnh vực mà trước đây Sacombank - SBJ đã đầu tư lớn về máy móc thiết bị và hệ thống công nghệ thông tin.

Mặt khác, tình hình khó khăn chung của nền kinh tế làm cho doanh số kinh doanh trang sức bị giảm sút. Ngoài ra, do SBJ tập trung vào công tác tái cấu trúc, thanh lý các tài sản không còn sử dụng, giảm các khoản đầu tư, thu hẹp hoạt động nên kết quả kinh doanh đạt thấp.

Năm 2013, SBJ (hợp nhất) lỗ 59,6 tỷ đồng, lỗ theo báo cáo riêng là 43,4 tỷ đồng. Cụ thể: Lỗ do trích lập dư phòng tổn thất đầu tư vào 02 công ty con là 16,1 tỷ đồng; Lỗ do thanh lý dứt điểm khoản đầu tư vào công ty Sơn Tín (STE) là 15 tỷ đồng; Lỗ từ hoạt động kinh doanh là 12,3 tỷ đồng.

Do lường trước được những khó khăn nên Công ty đã chủ động thực hiện công tác tái cấu trúc hoạt động, cũng như tiết giảm chi phí hoạt động tối đa. Từ đầu năm và đặc biệt từ tháng 6/2013, chi phí hoạt động cuối năm giảm 45% so với đầu năm (trong đó chi phí lương giảm 34%, chi phí hoạt động và quản lý công vụ giảm 45%, chi tài sản giảm 64%).

Tuy nhiên, Sacombank cho rằng xét về tổng thể quá trình hoạt động, các năm trước đây Sacombank-SBJ đều có lãi. Cụ thể: năm 2009 lãi 55,6 tỷ đồng; năm 2010 lãi 14,2 tỷ đồng; năm 2011 lãi 52,1 tỷ đồng; năm 2012 lãi 16,1 tỷ đồng.

Trong năm tới, Sacombank-SBJ tiếp tục tập trung cho công tác tái cấu trúc, xác định mục tiêu kinh doanh trọng yếu, tăng cường chống lãng phí và thực hành tiết kiệm, chú trọng công tác quản trị chi phí hiệu quả, đảm bảo thu nhập đủ bù đắp chi phí.

Kiểm soát chặt nợ xấu và nợ cơ cấu

Nhiều cổ đông cũng thắc mắc về vấn đề nợ xấu, nợ tái cơ cấu của Sacombank. Ngân hàng này cho biết do ảnh hưởng của giai đoạn khủng hoảng kinh tế tiếp tục diễn tiến trong năm 2013 và kéo dài liên tục từ năm 2008 đến nay, nhiều khách hàng vay vốn tại Sacombank gặp nhiều khó khăn.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, Sacombank đã xem xét, rà soát và đánh giá kỹ các phương án đề nghị được hỗ trợ tái cơ cấu nợ của các khách hàng, từ đó đã có những giải pháp thực hiện cơ cấu, giãn nợ kịp thời theo đúng qui định nhằm hỗ trợ cho các khách hàng tiếp tục duy trì hoạt động, vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Theo đó, nợ xấu và nợ cơ cấu trong năm 2013 có tăng lên so với trước đó nhưng vẫn kiểm soát được chặt chẽ, đảm bảo tỷ lệ nợ xấu thấp hơn 3% so với mục tiêu kế hoạch đã đề ra.

Ngoài ra, Sacombank cũng giải thích lý do việc chuyển trích chi phí thù lao của HĐQT, Ban Kiểm soát từ lợi nhuận trước thuế thay vì sau thuế như trước kia; về cơ chế trích thưởng vượt chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận; chi tiết trích lập và sử dụng các quỹ…

Dương An

Dương An

© Thời báo Tài chính Việt Nam