Đẩy mạnh cổ phần hoá sẽ bớt nợ xấu cho ngân hàng

08:38 | 01/04/2014 Print
Việc Chính phủ đẩy nhanh tiến độ cổ phần hoá các DNNN sẽ tác động rất tích cực đến nền kinh tế, trong đó có tác động rõ rệt là ngăn chặn tăng nợ xấu cho lĩnh vực ngân hàng.

Cổ phần hóa

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và các đại biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu DNNN 2014 - 2015. Ảnh TTXVN

Đây là thông tin từ Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia dẫn nguồn theo nhận định của hãng đánh giá độc lập Business Monitor International (BMI) trong Báo cáo Ngân hàng thương mại Việt Nam vừa được công bố.

Tư nhân hóa đem lại nhiều lợi ích

DNNN được BMI cho là nguồn cơn của tình trạng mất cân đối kinh tế vĩ mô tại Việt Nam trong những năm qua. Theo quan điểm của BMI, lợi ích kinh tế sẽ tăng lên nếu tốc độ cổ phần hóa các DNNN tại Việt Nam được tăng gấp 3 lần.

Các DNNN hiện vẫn chi phối một số ngành công nghiệp như đóng tàu, ngân hàng và cơ sở hạ tầng. Sau hàng chục năm hưởng ưu đãi, khích lệ và bảo hộ từ Chính phủ không giúp các DN này cạnh tranh hiệu quả được với các DN nước ngoài, mà lại để lại hậu quả là nợ xấu tăng cao trong lĩnh vực ngân hàng

Vì vậy, thúc đẩy cổ phần hóa có thể giúp giảm những rủi ro từ các khoản nợ chưa thanh toán trong lĩnh vực ngân hàng, thường là những khoản cho vay theo chỉ đạo của Chính phủ.

BMI cũng nhận định các khoản chi tiêu công cho lương và trợ cấp cho các DNNN cũng góp phần đè nặng lên tài chính ngân sách thường xuyên bị thâm hụt và không thể đáp ứng nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng trong những năm qua.

Vì vậy, những nỗ lực nhằm giảm vai trò của DNNN trong nền kinh tế sẽ không chỉ giúp ngăn chặn đà tăng của nợ xấu trong lĩnh vực ngân hàng mà còn giải phóng các nguồn lực cho đầu tư và các lĩnh vực hiệu quả hơn như cơ sở hạ tầng và công nghệ.

Nới room thúc đẩy thị trường tài chính phát triển

Theo BMI, việc giới hạn sở hữu với các nhà đầu tư nước ngoài trong các DN tư nhân và niêm yết tại Việt Nam có thể hạn chế sự phát triển của các thị trường tài chính. Các quỹ đầu tư nước ngoài phải đối mặt với những khó khăn ngày càng tăng trong việc quản lý danh mục đầu tư của mình, đặc biệt là đầu tư vào các cổ phiếu vốn hóa lớn, khi hầu hết trong số 30 DN niêm yết lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam đều đã chạm, hay gần chạm giới hạn sở hữu của cổ đông nước ngoài.

Việc nới room có thể có tác động tích cực tới việc khuyến khích thanh khoản trên thị trường chứng khoán. Việc các nhà đầu tư nước ngoài tham gia nhiều hơn vào thị trường chứng khoán Việt Nam cũng sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển của thị trường phái sinh, nơi đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút các nhà đầu tư tổ chức lớn. BMI cũng nhận định đây là một nguồn doanh thu tiềm năng cho các ngân hàng thương mại Việt Nam đang muốn mở rộng sang cung cấp các dịch vụ đầu tư ngân hàng và thị trường tài chính khác.

Những nỗ lực tư nhân hóa của Chính phủ Việt Nam được coi là sẽ đóng vai trò chính trong việc giúp thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam. Các tập đoàn đa quốc gia đang chờ đợi nhiều vào việc thúc đẩy cải cách thị trường tự do hơn nữa của chính phủ trong những năm tới, có thể bao gồm việc mở cửa các ngành công nghiệp mà DNNN đang chi phối cho cạnh tranh nước ngoài. Thực sự, BMI chờ đợi đầu tư lĩnh vực tư nhân, nơi vốn FDI chảy vào nhiều, đóng một vai trò chủ chốt trong định hướng tăng trưởng kinh tế dài hạn tại Việt Nam.

Nhìn chung, BMI dự báo tăng trưởng GDP thực Việt Nam ở mức trung bình 6,2% trong thập kỷ tới. Các ngân hàng thương mại có thể hưởng lợi đáng kể từ việc mở rộng các dịch vụ ngân hàng để đáp ứng những nhu cầu riêng biệt của các DN nước ngoài.

Mặc dù lạc quan rằng những cải cách cơ cấu sẽ giúp tăng cường cơ sở kinh tế vĩ mô và khả năng cạnh tranh của Việt Nam, nhưng BMI cũng cho rằng những nỗ lực của Chính phủ trong cải thiện hoạt động quản lý DNNN, các chuẩn mực kế toán, và minh bạch là chưa đủ.

Tổ chức này cảnh báo, việc thiếu cải thiện trong lĩnh vực này có thể làm ảnh hưởng xấu tới tiến trình cổ phần hóa các DNNN. Đồng thời, rủi ro đầu tư vào các DN địa phương, như nợ tiềm ẩn, định giá tài sản sai, thiếu thông tin kế toán, có thể khiến các nhà đầu tư nước ngoài lo ngại về danh mục đầu tư./.

Dương An

Dương An

© Thời báo Tài chính Việt Nam