Siết chặt quy định về quản lý rủi ro trong hệ thống ngân hàng

08:45 | 26/03/2014 Print
(TBTCVN) - Dự thảo thông tư quy định về hệ thống quản lý rủi ro trong hoạt động ngân hàng đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi, trong bối cảnh hệ thống ngân hàng đang tồn tại nhiều bất cập về quản lý rủi ro, với hậu quả là những vụ án kinh tế gây thiệt hại lớn gần đây.

risk

Lỗ hơn 5% vốn tự có phải báo cáo ngay với NHNN

Theo dự thảo thông tư, các ngân hàng sẽ phải thiết lập và vận hành một hệ thống quản lý rủi ro gồm sự giám sát của hội đồng quản trị (HĐQT), hội đồng thành viên, ngân hàng mẹ, ban điều hành của ngân hàng; hệ thống các văn bản về chiến lược, chính sách, quy trình quản lý rủi ro bảo đảm nhận dạng, theo dõi, báo cáo và kiểm soát rủi ro; hệ thống thông tin quản lý (MIS) để cung cấp thông tin phục vụ quản lý rủi ro; hệ thống kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ theo quy định của pháp luật.

Hệ thống quản lý rủi ro phải được tổ chức đảm bảo độc lập với các chức năng kinh doanh và chức năng đánh giá độc lập. Chiến lược rủi ro do ngân hàng ban hành được lập tối thiểu là 3 năm, nhưng không quá 5 năm.

NHNN cũng yêu cầu các ngân hàng phải có cơ cấu tổ chức quản lý rủi ro ở các cấp. Đối với cấp HĐQT, hội đồng thành viên phải có ủy ban quản lý rủi ro. Đối với ban điều hành, tổng giám đốc là người chịu trách nhiệm về quản lý rủi ro ở cấp ban điều hành, có giám đốc rủi ro do HĐQT, hội đồng thành viên, ngân hàng mẹ bổ nhiệm, có ủy ban quản lý tài sản nợ có (ALCO) để quản lý rủi ro lãi suất và rủi ro thanh khoản.

Định kỳ hàng quý, các ngân hàng phải báo cáo NHNN về tình hình rủi ro và quản lý rủi ro của quý trước. Tuy nhiên, nếu xảy ra trường hợp lỗ lũy kế lớn hơn 5% vốn tự có, hoặc nguy cơ gây tổn thất lớn hơn 5% vốn tự có thì ngân hàng phải báo cáo ngay với NHNN trong vòng 5 ngày làm việc và trong vòng 15 ngày làm việc phải gửi NHNN kế hoạch xử lý đối với các trường hợp này.

Xây dựng lại hệ thống quản lý rủi ro trong vòng 2 năm

Ngoài các mục trên, thông tư dành 4 chương lớn để quy định về quản lý 4 loại rủi ro chính là rủi tín dụng, rủi ro thanh khoản, rủi ro hoạt động và rủi ro thị trường. Trong đó, quy định cụ thể về trách nhiệm của HĐQT, hội đồng thành viên ngân hàng trong việc xây dựng quy trình, tiêu chí, thẩm định, quản lý rủi ro.

Yêu cầu phân tách rõ chức năng từ các cấp thấp nhất đến cao nhất theo khối kinh doanh, khối xử lý nội bộ và khối quản lý rủi ro. Khối kinh doanh không được phê duyệt, quyết định đối với các chính sách tín dụng, quy trình tín dụng và các hạn mức rủi ro tín dụng, xác định giá trị tài sản bảo đảm và quản lý tài sản bảo đảm, tách bạch chức năng quan hệ khách hàng với chức năng thẩm định, phê duyệt tín dụng trong khối kinh doanh.

Về quản lý rủi ro thanh khoản, thông tư quy định chiến lược quản lý rủi ro thanh khoản phải xác định rõ lượng vốn huy động có thể duy trì trong bất cứ hoàn cảnh nào; lượng vốn huy động sẽ bị rút dần khi có vấn đề xảy ra; lượng vốn huy động sẽ bị rút ngay lập tức khi có vấn đề xảy ra. Đồng thời, phải có các biện pháp xử lý thiếu hụt thanh khoản tạm thời và dài hạn.

Đối với quản lý rủi ro thị trường, ngân hàng phải có quy trình quản lý tài sản đảm bảo từ khi bắt đầu đến khi thanh lý hợp đồng và quy trình quản lý các khoản cấp tín dụng có vấn đề; phải có văn bản quy định giới hạn tổng giá trị rủi ro thị trường và hệ thống hạn mức thị trường.

Các ngân hàng cũng phải có các phương pháp đo lường rủi ro thị trường, đảm bảo đo lường được rủi ro thị trường gắn với tất cả các tài sản tài chính, nợ phải trả tài chính và các khoản mục ngoại bảng. Các phương pháp này có tính khả thi và hoạt động được kể cả trong môi trường có nhiều thông tin, sự kiện làm bóp méo, sai lệch thị trường hoặc khi mức giá trên thị trường không đủ tin cậy hoặc không được cập nhật.

Sau khi Thông tư có hiệu lực từ ngày 1/6/2014, trong vòng 2 năm (chậm nhất đến ngày 1/6/2016), các ngân hàng sẽ phải hoàn thiện hệ thống quản lý rủi ro theo quy định tại Thông tư này để phù hợp với lộ trình cơ cấu lại hệ thống ngân hàng theo đề án đã được Chính phủ phê duyệt và lộ trình thực hiện Basel II tại Việt Nam.

Trên thực tế, lâu nay nhiều ngân hàng đã có các bộ phận quản lý rủi ro riêng, tuy nhiên theo các tiêu chí, quy trình thực hiện khác nhau. Vì vậy, thông tư này ra đời sẽ giúp việc quản lý rủi ro sẽ được thực hiện đồng bộ, thống nhất giữa các ngân hàng, giúp việc quản lý hiệu quả hơn, làm tăng tính an toàn, ổn định của hệ thống.

Thanh Mai

Thanh Mai

© Thời báo Tài chính Việt Nam