Sáp nhập Southern Bank vào Sacombank: Chỉ 2,3% phủ quyết

16:18 | 25/03/2014 Print
Chỉ 2,3% tỷ lệ cổ phần biểu quyết không đồng ý chủ trương sáp nhập Southern Bank vào Sacombank, nhưng lại có trong một không khí nóng của phiên họp đại hội đồng cổ đông.

stb

Rất nhiều cổ đông tham gia đại hội là những người lớn tuổi. Có lẽ họ đã qua cái thời căng thẳng và đau đầu với những khoản đầu tư, với những toan tính thiệt hơn...

>> Sacombank trước vị đắng Southern Bank

>> Sáp nhập Southern Bank với Sacombank: Eximbank là 'chủ xị' hay 'quân cờ'?

>> Southern Bank với Sacombank: Ngửa bài!

Nếu để ý, dễ thấy trong hội trường phiên họp đại hội đồng cổ đông 2014 của Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) sáng 25/3 có rất nhiều người tham dự đã lớn tuổi, tóc đã điểm bạc. Có lẽ họ đã qua cái thời căng thẳng và đau đầu với những khoản đầu tư, với những toan tính thiệt hơn. Họ hẳn cũng là những cổ đông đã gắn bó nhiều năm với ngân hàng này.

Trong số đó, có bao nhiêu người không hài lòng với kết quả phiên họp sáng 25/3? Có thể rất nhiều, nhưng lại rất ít.

Sacombank là ngân hàng thương mại cổ phần có số lượng cổ đông hùng hậu nhất trong hệ thống, 65.511 cổ đông tính đến ngày 25/2/2014. Nhiều ý kiến bức xúc tại phiên họp tạo nên không khí nóng, nhưng tỷ lệ phủ quyết chỉ 2,3% cho thấy họ là những cổ đông nhỏ lẻ mà thôi.

Nhưng, phản ứng của cổ đông nhỏ lẻ không hẳn đã lọt thỏm trong sự áp đảo của 97,3% tỷ lệ biểu quyết thông qua kế hoạch sáp nhập Southern Bank.

Phần lớn thời gian của đại hội là báo cáo và trình bày, những thủ tục và nội dung cứng nhắc mà cổ đông đã đọc nát qua các tờ trình. Vậy nên, có cổ đông đề nghị giảm thiểu các phần “kính thưa” để tập trung cho thảo luận, mà nội dung trọng tâm là chủ trương sáp nhập.

Nhưng, nguyên tắc và quy định, phần thảo luận diễn ra ngắn gọn, và dường như Ban chủ tọa muốn nó trôi đi thật nhanh. Bởi lẽ, họ yêu cầu đặt vấn đề và ý kiến bằng văn bản để sau đó có thể giảm tải bằng kênh trả lời qua website; thực tế các câu trả lời cũng rất hạn chế về yêu cầu thông tin đáp ứng.

Có tổng 29 ý kiến của cổ đông tập hợp qua văn bản, chủ yếu chất vấn về việc sáp nhập Southern Bank, về các chỉ tiêu 2014 và tỷ lệ cổ tức chỉ trả… Song, hội trường cũng nóng lên, có lúc náo nhiệt khi cổ đông được phát biểu trực tiếp.

“Tại sao phải sáp nhập Ngân hàng Phương Nam vào Sacombank?”; “Không sáp nhập thì tốt hơn, lúc đó Sacombank sẽ vững vàng và tốt hơn khi phải níu kéo một ngân hàng yếu kém hơn”; “Không đồng ý việc ủy quyền cho Hội đồng Quản trị thực hiện các tờ trình vì chúng tôi không biết Hội đồng Quản trị sẽ thực hiện vấn đề gì”…

Một loạt ý kiến phản đối và bức xúc đặt ra, được hưởng ứng bằng những tràng pháo tay chộn rộn hội trường.

Có lẽ, điều đó khiến Ban chủ tọa “nóng mặt”. Và cũng có lẽ chính không khí đó khiến các lãnh đạo chủ chốt của Sacombank đều tránh mặt báo chí trong giờ giải lao ngắn bằng “hàng rào” của lực lượng bảo vệ.

Nhiều cổ đông không thỏa mãn, bởi họ có quá ít thông tin và cơ sở về triển vọng sáp nhập, trong khi lợi ích của chính họ cũng chưa rõ ràng.

Bên hành lang hội trường, một cổ đông lớn tuổi cho biết, ông đã gắn bó và dõi theo Sacombank từ những ngày đầu chuyển đổi từ mô hình hợp tác xã tín dụng, đến niêm yết trên thị trường chứng khoán, cũng như những thăng trầm những năm gần đây.

“Tôi thấy họ trả lời lấp lửng, không rõ ràng và cụ thể lợi ích khi sáp nhập như thế nào. Chỉ nói chung chung là mở rộng quy mô hoạt động. Rộng và lớn mà nhiều bất ổn như Agribank thì sao? Sau những năm khủng hoảng, Sacombank mới dần lấy được thăng bằng năm qua, giờ sáp nhập Southern Bank sẽ là một gánh nặng thì có rơi vào khó khăn như vừa qua?”, cổ đông này cho biết.

Tại đại hội, cả tân Chủ tịch Kiều Hữu Dũng và Phó chủ tịch Nguyễn Miên Tuấn đều đưa ra những câu trả lời rất chung chung và mơ hồ: việc sáp nhập Southern Bank vào Sacombank đã được Hội đồng Quản trị nghiên cứu kỹ lưỡng nên mới đề nghị sáp nhập.

Ông Kiều Hữu Dũng nói rằng: “Việc sáp nhập này, theo chúng tôi là rất có lợi cho Sacombank. Xin các cổ đông an tâm và chấp thuận đề nghị này. Chúng tôi mong muốn cổ đông đưa ý kiến bằng văn bản, chúng tôi sẽ trả lời qua website. Chúng tôi đảm bảo thông tin được minh bạch”.

Trong khi đó, ông Trầm Bê, Phó chủ tịch thường trực, người được xem là “ông chủ” mới của Sacombank lại chưa từng lên tiếng. Hơn ai hết, ông Trầm Bê là người hiểu rõ lợi - hại của Southern Bank.

Như trên, một loạt ý kiến phản đối và bức xúc từ cổ đông, được hưởng ứng bằng những tràng pháo tay chộn rộn hội trường phiên họp.

Nhưng, có lẽ đó cũng chỉ là một không khí mà những cổ đông nhỏ lẻ tạo được trước khi chủ trương sáp nhập được chốt lại và thông qua bằng tỷ lệ biểu quyết áp đảo.

Như đề cập ở bài viết trước, kịch bản sáp nhập Southern Bank vào Sacombank không còn gì mới. Con đường đã được tính toán từ nhiều năm trước, nay chỉ là chính thức đặt ra mà thôi. Hay phản ứng của các cổ đông nhỏ lẻ cũng chỉ là ...nhỏ lẻ mà thôi.!?

Thùy Vân

Thùy Vân

© Thời báo Tài chính Việt Nam