Lùi áp dụng quy định về nợ xấu: Niềm tin bị tổn thương

17:09 | 21/03/2014 Print
Ngày 18/3, NHNN đã ban hành Thông tư 09 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 02. Các sửa đổi được chú ý nhất là lùi thời hạn hiệu lực của một số quy định để tránh gây sốc đối với thị trường.

bank

Các quy định điều chỉnh sẽ có lợi ích trong ngắn hạn cho các ngân hàng. (Ảnh minh họa)

Bớt sức ép cho ngân hàng và doanh nghiệp

Cụ thể, Thông tư 09 lùi thời hạn mà các TCTD phải xếp hạng tín dụng nội bộ theo kết quả xếp hạng tín dụng của Trung tâm Thông tin tín dụng CIC từ ngày 1/6/2014 sang ngày 1/1/2015.

Khi thực hiện quy định này, DN đã bị xếp vào nhóm nợ xấu ở ngân hàng này sẽ không thể tiếp tục vay vốn ở bất kỳ ngân hàng nào khác. Việc lùi thời hạn cho phép các DN và ngân hàng có thêm thời gian chuẩn bị cho hình thức phân loại này.

Thông tư 09 cũng bổ sung quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ áp dụng từ ngày 20/3 đến ngày 1/4/2015, khi Quyết định 780 về cơ cấu lại nợ hết hiệu lực vào ngày 1/6/2014. Tổng số nợ đã được cơ cấu theo Quyết định 780 vào khoảng 300.000 tỷ đồng. Như vậy, với Thông tư 09, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ vẫn tiếp tục được thực hiện, tuy nhiên với các điều kiện chặt chẽ hơn. Mỗi khoản nợ chỉ được cơ cấu một lần, nhằm tránh hiện tượng các ngân hàng cơ cấu lại nhiều lần làm đẹp báo cáo tài chính.

Ngoài ra, Thông tư 09 bổ sung thêm quy định về trích lập dự phòng trong trường hợp bán nợ xấu cho VAMC, quy định về phân loại nợ, thu hồi nợ với các khoản nợ vi phạm pháp luật, quy định về đánh giá tài sản đảm bảo theo giá thị trường.

Những quy định được điều chỉnh trong Thông tư 09 có tác động rất lớn, đối với ngân hàng và doanh nghiệp.

Đánh giá về các điều chỉnh trên, công ty BVSC cho rằng, trước tiên Thông tư 09 sẽ tác động tích cực tới lợi nhuận trong ngắn hạn của các ngân hàng. Cụ thể là giảm và trì hoãn áp lực về nợ xấu đối với các ngân hàng, qua đó, giúp các ngân hàng có thêm thời gian để điều chỉnh hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ theo hướng áp dụng từng bước các quy định trong thông tư 02 trước đây, đồng thời tránh được cú sốc về nợ xấu tăng đột biến và lợi nhuận kế toán sụt giảm mạnh.

Trong năm 2013, để tránh sự thay đổi đột ngột về nợ xấu khi áp dụng thông tư 02, các ngân hàng đã tăng dần trích lập dự phòng, nâng dần tỷ lệ dự phòng rủi để cải thiện nguồn tiền, nhằm đối phó và xử lý nợ xấu sau này. Đồng thời, tích cực sử dụng nguồn dự phòng để xử lý nợ xấu và bán nợ xấu cho VAMC. Lợi nhuận trước thuế các ngân hàng vì thế sụt giảm nhiều trong quý 1/2013 (giảm 29% so với cùng kỳ), tuy nhiên khả quan hơn trong quý 2 và 3/2013 sau khi Thông tư 02 được lùi thời hạn áp dụng lần thứ 1.

Niềm tin thị trường bị tổn thương

Tuy nhiên BVSC cũng cho rằng, xét về dài hạn, những điều chỉnh của Thông tư 09 có thể làm chậm tiến trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Việc phục hồi sức khỏe của hệ thống ngân hàng phụ thuộc rất nhiều vào tốc độ và tính hiệu quả của việc tái cơ cấu toàn hệ thống, và cụ thể hơn là hai giải pháp chính: hoạt động của Công ty quản lý tài sản VAMC và việc thực thi Thông tư 02/2013/TT-NHNN.

Trước đây, khi ra đời Thông tư 02 được kỳ vọng rất lớn về việc xác định đúng và đủ nợ xấu, đưa ra một bức tranh chân thực về sức khỏe của từng ngân hàng nói riêng và toàn bộ hệ thống ngân hàng nói chung cũng như dần hướng tới việc tuân theo các chuẩn mực và thông lệ quốc tế về quản trị rủi ro.

Trên cơ sở đó, những bất cập trong hệ thống ngân hàng sẽ dần được cải tổ, giúp hệ thống ngân hàng có thể tăng trưởng an toàn và bền vững hơn. Những điều chỉnh dự kiến của Thông tư 02 sẽ đẩy lùi tiến độ của quá trình tái cơ cấu các TCTD, cũng như việc tiếp cận với những chuẩn mực của Basel II và Basel III mà Ngân hàng Nhà nước đang theo đuổi.

Trong khi đó, VAMC chỉ có tác dụng “trì hoãn” các khoản nợ xấu cho đến khi nền kinh tế khả quan trở lại hơn là tác động thực sự đến thực trạng hoạt động ngân hàng. Hoạt động của VAMC phụ thuộc rất lớn vào việc xác định chính xác và đầy đủ con số nợ xấu, từ đó đưa ra kế hoạch và lộ trình mua lại các khoản nợ xấu từ TCTD và có phương án phát hành trái phiếu đặc biệt. Khi các ngân hàng được trì hoãn việc cơ cấu nợ, giấu nợ xấu lâu hơn thì sức ép bán nợ cho VAMC cũng giảm.

Thông tư 02 đã từng được trì hoãn 1 năm kể từ ngày 1/6/2013. Theo đánh giá của BVSC, việc tiếp tục đẩy lùi thời hạn hiệu lực đối với một số điểm trong thông tư này sang năm 2015 có thể gây tổn thương đến niềm tin thị trường đối với chính sách điều hành, đặc biệt trong bối cảnh Thông tư 02 đã mang đến hy vọng về một cuộc cải cách trong hoạt động của các ngân hàng./.

Dương An

Dương An

© Thời báo Tài chính Việt Nam