Southern Bank với Sacombank: Ngửa bài!

09:36 | 13/03/2014 Print
Vặn ngược kim đồng hồ, nếu là Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) trước đây thì họ có muốn sáp nhập Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank) hay không?

thau tom ngan hang

Cuộc chơi đang ngửa bài, nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi đặt ra đối với việc sáp nhập này, trong đó vai trò của Eximbank trong thương vụ này đang làm những người ngoài cuộc nhiều hoài nghi mơ hồ... Ảnh minh họa (Đ.T)

Đó là thời điểm cuối 2011 đầu 2012, một số ngân hàng thương mại đứng bên bờ vực đổ vỡ thanh khoản. Cùng với bối cảnh chung, những thay đổi tại Sacombank bắt đầu lộ rõ…

Thời điểm đó, giới thạo tin đồn đoán rằng, có nhà đầu tư lớn đã đến đặt thẳng vấn đề với Hội đồng Quản trị Sacombank hỗ trợ Southern Bank. Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sacombank lúc đó là ông Đặng Văn Thành, đã từ chối thẳng. Câu chuyện bên lề này hẳn những người trong cuộc nắm rõ hơn cả.

Ngửa bài hậu thâu tóm

Không lâu sau đó, nhóm nhà đầu tư lớn âm thầm gom mua cổ phiếu STB (cổ phiếu của Sacombank) bắt đầu lộ diện. Họ đến làm việc và đàm phán với Sacombank. Những cuộc gặp căng thẳng. Southern Bank, và tình thế khó khăn đã phảng phất tại các cuộc gặp đó.

Kết quả đàm phán có lẽ không như mong muốn. Vì ngay sau đó, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) lấy tư cách là cổ đông lớn có văn bản đề nghị Sacombank bầu lại toàn bộ Hội đồng Quản trị, Ban kiểm soát - một sự kiện gây sốc trên thị trường lúc bấy giờ.

Trước khi Eximbank ngửa bài, thị trường chứng kiến cuộc chạy đua quyết liệt giữa những “người cũ” của Sacombank với nhóm nhà đầu tư trên, nhằm nắm được tỷ lệ sở hữu đủ sức để đối chọi. Sự phân định cũng sớm sáng tỏ, tại đại hội đồng cổ đông thường niên tháng 5/2012, cuộc chuyển giao quyền lực diễn ra tại Sacombank; trong đó, Eximbank chỉ là một cấu phần, phần lớn nhân sự nhận chuyển giao và được cơ cấu lại chủ yếu đến từ Southern Bank. Cuộc thâu tóm kết thúc và chuyển sang bước tiếp theo.

Ngay tại đại hội trên, có nhà đầu tư đã đặt câu hỏi, liệu Sacombank và Southern Bank liệu có sáp nhập với nhau? Tình huống đó được treo cho đến hơn một năm sau, xen vào đó là bản hợp đồng dường như đánh lạc hướng sự chú ý của công chúng được ký: Sacombank và Eximbank hợp tác tìm hướng hợp nhất với lộ trình trong 5 năm tới, với mức độ tạm thời là mong muốn…

Thế nhưng, tình huống mà nhà đầu tư đặt ra, cũng như lực lượng nhân sự cao cấp từ Southern Bank chuyển sang Sacombank cũng đã phát đi những thông điệp nhất định.

Đến nay, hai bên đã chính thức đưa vào chương trình đại hội đồng cổ đông sắp tới và những người "chơi bài" đã "ngửa bài" và đó chỉ cũng là một sự công khai của hậu thâu tóm Sacombank mà thôi.

Cuộc “giải cứu” ngoạn mục?

Như câu chuyện hồi căng thẳng thanh khoản mà nhà đầu tư đồn đoán đề cập ở đầu bài, Southern Bank từng gặp khó khăn. Dễ thấy, những năm 2010 và 2011, tỷ lệ cho vay so với huy động (LDR) tại ngân hàng này bị đẩy lên vượt quá 100%, không khó khăn thanh khoản mới lạ.

Thậm chí, ngay nửa đầu 2013, khi nhiều ngân hàng thương mại ở trong tình trạng dư thừa vốn, khó thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, thì Southern Bank còn “vã mồ hôi” để lo tiền tất toán trạng thái vàng.

Ngân hàng Nhà nước đã thành công khi loại vốn vàng ra khỏi hệ thống mà không gây bất ổn thanh khoản, hay ảnh hưởng tiêu cực đến lãi suất trên thị trường, nhưng riêng ở Southern Bank, việc tất toán trạng thái phải nhân nhượng thêm một thời gian sau hạn chót 30/6/2013.

Bởi lẽ, nếu Ngân hàng Nhà nước ép đóng trạng thái bằng được và đúng hẹn, có thể ngân hàng này không đủ sức mà thanh khoản là điểm được lưu ý…

Southern Bank cũng là ngân hàng nhỏ, triển vọng hoạt động không mấy sáng sủa khi các chỉ số sinh lời như ROA, ROE những năm qua ở mức thấp, những năm tới cũng chưa hé mở có khả năng đột phá nào. Trong khi đó, nợ xấu có xu hướng tăng mạnh, đến cuối quý 3/2013 đã ở mức 3,8%.

Khó khăn của Southern Bank cũng gián tiếp được “người cũ” - ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Sacombank - đề cập với báo chí là họ tự tái cấu trúc là không khả thi.

Điểm mà nhà đầu tư đáng chú ý hơn ở khả năng sáp nhập hai ngân hàng này là Southern Bank sẽ giải trình thế nào, nếu sáp nhập thì sẽ xử lý thế nào tình trạng chất lượng tài sản khi chuyển giao.

Nhìn bề ngoài, tưởng như hai ngân hàng này đến với nhau sẽ tạo nên khối lượng tài sản lớn, cỡ khoảng 240.000 tỷ đồng, khủng nhất trong khối ngân hàng thương mại cổ phần. Thế nhưng, tại Southern Bank, đã 3 năm qua, có tới gần 26.000 tỷ đồng bị “treo” ở các khoản phải thu, lãi và phí phải thu.

Con số khổng lồ gần 26.000 tỷ đồng này hiện như thế nào? có thu được không, vì sao "treo mãi” như vậy?... là câu hỏi đáng ái ngại nếu Sacombank nhận Southern Bank về. Đáng ngại hơn là phải nhận và xử lý cái cách đã từng tạo ra khoản bị “treo đó”.

Hơn ai hết, những người từng gắn bó với Southern Bank mà hiện đang nắm giữ các vị trí chủ chốt trong quản trị, điều hành Sacombank hiểu rõ con số gần 26.000 tỷ đồng đó, cũng như cách thức từng tạo ra nó. Chỉ có điều, hiện nay họ đã ở một vị thế khác, từ bên ngoài, từ ngân hàng tính nhận sáp nhập để nhìn vào, để gật đầu sáp nhập hay không.

Vị thế của họ được tạo thành từ con đường ngoạn mục. Thâu tóm ngân hàng khác để hướng đến khả năng có thể quyết định số phận ngân hàng mình từng chung thuyền, thậm chí là từng chèo lái. Hay, đó là khả năng tạo ra một cuộc “giải cứu” ngoạn mục cho tình thế khó khăn của Southern Bank hiện nay.

Nhìn lại cả quá trình, từ âm thầm thâu tóm Sacombank, hiện diện những thay đổi trong cơ cấu quản trị và điều hành hai ngân hàng, và rồi ngửa bài sáp nhập, con đường đã được nối dài bằng sự chuyện nghiệp của những tính toán có tầm nhìn chiến lược, được nối dài bằng được và mất giữa các ông chủ nhà băng.

Và cũng đáng quan tâm, nguồn tiền để xây nên con đường đó từ đâu, bằng những cách nào? Câu hỏi này cũng đã từng được đại biểu Quốc hội đặt ra tại nghị trường, khi câu chuyện Sacombank bị thâu tóm nóng trong các dòng chảy thời sự hơn một năm về trước.

Chính Trung

Chính Trung

© Thời báo Tài chính Việt Nam