Gian lận bảo hiểm: Cần bịt lỗ hổng từ cách quản lý đại lý

09:19 | 13/02/2014 Print
Đại lý bảo hiểm hoạt động nhân danh DN bảo hiểm và mang lại lợi ích cho DN, tuy nhiên trên thực tế, có không ít trường hợp gian lận bảo hiểm lại xảy ra ở chính đại lý bảo hiểm, đã và đang tác động xấu đến thị trường, làm giảm lợi nhuận và uy tín của các DN bảo hiểm.

LỗDN “đau đầu” vì gian lận từ chính đại lý bảo hiểm

Hiện nay, phần lớn hợp đồng bảo hiểm của các DN bảo hiểm với khách hàng được thực hiện thông qua hệ thống đại lý bảo hiểm, nhưng trên thực tế rất nhiều các vụ gian lận bảo hiểm lại đến từ đại lý bảo hiểm, điều này khiến không ít lãnh đạo DN bảo hiểm đau đầu.

Gian lận bảo hiểm: Cần bịt lỗ hổng từ cách quản lý đại lý
Xử lý nghiêm gian lận của đại lý bảo hiểm sẽ làm giảm tình trạng gian lận bảo hiểm hiện nay. Ảnh: T.L

Chia sẻ tại hội thảo "Phòng chống gian lận bảo hiểm nhân thọ - những vấn đề lý luận từ thực tiễn" vừa diễn ra tại Hà Nội, đại diện một DN bảo hiểm nhân thọ hàng đầu chia sẻ, trong giai đoạn từ 2007-2011 tổng số vụ gian lận bảo hiểm bị phát hiện là 44.704 vụ, với tổng số tiền là hơn 410 tỷ đồng, trong đó lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ là 3.973 vụ, với tổng số tiền gần 150 tỷ đồng và bảo hiểm nhân thọ là 40.731 vụ, với tổng số tiền 260 tỷ đồng. Chưa có thống kê cụ thể số vụ gian lận bảo hiểm thời gian gần đây nhưng có thể thấy tính chất nghiêm trọng và mức độ nguy hiểm của các vụ gian lận bảo hiểm từ đại lý ngày càng lớn.

Theo số liệu của Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, tính đến hết tháng 9/2013, tổng số lượng đại lý có mặt trên thị trường là 240.590 người, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước, riêng trong 9 tháng đầu năm 2013, số lượng đại lý mới tuyển dụng là: 94.610 người. Số lượng đại lý tăng nhưng hầu hết các đại lý hoạt động bán thời gian, điều này gây khó khăn cho DN trong việc quản lý đại lý bảo hiểm.

Chia sẻ tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, hình thức gian lận bảo hiểm phổ biến của đại lý hiện nay là thu tiền của khách hàng nhưng không nộp về DN bảo hiểm ngay mà sử dụng cho mục đích riêng như tiêu dùng cá nhân, tham gia tín dụng đen... Ngoài ra nhiều đại lý còn lợi dụng sự cả tin và kém hiểu biết của chính khách hàng để thu phí bảo hiểm nhưng không xuất phiếu thu hoặc sử dụng phiếu thu giả.

Không ít trường hợp đại lý bảo hiểm tư vấn cho khách hàng cách trục lợi bảo hiểm tại chính DN bảo hiểm mà đại lý đó làm việc. Đại lý gian lận bằng cách đưa những người không đủ tiêu chuẩn về tình trạng sức khỏe theo quy định tham gia bảo hiểm để được hưởng ưu đãi bảo hiểm; hỗ trợ và giúp khách hàng thực hiện hợp đồng bảo hiểm sau khi sự kiện được bảo hiểm xảy ra.

Đặc biệt, có nhiều đại lý bảo hiểm đã "chiêu dụ" khách hàng bằng cách chia hoa hồng nhận được từ hợp đồng bảo hiểm cho khách hàng hoặc tạm ứng phí bảo hiểm khi khách hàng nộp trễ hạn. Đây được xem như một hành vi gian lận bảo hiểm vì gây ảnh hưởng lớn đến tính minh bạch của hoạt động bảo hiểm, thay đổi tính chất của việc mua bảo hiểm, điều này khiến không ít lãnh đạo DN bảo hiểm đau đầu.

Theo các chuyên gia bảo hiểm, nhiều đại lý bảo hiểm đã gây mất uy tín của DN bảo hiểm bằng cách tư vấn bảo hiểm sai quy định, tư vấn không đầy đủ, không chính xác, trình bày sai lệch về các điều khoản và sản phẩm bảo hiểm dẫn đến những ngộ nhận của khách hàng khi tham gia bảo hiểm, nhiều tranh chấp hợp đồng bảo hiểm đã xảy ra do lỗi của chính đại lý bảo hiểm. Đặc biệt, nhiều đại lý bảo hiểm còn giả mạo thông tin khách hàng, tự lập hồ sơ bảo hiểm cho khách hàng… vi phạm nghiêm trọng quy định hoạt động của đại lý bảo hiểm nhưng chỉ một số rất ít đại lý bị xét xử.

Nguyên nhân của tình trạng gian lận bảo hiểm của đại lý bảo hiểm được các chuyên gia lý giải là do kẽ hở pháp luật. Bộ luật hình sự chưa có điều luật nào quy định cụ thể về tội danh liên quan đến gian lận bảo hiểm. Đối tượng gian lận bảo hiểm chỉ có thể bị xử vì các tội danh liên quan như: tham ô, hối lộ, chiếm đoạt tài sản…Chính vì hành lang pháp lý chưa đầy đủ nên nhiều vụ gian lận bảo hiểm chưa được điều tra xét xử nghiêm.

Tổng giám đốc một DN bảo hiểm nhân thọ cho biết, hiện nay phần lớn người dân vẫn có thói quen thanh toán bằng tiền mặt, điều này tạo môi trường thuận lợi cho đại lý bảo hiểm thực hiện hành vi chiếm dụng phí bảo hiểm dễ dàng và DN bảo hiểm đành bó tay, uy tín của DN bị ảnh hưởng.

Giải pháp chống gian lận bảo hiểm

Chia sẻ tại hội thảo, đại diện các DN bảo hiểm đều cho rằng, để phòng chống gian lận bảo hiểm hiệu quả, bản thân DN bảo hiểm cần rà soát và hoàn thiện các quy trình nghiệp vụ, đặc biệt là quy trình tuyển dụng, đào tạo, cấp chứng chỉ đại lý, chuẩn hóa chương trình đào tạo đại lý. Hiện nay, 90% đại lý bảo hiểm làm việc bán thời gian vì vậy việc xây dưng các chế độ đãi ngộ nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp và sự gắn bó lâu dài với DN là cần thiết.

Đặc biệt, các DN cần đầu tư phát triển hệ thống công nghệ thông tin nhằm theo dõi, quản lý, giám sát hoạt động của đại lý bảo hiểm, thành lập các bộ phận chuyên trách việc điều tra, xử lý những vụ việc có dấu hiệu nghi vấn gian lận bảo hiểm.

Bên cạnh đó, việc áp dụng thanh toán qua ngân hàng, áp dụng hệ thống cảnh bảo rủi ro đối với thị trường bảo hiểm như hệ thống cảnh báo EWS( Early Warning System) của thế giới là rất cần thiết.

Theo các chuyên gia bảo hiểm khi hệ thống pháp luật về bảo hiểm, nhất là nội dung liên quan đến xử lý các vi phạm của đại lý bảo hiểm chưa được hoàn thiện thì cơ quan chức năng về quản lý bảo hiểm phải tăng cường giám sát hoạt động của đại lý bảo hiểm, áp dụng nghiêm các chế tài hành chính, hình sự để xử lý những trường hợp đại lý gian lận bảo hiểm tránh ảnh hưởng đến uy tín của DN bảo hiểm và thị trường bảo hiểm./.

Hồng Chi

Hồng Chi

© Thời báo Tài chính Việt Nam